Phương Tây “e ngại” trước dòng tranh “gợi tình” nhất lịch sử hội họa
(Dân trí) - Trong điện ảnh, người phương Đông thường được cho là kín đáo, ý nhị hơn người phương Tây khi khắc họa chuyện yêu đương nam nữ, nhưng điều đó không có nghĩa là hội họa phương Đông cũng… “kín đáo, ý nhị” như vậy.
Nếu những cuốn sách nói về tình dục vẫn còn rất hiếm và chỉ được truyền tay kín đáo trong xã hội phương Tây ở các thế kỷ trước, thì ngay từ thế kỷ thứ 3, Ấn Độ đã có cuốn “Kama Sutra”, và ở thế kỷ 16, Nhật Bản đã phát triển mạnh dòng tranh “shunga”. Cho đến giờ, người phương Tây vẫn cảm thấy đây là những sáng tạo quá “nặng đô” của người phương Đông.
Trong khi “Kama Sutra” là một đầu sách mà phần đông chúng ta đều đã có những ý niệm nhất định, thì dòng tranh “shunga” - một “đặc sản” của hội họa Nhật Bản - vẫn còn khá lạ lẫm, trong những năm trở lại đây, liên tiếp nhiều triển lãm tranh “shunga” đã được mở ra tại các quốc gia phương Tây, khiến người phương Tây phải ngỡ ngàng bởi mức độ táo bạo của dòng tranh này.
Năm 2014, khi một triển lãm tranh “shunga” được mở ra tại Viện bảo tàng Quốc gia Anh (London), nhiều tờ báo của nước này đã phải nhận định rằng loạt tranh nghệ thuật phồn thực của Nhật đã thách thức cả những quan niệm Tây phương. “Shunga” là một dòng tranh xuân tình “nóng bỏng” đến mức người ta khó lòng phân biệt được đó là nghệ thuật hay… khiêu dâm.
Những người mới xem tranh “shunga” lần đầu có thể sẽ phải đỏ mặt. Sự “dữ dội” trong tranh khỏa thân thời Phục Hưng của các danh họa phương Tây vẫn sẽ phải “nhường bước” cho sự táo bạo của tranh “shunga” Nhật Bản. Có thể nói đây là dòng tranh nóng bỏng nhất trong lịch sử hội họa thế giới.
Ở Nhật, dòng tranh “shunga” đã từng một thời phát triển cực thịnh, xuyên suốt từ thế kỷ 16-19, đã có những danh họa Nhật nổi tiếng nhờ những họa phẩm “shunga”, đáng kể phải nhắc tới danh họa Katsushika Hokusai (1760-1849). Ông được người yêu hội họa Đông - Tây nhớ đến với hai họa phẩm đình đám - “Giấc mơ của vợ người ngư dân” và “Sóng lớn”.
Những nhà nghiên cứu hội họa trên khắp thế giới cho đến nay đều thống nhất quan điểm rằng “shunga” là hội họa đích thực, chỉ có điều dòng tranh này khắc họa “đậm đặc” nội dung xuân tình. Những họa phẩm “shunga” được các họa sĩ Nhật thực hiện với kỹ thuật hội họa đỉnh cao hoàn hảo không thua kém bất cứ dòng tranh nào khác của Nhật.
Khi chiêm ngưỡng dòng tranh “shunga”, điều quan trọng là người xem cần phải gạt bỏ thái độ tiêu cực đối với nội dung mà tranh phản ánh.
Trong ba thế kỷ phát triển cực thịnh của dòng tranh này, hàng ngàn bức tranh “shunga” đã được sáng tạo ra theo những dạng thức khác nhau, như tuyển tập sách tranh, bộ tranh lớn (thường để trao tặng làm quà cưới), tranh cuộn (treo trong nhà), bộ tranh in khắc gỗ cỡ nhỏ…
Tranh “shunga” tuy vậy không bao giờ chứa đựng những yếu tố như bạo lực, lạm dụng, tội ác… “Shunga” luôn khắc họa cặp đôi nam nữ yêu đương như một sự giao hòa cân bằng âm dương - quan niệm thường thấy trong đời sống Á Đông.
Những bức tranh này từng được cả nam nữ, già trẻ, các tầng lớp xã hội Nhật Bản yêu thích, từ các võ sĩ samurai, các thương gia giàu có cho tới cả dân chúng trung lưu.
Việc phân biệt giữa nghệ thuật và khiêu dâm là một quan niệm đặc trưng phương Tây mà thoạt nhiên không hề tồn tại trong đời sống văn hóa truyền thống Nhật Bản. Người Nhật xưa không hề coi tình dục và việc thích thú với dòng tranh “shunga” là một điều phải e ngại, giấu giếm.
Chiêm ngưỡng một số bức tranh xuân tình “shunga” nổi tiếng của hội họa Nhật Bản (nhiều bức đã được “cắt gọn” để phù hợp nội dung):
Bích Ngọc
Theo BBC