“Phù thủy âm thanh” Vũ Nhật Tân qua đời ở tuổi 50

Nguyễn Hằng

(Dân trí) - Sau thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư trực tràng, nhạc sĩ Vũ Nhật Tân, người được mệnh danh là “phù thủy âm thanh” đã trút hơi thở cuối cùng vào tối 21/7, ở tuổi 50.

Vũ Nhật Tân biểu diễn cùng Trần Xuân Hòa trong chương trình "Đông muộn"

Theo thông tin từ gia đình nhạc sĩ Vũ Nhật Tân thì anh đã qua đời tối 21/7 tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội sau 6 tháng chiến đấu kiên cường với bệnh ung thư trực tràng.

Trước sự ra đi của nhạc sĩ được mệnh danh là “phù thủy âm thanh”, nhạc sĩ Trần Xuân Hòa bàng hoàng chia sẻ: “Anh Tân với tôi là người anh, đồng nghiệp và chính là người dạy tôi cách sáng tác.

Chúng tôi đã có những đêm nhạc với nhau vơi nhiều ý tưởng trùng lặp, chính vì thế khi anh Tân có ý nói là: Hoà làm chương trình với anh nhé... tôi luôn "say yes" trong mọi tình huống.

Anh đi thanh thản nhé. Anh đi mở đường, trường phái âm nhạc mới ở bên kia nhé, kiểu gì chúng ta cũng sẽ lại được gặp nhau và dong duổi những ý tưởng âm nhạc vói nhau.

Nhớ anh!”

“Phù thủy âm thanh” Vũ Nhật Tân qua đời ở tuổi 50 - 1
“Phù thủy âm thanh” Vũ Nhật Tân qua đời ở tuổi 50 - 2

Trần Xuân Hòa chia sẻ hình ảnh về Vũ Nhật Tân.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cũng xúc động bày tỏ: "Vũ Nhật Tân là một nhạc sĩ, một nhà soạn nhạc với quan điểm mọi âm thanh trong cuộc sống này đều có thể là chất liệu cho một tác phẩm âm nhạc.

Vì thế, đừng bất ngờ nếu bắt gặp anh trong phòng thu đang thu âm mà mở toang cánh cửa sổ, hay thậm chí đang đi trên phố bất ngờ thấy anh đang miệt mài với những tiếng động phát ra từ công việc chế tạo các vật dụng sinh hoạt từ thép ở phố Hàng Thiếc (Hà Nội), hay thậm chí là âm thanh phát ra từ thao tác giữa người với cái bơm xe đạp...

Tất cả những hành động lạ đấy, là anh đang thu thập những âm thanh, những thành tố tiếng động cho những tác phẩm âm nhạc của mình. Anh là một nghệ sĩ sáng tác âm nhạc có con đường riêng, đam mê riêng cho dù âm nhạc của anh tại Việt Nam chưa có nhiều công chúng.

Vũ Nhật Tân luôn hoạt động nỗ lực giới thiệu âm nhạc của mình ở Việt Nam và ra thế giới. Có lẽ anh là một trong số không nhiều nghệ sĩ/nhạc sĩ Việt Nam có "visa" toàn cầu.
 
Cách đây chừng hai năm, khi tôi và Vũ Nhật Tân cùng làm khách mời của BTV Yên Khương Truyền hình TTXVN nói về âm nhạc, anh đã nói về mong muốn âm nhạc đương đại đã và đang chảy mạnh mẽ trên thế giới sẽ có chỗ đứng ở Việt Nam, anh mong Học viện Âm nhạc QG VN sẽ có một khoa chuyên sâu về âm nhạc này. Đó cũng là ước mơ Vũ Nhật Tân ấp ủ từ lâu, chừng gần 20 năm trước khi thực hiện một bài viết về âm nhạc của Vũ Nhật Tân tôi đã nghe anh nói về điều này."
 
“Phù thủy âm thanh” Vũ Nhật Tân qua đời ở tuổi 50 - 3

Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân qua đời ở tuổi 50.

 

Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân sinh năm 1970 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Cha anh là một nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống tên tuổi - PGS.TS Vũ Nhật Thăng.

Anh thuộc thế hệ nhạc sĩ sáng tác trẻ chuyên về khí nhạc, là một trong số ít nghệ sĩ tiên phong trong lĩnh vực âm nhạc đương đại, cùng một số bạn bè khác của anh như nghệ sĩ SơnX, Trí Minh, Nguyễn Mạnh Hùng, Kim Ngọc... và gần đây có Đàm Quang Minh.

Tu nghiệp âm nhạc tại Việt Nam (1991/95), CHLB Đức (2000/01), Mỹ (2002), Vũ Nhật Tân gặt hái nhiều thành quả trong các sự kiện âm nhạc ở nhiều nơi ở châu Á, châu Âu và Úc.

Bên cạnh vai trò của một người thầy, nhạc sĩ, anh còn hoạt động như một nghệ sĩ đa phương tiện và trong nhiều lĩnh vực khác có liên quan tới âm nhạc và âm thanh, đồng thời thực hiện các chuyến lưu diễn / trình diễn âm nhạc và âm thanh điện tử.

Vũ Nhật Tân từng nhận được các giải thưởng: Giải Ba cho tác phẩm Hòa tấu soạn cho nhạc cụ truyền thống Việt Nam trong Cuộc thi sáng tác cho nhạc cụ dân tộc tại Hà Nội, 1992; Giải Nhất cuộc thi sáng tác Saint-German-en-Laye tại Pháp cho tác phẩm Ký ức năm 1995; 4 giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (tác phẩm Ngũ đối đăng đàn cho nhóm nhạc dân tộc, 1998, tác phẩm Phác thảo cho dàn nhạc giao hưởng 2000, tác phẩm Nhịp đơn nhịp kép và Áo đơn áo kép cho hòa tấu thính phòng 2001-2003); Giải thưởng của Hội đồng Văn hóa Châu Á giúp anh tu nghiệp về soạn nhạc và nghiên cứu âm nhạc dân tộc học tại Hoa Kỳ năm 2002...