1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Phương Thảo: “Nhạc sĩ An Thuyên là người thầy lớn trong cuộc đời tôi”

(Dân trí) - “Thầy là người cực kỳ giản dị, sống thật lòng và thầy là trong số ít những nhạc sĩ luôn được khán giả nhớ đến”, ca sĩ Phương Thảo tưởng nhớ tới người thầy cô vô cùng yêu mến và kính trọng, cố nhạc sĩ An Thuyên. Trong dịp 20/11 này, cô cũng chia sẻ những kỷ niệm đặc biệt về thầy An Thuyên…

Phương Thảo hát tiễn đưa thầy với bài hát tự sáng tác "Trăng sáng một mình"

Tôi là người may mắn khi có cơ duyên gặp được hai người thầy lớn trong cuộc đời, đó là nhạc sĩ An Thuyên và NSND Quý Dương. Mỗi thầy có cách quan tâm, yêu thương và định hướng riêng cho con đường âm nhạc của tôi, nhờ đó mới có một Phương Thảo như ngày hôm nay. Hôm nay là ngày 20/11 và sẽ là ngày 20/11 lần thứ 18 tôi được quen được học các thầy và cũng là từng ấy năm tôi sống ở Hà Nội.

Nhắc đến thầy An Thuyên, phải khẳng định rằng thầy là nhạc- sĩ- của- công- chúng. Thường khán giả chỉ nhớ đến ca sĩ hát bài hát hay mà ít khi nhớ đến tác giả. Nhưng với nhạc sĩ An Thuyên, những người yêu nhạc dân gian, nhắc đến tên thầy là ai cũng biết. Họ dành cho thầy tình cảm rất trân quý, kính trọng. Thầy là người cực kỳ giản dị, sống thật lòng.

Với khán giả, họ hiểu nhạc sĩ An Thuyên qua ca từ ca khúc của ông. Khán giả quan tâm ca từ trong bài hát của thầy. Ca từ của ông bắt nguồn từ con người ông, những hiểu biết của ông và những điều ông chắt góp trong cuộc sống dân dã. Từ người xuất thân miền quê đến khi trở thành thiếu tướng, cố nhạc sĩ An Thuyên vẫn giữ được cốt cách đó. Ca từ của ông luôn luôn là điều gần gũi, đó là lý do những người yêu nhạc dân gian nhớ đến nhạc sĩ An Thuyên…

“Nhạc sĩ An Thuyên là người thầy, người cha và là người bạn lớn…”

Với cố nhạc sĩ An Thuyên, tôi có rất nhiều kỷ niệm. Ngay lần gặp đầu tiên, không chỉ là cái duyên thầy trò mà còn là cái duyên gặp gỡ của người đồng hương. Khi đó, những lời hỏi han việc học hành, hỏi han về quê hương, cha mẹ và những lời hỏi han về cuộc sống hiện tại dành cho học viên trong Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội của thầy hiệu trưởng làm cho tôi rất xúc động.

Ngày 20/11, Phương Thảo dành nhiều chia sẻ cảm động và chân tình về một trong hai người thầy lớn trong cuộc đời.
Ngày 20/11, Phương Thảo dành nhiều chia sẻ cảm động và chân tình về một trong hai người thầy lớn trong cuộc đời.

Thời điểm mới bước chân vào trường, tôi còn non nớt. Khi đó Hà Nội vẫn còn là nơi xa lạ, được thầy hiệu trưởng hỏi han, quan tâm thường xuyên đó là niềm hạnh phúc đối với tôi. Tôi còn kỷ niệm đặc biệt thời “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba….”, đó là tôi và bạn cùng phòng ở ký túc xá có những va chạm, thậm chí bị kỷ luật nhưng thầy luôn luôn là người cha, người bạn lớn ở bên động viên và vẫn bao bọc, che chở cho mình. Khi tôi bị kỷ luật, thầy đã gọi tôi lên, vừa mắng để tôi nhận ra lỗi sai của mình, vừa động viên nhẹ nhàng để tôi không cảm thấy tủi thân…

Trong những chương trình của nhà trường, thầy đều xếp cho tôi được hát đơn ca. Khi vào trường, cơ hội hát đơn ca không phải ai cũng có. Thầy là người sâu sắc, không bao giờ qua loa trong mọi vấn đề. Những lúc gặp thầy, dù ngắn ngủi thôi, nhưng lúc nào thầy cũng hỏi: “Con hiểu bài hát nói gì?” Hay có những câu hát đặc biệt trong bài hát của thầy, thầy lại hỏi: “Con có hiểu câu hát này không?”. Nếu tôi giải thích đúng, thầy cười, gật đầu: “Được đấy!”. Nếu tôi nói chưa đúng ý, thầy sẽ giải thích cho mình hiểu. Thầy muốn tôi hiểu câu hát, bài hát nói gì thì mới thể hiện được cái hồn của nó. Khi mình hiểu, khán giả mới hiểu mình hát cái gì. Cho đến bây giờ, tôi vẫn luôn vận dụng những lời dạy dỗ, chỉ bảo của thầy.

Khi thầy nghỉ hưu, lo lắng rằng thầy sẽ buồn, tôi đã tự chọn, biên tập và thu âm đĩa CD gồm 9 bài hát do thầy sáng tác như “Neo đậu bến quê”, “Ca dao em và tôi”… dành tặng thầy. Dù là nhạc sĩ lớn nhưng tôi nhớ thầy chỉ có đúng một CD thầy làm về những bài hát của thầy mà thầy thích có NSND Thu Hiền và Quang Linh hát.

Thầy đã rất vui trước món quà của tôi. Sau đó thầy về nghe và gọi điện cho tôi, nói một câu ngắn gọn: “Tôi nghe hết rồi, hay lắm! Cám ơn nhé!”. Sau đó, trước khi thầy mất hai năm, thầy đề nghị thầy biên tập những bài hát thầy thích và làm nhạc phối theo cách của thầy và tôi sẽ hát cho thầy. Ý của thầy là: đĩa trước, tôi làm cho thầy, còn đĩa này thầy muốn làm cho tôi. Thời gian ấp ủ dễ đến hai năm, nhưng vì cuộc sống riêng tư nhiều xáo trộn khiến tôi không dành nhiều thời gian cho thầy để ngồi với nhau trao đổi, cách xử lý tác phẩm, làm nhạc. Cho đến khi thầy mất, tôi rất áy náy…

Khi thầy ra đi mãi mãi, điều an ủi đối với tôi là người thân của thầy đã để CD tôi hát thu tặng thầy vào trong áo quan của thầy, để thầy mang theo. Giờ tôi luôn có cảm giác thầy vẫn ở bên, luôn đồng hành với mình…

“Vầng trăng đò đưa” là An Thuyên sáng tác riêng tặng Phương Thảo

Khi tôi có chuyện buồn trong hôn nhân, người mà tôi chia sẻ là thầy An Thuyên. Thầy động viên tôi rất nhiều. Thầy có nói một câu: “Thôi chị ạ, người ta yêu chị người ta cũng mệt lắm. Chị mệt một, người ta mệt mười. Chị là người đa cảm…” Thầy phân tích rất nhiều để tôi chấp nhận sự thật. Thầy bảo: “Chị như một vầng trăng, sáng nhưng mà cao, xa và cô đơn lắm. Người đàn ông ở quanh chị như con đò dưới bến nhìn lên. Lúc nào gặp nhau cũng chỉ là con đò nhỏ bé…” Tôi hiểu rằng, thầy luôn hiểu và ưu ái mình. Sự ví von của thầy cũng là nghĩ tốt đẹp về mình. Cách động viên sâu sắc, đầy khích lệ của thầy khiến tôi nhớ lại thuở tôi là đứa bé 16 tuổi mới được gặp thầy…

Phương Thảo đã sốc trước sự ra đi của người thầy cô vô cùng kính trọng, cố nhạc sĩ An Thuyên.
Phương Thảo đã "sốc" trước sự ra đi của người thầy cô vô cùng kính trọng, cố nhạc sĩ An Thuyên.

Một tuần sau khi tôi tâm sự, thầy gọi đến đưa cho tôi bản nhạc với tên gọi “Vầng trăng đò đưa” và bảo tôi tập hát bài này đi. Tôi về vỡ bài, đọc lời và rất thích bài hát này. Hôm sau, tôi gọi điện cho thầy nói bài hát hay, tôi rất thích. Sau đó tôi phối nhạc và đưa bài hát thầy viết tặng mình vào album “Gái Nghệ”. Thầy có nghe và khen ngợi tôi.

Bài hát có chuỗi ca từ sâu sắc về câu chuyện của tôi với những người đàn ông đã qua… Mở đầu có câu: “ Em tóc xõa che vầng trăng/ Che nỗi buồn sâu lắng/ Em xa anh một mình hát/ Mà sông Lam núi Hồng ngàn năm sánh đôi/ Dù hết nước, hết cây vẫn còn mãi tình/ Em xa anh trăng sáng một mình.

Vầng trăng đò đưa/ Buồn sao mênh mông tình dài hơn sông/ Còn nhớ hay không lời ước hẹn/ Anh đi biền biệt cá chẳng xủi tăm/ Đợi chờ một khắc bằng mấy trăm năm…”

Hai ngày sau khi thầy mất, tôi đã nghĩ rằng khi còn sống, thầy là người viết nhiều thơ nhạc để tiễn đưa người khác, vậy khi thầy ra đi, ai là người viết tiễn thầy? Thời gian khi thầy mới mất, tôi ở nhà không đi đâu cả và luôn nghĩ về thầy. Trong lúc gào khóc vì cảm thấy quá nặng nề, tôi chợt nghĩ: “Ai ở nơi kia đang chờ mà vội/ Sao chẳng nói một lời với nhau”. Tôi lấy từ ý đấy, nhớ lại ngày xưa thầy viết “Vầng trăng đò đưa” cho mình, giờ tôi sẽ viết “trả lại” cái nghĩa đấy cho thầy.

Bài hát tiễn thầy, tôi lấy tên “Trăng sáng một mình”. Tôi cảm thấy mình như một con đò nhỏ bé còn thầy là vầng trăng sáng mãi trên cao… Tôi viết: “Đò em chơi vơi nỏ bến/ Anh, vầng trăng lang thang ở đâu”. Tôi nhớ những bài hát của thầy, tôi lồng ghép ý tứ từ bài “Ca dao em và tôi” và “Neo đậu bến quê” lại. Tôi dùng tứ trong bài để ví von trong bài hát mới của mình. Tôi ước thầy có giây phút hấp hối để còn nói với nhau lời cuối, nhưng không, nên tôi đã giận thầy: “Người chặt đôi vầng trăng mỗi người mỗi nửa/ Biết còn có bao giờ tròn trăng ơi?”

Nguyễn Hằng ghi