Phục dựng quán cóc vỉa hè thời bao cấp, hát xẩm tại chợ phiên sách cũ
(Dân trí) - Một không gian được tái hiện những hình ảnh: quán cóc vỉa hè thời bao cấp, hình ảnh thầy đồ viết thư pháp, nét văn hóa hát xẩm, liền anh liền chị với áo tứ thân hát quan họ trao duyên…
Đến hẹn lại lên, phiên chợ đầu năm mới “Chợ phiên sách cũ 9-10/1/2016” tiếp tục được diễn ra tại Đại học Văn hóa Hà Nội, mở màn cho chuỗi sự kiện văn hóa đầu năm.
Một vài năm trở lại đây, thị trường sách cũ tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung hoạt động khá mạnh mẽ. Có thể nói, sách cũ được khoác trên mình một diện mạo mới, sức sống mới phần lớn nhờ các hoạt động sôi nổi của các hội sách.
BTC cho biết, trong chợ phiên diễn ra vào 2 ngày cuối tháng 12/ 2015 có tới hơn 10.000 người tham dự với hơn 30.000 đầu sách được bán ra đủ để thấy sự quan tâm rất lớn của người dân Hà Thành với nét đẹp văn hóa này.
Việc đi tìm mua sách cũ còn được độc giả ví như công cuộc “Tìm mua hoài niệm”, “đi tìm ký ức xưa”.. giúp độc giả một lần nữa trở về với những kỷ niệm xa xưa.
Tâm sự với chúng tôi, rất nhiều độc giả chia sẻ rằng thú chơi sách cũ đòi hỏi ở người chơi sự tìm tòi, cóp nhặt, và đôi khi là cả thời gian. Thông qua các phiên chợ này, sẽ giúp độc giả có thêm cơ hội tìm kiếm cho mình những đầu sách hay, sách quý từ lâu vắng bóng trên thị trường.
Một trong những điểm nhấn để cùng với sách cũ là gợi lại trong kí ức mỗi chúng ta đôi nét cũ xưa xứ Bắc Kì. Hình ảnh những sạp nước chè xanh, nước vối- góc sinh hoạt vốn thân quen với những phiên chợ tấp nập kẻ bán người mua xen lẫn giữa các lối đi vào chợ sách.
Khi được hỏi, liệu những nét văn hóa được phục dựng lại ấy có đủ sức tái hiện để những người chưa từng trải qua thời bao cấp hiểu rõ hay chỉ mang tính mô phỏng, ông Hà Huy Chiến- Trưởng BTC chia sẻ: “Rất nhiều người thực hiện tái hiện lại bao cấp nhưng không hiểu về chúng. Đơn cử như việc đựng kẹo dồi vào túi nilon là sai rồi, thời bao cấp làm gì có.
Như hát xẩm, thời xưa người ta ngồi hát ở đầu chợ để xin tiền… Chúng tôi sẽ phục dựng lại một số hoạt động văn hóa truyền thống một cách chân thực, sống động nhất”.
Quỳnh Nguyên