Phim Việt thua “méo mặt” trên sân nhà
Tình cảm của khán giả dành cho phim Việt đang cạn dần bởi chất lượng phim không nổi trội... trong khi phim ngoại liên tục cạnh tranh bằng tác phẩm được xem là “bom tấn”
Kết lại phim Việt mùa Tết Đinh Dậu, lượng doanh thu được xem là thấp nhất so với vài năm gần đây. Phim “Nàng Tiên có 5 nhà” được cho là ăn khách nhất trong 3 phim Việt ra rạp cũng chỉ thu được gần 30 tỉ đồng tiền vé, hơn 50% doanh thu phim hài “Tía tui là cao thủ” dịp Tết Bính Thân. Mùa phim Tết được xem là mùa vàng của điện ảnh Việt giờ đây gần như mất trắng.
Lo không còn mùa Tết
Lẽ ra, với đà tăng trưởng ngày càng lớn của thị trường chiếu phim, doanh thu phim Việt phải không ngừng tăng lên theo tỉ lệ thuận. Nhiều nguyên nhân được mổ xẻ, phân tích nhưng cốt lõi vẫn là thị phần của phim Việt đang gặp khó khăn.
Cả năm 2016, chỉ số ít phim được xem là có lãi, còn lại từ hòa đến lỗ vốn. Sự ảm đạm về doanh thu của phim Việt trong năm 2016 kéo dài và phủ bóng đen lên phim Việt mùa Tết.
Phân tích nguyên nhân, nhiều người trong giới cho rằng do thiếu quảng bá, do dán nhãn phân loại phim hạn chế khán giả và do phim không đột phá về chất lượng. “Phim Việt năm nay ít, độ cạnh tranh không cao nhưng phim ngoại vẫn có “bom tấn” của Châu Tinh Trì, Thành Long. Không nghĩ đến chuyện cạnh tranh “bom tấn” ngoại nên ngay từ đầu, chúng tôi làm phim đã nhắm đến đối tượng khán giả gia đình, nội dung chủ yếu ca ngợi tình cảm gia đình, tình người. Vì thế, khi bị dán nhãn C13, phim của chúng tôi bị ảnh hưởng mạnh. Nhiều gia đình đưa con nhỏ đến rạp khó lòng chọn phim của chúng tôi. Khán giả phân khúc đối tượng sinh viên, nhân viên văn phòng thường chọn phim “bom tấn” ngoại” - bà Nguyễn Thị Uyên Phương, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Hạnh Phúc Việt Nam, nhà sản xuất phim “Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu”, chia sẻ.
Nhà sản xuất Lý Khải Nghiệp cho biết phim “Nàng Tiên có 5 nhà” doanh thu tạm qua mốc nguy hiểm. “Việc phim chúng tôi bị dán nhãn C16 dẫn đến thất thu nhiều khiến phim Việt vốn không thể đối đầu chất lượng với phim ngoại lại càng gặp khó khăn khi lượng khán giả bị thu hẹp” - ông Lý Khải Nghiệp giải thích.
Nhưng theo bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Quảng cáo Sóng Vàng, nguyên nhân chính phim Việt thua trên sân nhà là do chất lượng chưa nổi trội.
Cần phim hay, thị trường lớn
Thị trường phim Việt đã có sự thay đổi theo chiều hướng tốt khi lượng phim ra rạp nhiều, chất lượng cũng được nhà sản xuất chú trọng, nâng dần; hệ thống rạp chiếu tăng lên đáng kể. Nhưng theo nhiều người trong giới, thị phần của phim Việt ở các thành phố đang bị cạnh tranh quá mạnh bởi phim ngoại trong khi thị trường phim chỉ tập trung các đô thị lớn nơi có hệ thống cụm rạp được đầu tư tốt.
Trước đây, phim Việt ít, lượng khán giả khu vực này phân bổ tương đối ổn nhưng nay số lượng phim Việt nhiều hơn, sự lựa chọn của khán giả cũng tăng. Việc mở rộng thị trường ra các tỉnh, thành còn lại trong cả nước không phải chuyện dễ vì những trung tâm chiếu bóng ở các tỉnh, thành vẫn chưa tìm được giải pháp tự cứu mình. Họ không có kinh phí đầu tư rạp hiện đại, nâng cao kỹ thuật, tăng bảo mật bản quyền cho những phim được làm bằng kỹ thuật hiện đại để được nhận phim về chiếu. Nhiều cuộc hội thảo, bàn luận cách để mở rộng thị phần cho phim Việt nhưng bế tắc trong giải pháp. Người dân tỉnh xa, mà chủ yếu là giới trẻ, thích xem phim ở rạp chỉ có thể trông chờ vào hệ thống rạp do nước ngoài đầu tư như CGV hoặc Lotte. Nhà sản xuất Jenni Trang Lê chia sẻ ngay cả thành phố du lịch lớn như Đà Lạt cũng chỉ mới có cụm rạp Cinestar vào đầu năm 2017. Trước đó, người trẻ ở Đà Lạt muốn xem phim rạp phải di chuyển đến TP Nha Trang.
Việt Nam có hơn 90 triệu dân, dân số trẻ cao, một nguồn lực tiềm năng cho thị trường điện ảnh nói riêng. Các nhà phát hành cho biết ở nhiều tỉnh, rạp không cần phải xây dựng tiện nghi giống như ở TP HCM mà chỉ cần đáp ứng đủ tiêu chuẩn bảo mật, chiếu được các phim quay bằng máy quay hiện đại và mức giá không cao là đủ. Nếu tận dụng hết thị trường hơn 90 triệu dân này, hẳn sẽ có một lượng khán giả không nhỏ đủ để nâng doanh thu phim Việt lên hàng chục lần hiện nay. Khi nguồn doanh thu lớn, nhà sản xuất phim sẽ mạnh dạn đầu tư để nâng cao chất lượng đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và tìm kiếm thị trường mới trong khu vực.
Nhà sản xuất kiêm đạo diễn Nhất Trung cho rằng Việt Nam cần có những phim tốt, chất lượng để lấy niềm tin khán giả. Điện ảnh Việt vẫn đang phát triển tốt, hệ thống rạp tăng dần từng năm. Thời gian trước, một phim chỉ chiếu hơn 20 rạp nhưng nay đã lên đến 110 rạp và tương lai tiếp tục tăng. “Chúng ta đang cần những phim thật sự đột phá để kéo khán giả đến rạp. Tôi tin nếu có phim tốt, được khen ngợi, khán giả sẽ ủng hộ tích cực” - nhà sản xuất Nhất Trung nói.
Theo Minh Khuê
Người Lao Động