LHP Cannes 2015:

Phim võ thuật đẹp như mơ của Thư Kỳ gây ấn tượng tại LHP Cannes

(Dân trí) - Với diễn xuất của Thư Kỳ trong vai một nữ sát thủ bị giằng xé giữa tình yêu và nhiệm vụ ám sát, liệu “Nhiếp Ẩn Nương” có thể tỏa sáng tại Cannes để đem về thêm một thắng lợi cho dòng phim “đặc sản” của màn ảnh Hoa ngữ?

Phim võ thuật đẹp như mơ của Thư Kỳ gây ấn tượng tại LHP Cannes


Bộ phim Đài Loan “The Assassin” (Kẻ ám sát) của đạo diễn Hầu Hiếu Hiền hiện đang tranh tài tại LHP Cannes (Pháp) ở hạng mục Cành Cọ Vàng. Vừa cập bến Cannes, đoàn phim đã sớm có tin vui. Trong tuần này, một công ty phân phối phim ở Mỹ đã đề nghị được phát hành phim tại các rạp chiếu Mỹ.

LHP Cannes vốn là một sân chơi điện ảnh lớn hàng đầu thế giới, nơi các nhà làm phim có thể bất ngờ tìm thấy những cơ hội hiếm có cho sự nghiệp và tác phẩm của mình.

Bộ phim sẽ được công chiếu lần đầu tại Cannes vào ngày 21/5 tới đây, nữ diễn viên Thư Kỳ và nam diễn viên Trương Chấn sẽ cùng vị đạo diễn nổi danh người Đài Loan - Hầu Hiếu Hiền xuất hiện trên thảm đỏ ở Cannes.

Dựa trên một câu chuyện truyền thuyết nổi tiếng có từ thời nhà Đường, “Nhiếp Ẩn Nương” (tên tiếng Hoa của phim) lấy bối cảnh Trung Quốc ở thế kỷ 9, chuyện phim xoay quanh cô con gái 10 tuổi của một vị tướng. Cô bé bị một nữ tu sĩ bắt cóc và huấn luyện, trở thành một nữ sát thủ.

Thư Kỳ vào vai nữ chính

Thư Kỳ vào vai nữ chính

Sau một lần thất bại khi thực hiện nhiệm vụ, cô gái được lệnh trở về quê nhà, 13 năm sau khi bị bắt cóc, lần đầu tiên cô được gặp lại gia đình, nhưng là để âm thầm thực hiện một nhiệm vụ ám sát mới. Mục tiêu là một vị tướng quân trẻ tuổi, quyền lực - người bạn thanh mai trúc mã thuở nhỏ của cô.

Trở về với gia đình, cô gái bị giằng xé trong cuộc chiến nội tâm, giữa hai sự lựa chọn - đón nhận tình yêu hay sát hại người yêu.

Nam diễn viên Trương Chấn

Nam diễn viên Trương Chấn

Chuyện phim mang đậm màu sắc võ hiệp cổ trang. Đạo diễn Hầu Hiếu Hiền vốn có cách thực hiện tiết tấu phim chậm, mang đầy tính nghệ thuật, lần này, ông sẽ đưa khán giả phương Tây đến với một bộ phim võ thuật đặc trưng của điện ảnh Hoa ngữ.

Được biết bộ phim này đã phải mất gần một thập kỷ mới hoàn thành do liên tục gặp phải những vấn đề về tài chính khiến quá trình làm phim nhiều lần bị trì hoãn, tạm ngưng rồi lại tiếp tục.

Đạo diễn Hầu Hiếu Hiền

Đạo diễn Hầu Hiếu Hiền

Đã 8 năm kể từ khi bộ phim “Flight of the Red Balloon” (Chuyến bay của quả bóng đỏ - 2008) do Hầu Hiếu Hiền đạo diễn chiếu khai mạc hạng mục Un Certain Regard (Một góc nhìn khác) ở LHP Cannes. Kể từ đó, đạo diễn Hầu gần như “im hơi lặng tiếng”, mãi cho tới giờ, ông mới cho ra mắt bộ phim tiếp theo và phim của ông lại cập bến Cannes.

Đạo diễn Hầu Hiếu Hiền


Ở tuổi 68, đạo diễn Hầu chia sẻ lý do tại sao ông vắng mặt lâu như vậy là bởi ông đã tập trung cao độ nhằm tái hiện chính xác nhất xã hội Trung Quốc thời nhà Đường - bối cảnh của phim “Nhiếp Ẩn Nương”. Trong phim, nữ diễn viên Thư Kỳ vào vai chính.

“Nhiếp Ẩn Nương” là bộ phim thứ 7 của Hầu Hiếu Hiền tranh giải Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes. Trước đây, đạo diễn Hầu đã từng giành về Giải của Ban giám khảo LHP Cannes với phim “The Puppetmaster” (tiếng Hoa: Hí mộng nhân sinh - 1993).

Đạo diễn Hầu Hiếu Hiền


“Nhiếp Ẩn Nương” là thử nghiệm đầu tiên của Hầu Hiếu Hiền ở thể loại phim võ thuật cổ trang: “Tôi đã luôn mơ ước chuyển thể câu chuyện truyền thuyết này lên phim. Lần đầu tiên tôi được nghe kể câu chuyện này là từ khi tôi còn học trong trường điện ảnh. Câu chuyện ngay lập tức cộng hưởng với những truyện võ hiệp tôi từng đọc lúc nhỏ. Tuy vậy, tôi đã không thể thực hiện bộ phim sớm hơn bởi một phim cổ trang chất lượng đòi hỏi phải có kinh phí lớn”.

Với kinh phí đầu tư 14 triệu đô la (hơn 300 tỉ đồng), “Nhiếp Ẩn Nương” được coi là phim có kinh phí lớn nhất trong sự nghiệp đạo diễn của ông.

Trong vòng hơn một thập kỷ trở lại đây, những bộ phim võ thuật của màn ảnh Hoa ngữ đã gây được tiếng vang đối với giới điện ảnh quốc tế, có thể kể tới “Ngọa hổ tàng long” (2000) của đạo diễn Lý An, “Anh hùng” (2002) của Trương Nghệ Mưu, “Nhất Đại Tông Sư” (2013) của Vương Gia Vệ. “Nhiếp Ẩn Nương” là phim võ thuật tiếp theo được báo chí phương Tây nhắc đến.

Đạo diễn Hầu Hiếu Hiền


Vậy là tại LHP Cannes lần này, điện ảnh Hoa ngữ có tới 2 ứng viên nặng ký tranh giải Cành Cọ Vàng, gồm phim “Núi có thể dời” của Giả Chương Kha (từng 5 lần tranh Cành Cọ Vàng) và “Nhiếp Ẩn Nương” của Hầu Hiếu Hiền (từng 7 lần tranh Cành Cọ Vàng).

Phim võ thuật vẫn luôn được coi là dòng phim “đặc sản” của điện ảnh Hoa ngữ, thường dễ gây ấn tượng mạnh đối với người xem phương Tây, vì vậy, ngay cả đạo diễn trẻ luôn theo đuổi những vấn đề đương đại như Giả Chương Kha cũng chia sẻ rằng anh đang lên kế hoạch làm phim võ thuật.

Hiện tại, các nhà phê bình phim đều rất đón đợi “Nhiếp Ẩn Nương” của đạo diễn Hầu, bởi ông vốn chuộng những cảnh quay rộng, chậm và kéo dài. Phim võ thuật gần như đi ngược lại cách làm phim truyền thống của Hầu Hiếu Hiền.

Liệu một vị đạo diễn 68 tuổi có thể thực hiện một cuộc lột xác ngoạn mục về phong cách? Đây quả là một sự mạo hiểm lớn đối với tên tuổi của ông.

Đạo diễn Hầu Hiếu Hiền


Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện “Nhiếp Ẩn Nương”, đạo diễn Hầu đã khẳng định phim võ thuật của ông sẽ khác hẳn những phim từng được thực hiện và ông sẽ giữ nguyên phong cách của mình khi làm phim võ thuật, vẫn sẽ có những cảnh quay dài, góc máy tĩnh.

Đạo diễn khẳng định ông hạn chế tối đa việc sử dụng hiệu ứng hình ảnh: “Tôi không muốn diễn viên của mình bay ra đây, lượn ra kia… Sẽ chẳng có cảnh bay lượn nào trong phim võ thuật của tôi cả”.

Với “Nhiếp Ẩn Nương”, đạo diễn Hầu đã thực hiện rất kỳ công, có những hôm ông chỉ quay duy nhất một cảnh và có những cảnh ông quay đi quay lại tới 5-6 lần. Dù là một phim võ thuật cổ trang nhưng Hầu Hiếu Hiền cho biết ông đã làm phim chân thực nhất có thể.

Phim sử dụng ngôn ngữ tiếng Hoa cổ để phù hợp với bối cảnh thời gian, vì vậy, ngôn ngữ cũng là một thách thức trong quá trình làm phim. Tiếng Hoa cổ chủ yếu chỉ còn được sử dụng trong văn chương và đã không còn quen thuộc trong đời sống đương đại, vì vậy, phim có cả phụ đề… tiếng Hoa.

Bích Ngọc
Tổng hợp