Phú Quang khóc trước ký ức về "mùa đông năm ấy..."

(Dân trí) – Sinh ra và lớn lên tại phố Khâm Thiên (Hà Nội), chứng kiến sự tàn phá trong 12 ngày đêm của trận đánh Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, nhạc sĩ Phú Quang không cầm được nước mắt khi kể về những ngày tháng oai hùng của quân và dân Hà Nội.

Nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không (18/12/1972 -18/12/1012) Đài PT –TH Hà Nội phối hợp với Sư đoàn phòng không Hà Nội, báo Quân đội nhân dân tổ chức cầu truyền hình mang tên Bản hùng ca Hà Nội tối ngày 16/12.
 
5 điểm cầu tham gia cầu truyền hình Bản hùng ca Hà Nội bao gồm: Bảo tàng Lịch sử Quân sự (tổng cầu), Sư đoàn Phòng không Hà Nội, Bảo tàng chiến thắng B52, Đài tưởng niệm Khâm Thiên và Trận địa tên lửa Chèm. Đây là những địa điểm,những chứng tích anh hùng của quân và dân Hà Nội trong 12 ngày đêm chiến đấu hy sinh oanh liệt của quân và dân Hà Nội.
 
Từng chứng kiến thời điểm B52 đổ xuống phố Khâm Thiên, nhạc sĩ Phú Quang cũng là chủ nhân của ngôi nhà số 49, phố Khâm Thiên, một trong 3 ngôi nhà đã được giữ lại làm chứng nhân mãi mãi cho nỗi đau của người Hà Nội.
 
Nhạc sĩ Phú Quang

Nhạc sĩ Phú Quang

Khi quay trở về lại Hà Nội trong những thời khắc thiêng liêng sau 40 năm sau trận đánh Hà Nội Điện Biên Phủ trên không, ông chia sẻ trong nước mắt: “ 40 năm qua, là một khoảng tời gian rất dài, nhưng khi tôi trở lại vẫn thấy xót xa khi nhớ lại những thời khắc đó, trong những ngày tháng oanh liệt tôi đã chứng kiến người bạn thân nhất, những người hàng xóm đã hy sinh, đó là một nỗi đau theo tôi  trong suốt cuộc đời mình, những hình ảnh đó không thể nào quên”.

Ông hát Em ơi Hà Nội phố bằng chính những tình cảm thật thật của mình, không cầu kì, hoa mỹ, nhưng nó chạm đến trái tim của những người theo chương trình… “Mùa đông năm ấy tiếng dương cầm trong căn nhà đổ, Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân. Ta còn em một màu xanh thời gian, một chiều phai tóc em bay chợt nhòa, chợt hiện. Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường…”
 
Nhạc sĩ Phú Quang
Cầu truyền hình "Bản hùng ca Hà Nội" đã tái hiện 12 ngày đêm anh dũng bảo vệ bầu trời Thủ đô của quân và dân ta (Ảnh tư liệu)

Chương trình còn có sự kết hợp độc đáo của con gái và con rể nhạc sĩ Phú Quang là nghệ sĩ piano Trinh Hương và nghệ sĩ violin Bùi Công Duy, biểu diễn bản nhạc Chuyện kể tình yêu Im lặng đêm Hà Nội…Các ca sĩ góp mặt trong chương trình như Mỹ Linh, Tấn Minh, Mai Hoa, Trọng Tấn … và các nghệ sĩ quốc tế như Cho Hea Ryong, Park Sung Min (Hàn Quốc), Kyo York (Mỹ).

Bên cạnh tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ, chương trình cũng chiếu trích đoạn phim Hà Nội 12 ngày đêm, Những ngày đêm không thể nào quên,… và những trích đoạn trong các bộ phim tài liệu nói về trận chiến của quân và dân Hà Nội, cho khán gải thấy rõ hơn những hy sinh, gian khổ để đổi lấy sự tự do, độc lập cho Hà Nội nói riêng và cả nước ta nói chung.
 
Nhạc sĩ Phú Quang

Nữ tự vệ Phạm Thị Viễn trong giờ trực chiến đánh B52 năm 1972 ( Ảnh tư liệu). Bà là một nhân chứng xuất hiện trong cầu truyền hình "Bản hùng ca Hà Nội"

Góp mặt trong chương trình Bản hùng ca Hà Nội, những nhân chứng lịch sử kể những câu chuyện của chính mình, của đồng đội, của gia đình trong những ngày tháng đau thương và không thể nào quên trong trận chiến 12 ngày đêm đỏ lửa. Những câu chuyện thấm đẫm nước mắt của những nhân chứng lịch sử giúp 2 thế hệ tuổi trẻ (tuổi trẻ của 40 năm trước và tuổi trẻ bây giờ) như sống lại cuộc chiến 40 năm trước, khiến khán giả không thể cầm được lòng mình.

 
Thiên Lam