Phục dựng thành công Nghè Thánh Cả bị chiến tranh tàn phá
(Dân trí) - Sau nhiều năm bị bom Mỹ tàn phá, Nghè Thánh Cả đã được phục dựng lại để đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân. Một người dân địa phương còn lưu giữ 7 bản sao sắc phong về Nghè Thánh Cả.
Nghè Thánh Cả được xây dựng từ thời Nguyễn, tại huyện Trường Lạc, quận Cửu Chân nay là làng Ngọc Diêm, xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.
Người dân địa phương nơi đây có tín ngưỡng thờ thần, trong đó có việc tôn vinh Tứ vị Thánh Nương là thần có liên quan đến sông nước, nghề buôn thuyền bán bè truyền thống ở địa phương.
Nghè Thánh Cả là nơi thờ tự Đại Càn Quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh Nương. Hằng năm từ mùng 1 đến mùng 3 Tết Nguyên đán, hầu hết người dân làng Ngọc Diễm đều đến Nghè Thánh Cả thắp hương, tham gia tổ chức hội tế thần và các trò chơi, hát bội, làng nào cũng có gánh hát bội. Tuy nhiên, từ ngày Nghè bị bom đạn phá đến nay, việc diễn ra lễ hội không được thường xuyên.
Theo các cụ cao niên trong làng cho biết, từ trước năm 1960, Nghè Thánh Cả là cả khối kiến trúc gỗ hình chuôi vồ. Năm 1965, máy bay Mỹ ném bom đánh phá cầu Ghép, Nghè bị sụp đổ hoàn toàn, những năm 1987 - 1990, một số người dân đã tự phát xây dựng trên nền đất cũ ngôi Nghè cấp bốn để lấy nơi đặt hương án thờ Thánh Cả.
Đến năm 2010, chính quyền địa phương cùng gia đình bà Lưu Thị Thắng, trú làng Ngọc Diêm 2, xã Quảng Chính đã đầu tư khôi phục lại Nghè Thánh Cả với mục đích phục vụ văn hóa tâm linh đối với ngư dân vùng biển và còn khôi phục lại giá trị lịch sử của ngôi Nghè này.
Nghè Thánh cả có quy mô kiến trúc theo kiểu tiền nhất, hậu đinh. Nhà tam bảo thiết kế theo kiểu chữ đinh gồm tiền đường, hậu cung được phục dựng trên khu đất rộng khoảng 1000m2.
Hiện tại, cụ Vũ Đình Tiến (87 tuổi), trú xã Quảng Chính còn lưu giữ được 7 bản sao sắc phong của nghè Thánh Cả, chính quyền địa phương cần có trách nhiệm động viên cụ Tiến giao di vật về cho di tích.
Với những giá trị lịch sử và văn hóa của Nghè Thánh Cả đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận đây là di tích cấp tỉnh.
Mới đây, ngày 9/2, Nghè Thánh Cả đã chính thức đón bằng công nhận di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam cũng đã trao chứng nhận Nghè Thánh Cả đạt tiêu chí văn hóa trong nghi lễ Chầu văn của người Việt theo tiêu chuẩn đánh giá của Ban khảo sát, nghiên cứu các giá trị văn hóa truyền thống thuộc Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam.
Duy Tuyên