Phú Yên: Công nhận nghệ thuật trình diễn: Trống đôi, cồng ba, chiêng năm là di sản phi vật thể quốc gia

(Dân trí) - Ngày 22/2, tại làng văn hóa du lịch Xí Thoại (huyện Đồng Xuân, Phú Yên), UBND tỉnh này đã tổ chức lễ đón bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật biểu diễn: Trống đôi, cồng ba, chiêng năm.

Theo các nhà nghiên cứu, bộ nhạc cụ: Trống đôi, cồng ba, chiêng năm có một vị trí, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần đối với đồng bào dân tộc Ba Na và Chăm ở thôn Xí Thoại nói riêng và cộng đồng người dân tộc thiểu số nói chung ở Phú Yên. Về âm nhạc, đây là bộ nhạc cụ tiêu biểu độc đáo bởi sự hòa quyện của ba loại nhạc cụ trống đôi, cồng ba, chiêng năm tạo nên âm điệu, tiết tấu và ngôn ngữ hình thể trở thành một nghệ thuật trình diễn độc đáo; là một trong những biểu tượng văn hóa truyền thống, có mặt trong mọi sinh hoạt văn hóa, luôn được cộng đồng trân trọng, gìn giữ và phát huy…

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên trao bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật biểu diễn: Trống đôi, cồng ba, chiêng năm cho lãnh đạo Sở VH-TT-DL, UBND huyện Đồng Xuân và già làng La Chí Thái, thôn Xí Thoại
Lãnh đạo tỉnh Phú Yên trao bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật biểu diễn: Trống đôi, cồng ba, chiêng năm cho lãnh đạo Sở VH-TT-DL, UBND huyện Đồng Xuân và già làng La Chí Thái, thôn Xí Thoại

Âm thanh của Trống đôi, cồng ba, chiêng năm trong mỗi dịp lễ hội khác nhau đều có những ý nghĩa và giá trị riêng mang triết lý sâu sắc. Trong lễ cầu hôn, tiếng Trống đôi, cồng ba, chiêng năm có ý nghĩa như nhắc nhở đôi trai gái phải yêu thương nhau bền chặt, thủy chung; trong những cuộc sinh hoạt làng thì nó mang ý nghĩa tạo sự gắn kết, mang niềm vui, hạnh phúc đến cho mọi người; trong đám ma, nó như buồn bã, nỉ non, có ý nghĩa chia sẻ nỗi buồn đau với gia đình và sự tiếc thương của cộng đồng…

“Là người con của làng Xí Thoại, chúng tôi vô cùng tự hào về truyền thống văn hóa của cha ông để lại được Nhà nước trân trọng công nhận là di sản cấp quốc gia. Chúng tôi có trách nhiệm cùng với con cháu đời sau bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của nó trong đời sống của cộng đồng mình”, già làng La Chí Thái xúc động nói:

Tại lễ công nhận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phan Đình Phùng, nhấn mạnh: Nghệ thuật biểu diễn: Trống đôi, cồng ba, chiêng năm trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm tự hào của nhân dân Phú Yên nói chung và bà con đồng bào thôn Xí Thoại nói riêng. Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa này, trước mắt cần tập trung bảo tồn được chủ thể, khách thể, không gian và môi trường sống của di sản văn hóa; phải có sự kế thừa, truyền dạy liên tục cho các thế hệ tiếp theo trong cộng đồng; bảo tồn gắn với phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch cộng đồng, tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có…

Được biết, nghệ thuật biểu diễn Trống đôi, cồng ba, chiêng năm, là di sản văn hóa phi vật thể thứ hai của Phú Yên được công nhận di sản cấp quốc gia sau Nghệ thuật biểu diễn Bài chòi.

Biểu diễn nghệ thuật Trống đôi, cồng ba, chiêng năm
Biểu diễn nghệ thuật Trống đôi, cồng ba, chiêng năm
Múa hát hiện đại trong trang phục truyền thống của dân tộ Ba Nam, Chăm ở thôn Xí Thoại
Múa hát hiện đại trong trang phục truyền thống của dân tộ Ba Nam, Chăm ở thôn Xí Thoại

Các cô gái Ba Na trong trang phục truyền thống múa xoan trong lễ cầu mưa
Các cô gái Ba Na trong trang phục truyền thống múa xoan trong lễ cầu mưa
Nụ cười thiếu nữ trong trang phục truyền thống người Ba Na
Nụ cười thiếu nữ trong trang phục truyền thống người Ba Na

N.Sơn - D.Công

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm