Phục hồi nơi thờ các bậc thân huân có công với vua Nguyễn

(Dân trí) - Ngày 13/2, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tiến hành làm lễ khởi công phục hồi di tích Tả Tùng Tự (Thế Miếu, Đại Nội Huế) – nơi thờ các bậc thân huân có công với vua Nguyễn.

Tả Tùng Tự là công trình được xây dựng làm nơi thờ tự các bậc thân huân có công với nước trong thời kỳ trung hưng của nhà Nguyễn; được đặt phía trước Hiển Lâm Các ở góc Đông Nam bên trong khuôn viên cụm Thế Miếu, đối diện với Hữu Tùng Tự là nơi thờ các vị công thần bách tính các vua nhà Nguyễn.

Theo sử liệu của triều đình nhà Nguyễn còn lưu lại thì năm xây dựng công trình Tả, Hữu Tùng Tự không được nói chính xác. Chỉ biết từ năm Minh Mạng thứ 2 (1821) khởi công xây dựng cụm di tích Thế Miếu và đến năm Minh Mạng thứ 5 (1824) các bài vị được đặt vào Tả, Hữu Tùng Tự để thờ cúng. Cho nên 2 di tích này được xây trong khoảng từ 1821-1824. Trải qua thời gian tồn tại dài trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt của xứ Huế và những tác động trực tiếp của chiến tranh, vào năm 1975, 2 công trình trên đã bị hủy hoại hoàn toàn.

Tả Tùng Tự hiện nay

Tả Tùng Tự hiện nay

Năm 2000, dự án tu bổ tổng thể di tích Thế Miếu được thiết lập, trong đó cũng đã ghi nhận tình trạng phế tích của Tả, Hữu Tùng Tự. Sau đó dự án này được thực hiện từ 2001-2005 nhưng mới chỉ có Hữu Tùng Tự là được phục dựng lại, mặc dù tình trạng phế tích cũng như cứ liệu tồn tại của 2 công trình là như nhau: đều còn lại phế tích 2 tường đầu hồi với các lỗ đòn tay, toàn bộ hệ đá tán chân cột, các dấu vết đường kính cột và hiện trạng nền móng…

Do ý nghĩa đặc biệt quan trọng của cụm di tích Thế Miếu (nơi thờ các vị vua trị vì, cùng Cửu Đỉnh vừa được Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia...) nên vào năm 2012, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tổ chức triển khai việc lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật phục hồi công trình Tả Tùng Tự và được Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế phê duyệt vào tháng 9/2013.

Với kinh phí hơn 11 tỷ đồng do Trung tâm triển khai công nghệ xây dựng miền Trung – Viện KHCN Xây dựng thi công trong 360 ngày, di tích trên sẽ được phục hồi như xưa với diện tích mặt bằng 216,55m2. Hệ khung gỗ và hệ mái bằng gỗ kiền; mái ngói liệt men thanh lưu ly, bờ nóc, bờ quyết xây bằng gạch vồ; con giống trang trí được đắp bằng vữa vôi truyền thống; nền lát gạch Bát Tràng. Nền công trình, các cấu kiện gỗ sẽ được chống mối bảo quản; gỗ được sơn quan. Tường hậu được phục hồi bằng gạch vồ, gia cố 2 bức tường hồi. Lớp vữa trát và màu sắc hoàn thiện công trình sẽ được phục hồi như xưa. Bên cạnh đó, sân đường, hệ thống thoát nước và đường đi dạo xung quanh Tả Tùng Tự cũng được tôn tạo.

Lễ khởi công phục hồi nơi thờ các bậc thân huân có công với vua Nguyễn

Lễ khởi công phục hồi nơi thờ các bậc thân huân có công với vua Nguyễn

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, dự án phục hồi di tích Tả Tùng Tự là dự án có tính cấp thiết cao và mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác nghiên cứu khoa học, cho công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc và cho các hoạt động du lịch và truyền bá hình ảnh Huế đến khách du lịch.

Một số hình ảnh hoang phế nặng của Tả Tùng Tự trước khi phục hồi:

Chỉ còn lại 2 bức tường đầu hồi bị hư hỏng nặng

Chỉ còn lại 2 bức tường đầu hồi bị hư hỏng nặng
Và hệ móng trong cỏ dại

Và hệ móng trong cỏ dại
Nơi thờ các bậc thân huân có công xưa giờ đã bị chiến tranh tàn phá

Nơi thờ các bậc thân huân có công xưa giờ đã bị chiến tranh tàn phá
Phối cảnh minh họa công trình sau khi phục hồi sau đúng 360 ngày

Phối cảnh minh họa công trình sau khi phục hồi sau đúng 360 ngày

Đại Dương  

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm