Phim Việt hoá kịch bản làm “mòn” khả năng sáng tạo của nghệ sĩ Việt?

(Dân trí) - Phim Việt hoá kịch bản hoặc phim remake (tức phim làm lại nhưng giữ nguyên tác kịch bản gốc của nước ngoài - PV) đang là một xu thế tất yếu của điện ảnh - truyền hình Việt. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, xu thế này đang ít nhiều làm “mòn” sự sáng tạo của nghệ sĩ Việt.

Phim remake nhiều nhưng chưa tới

Thời gian qua, nhiều bộ phim truyền hình lẫn điện ảnh dựa vào kịch bản của nước ngoài để Việt hóa hoặc làm phim phiên bản như: Người phán xử (Ha-Borer của Israel), Sống chung với mẹ chồng (dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của tác giả Giả Hiểu - Trung Quốc), Cả một đời ân oán (Cô dâu triệu phú (2006) và Cô dâu bạc triệu (2014) của Trung Quốc)… hoặc Em là bà nội của anh (tựa gốc Miss Granny - Hàn Quốc), Bạn gái tôi là sếp (ATM - Thái Lan), Sắc đẹp ngàn cân (200 Pounds Beauty - Hàn Quốc), Yêu đi đừng sợ! (Spellbound - Hàn Quốc), Ngày mai Mai cưới (Get Married - Indonesia) và Tháng năm rực rỡ (Sunny - Hàn Quốc) đã góp phần mang đến những diện mạo mới cho phim Việt.

Tháng năm rực rỡ là phim remake đã tạo được hiệu ứng tốt ngay khi ra rạp.
"Tháng năm rực rỡ" là phim remake đã tạo được hiệu ứng tốt ngay khi ra rạp.

Thậm chí, có những phim có lượng rating kỷ lục trên sóng truyền hình và mang về lượng doanh thu đáng kể. Bản thân giải Cánh diều từng nói “không” với những phim remake nhưng năm nay lại mở cửa cho thể loại phim Việt hóa này khi nhận tới 4 trên tổng số 13 phim truyện điện ảnh tham dự.

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nhìn nhận rằng, làm phim remake đang là xu hướng chung của nhiều nhà làm phim Việt Nam hiện nay. Đây là cách làm an toàn, đảm bảo doanh thu... Để phù hợp với xu hướng, BTC Cánh diều 2017 không hạn chế phim remake tham dự nhưng không trao giải chung cho phim. Tuy nhiên, phim remake vẫn được trao giải cho cá nhân để ghi nhận những đóng góp xứng đáng của các nghệ sĩ, diễn viên Việt.

Đạo diễn, NSƯT Vũ Xuân Hưng - Trưởng BGK phim truyện điện ảnh giải Cánh diều cho rằng, các phim remake mang đến cách làm chuyên nghiệp, kịch bản chặt chẽ và xây dựng tính cách nhân vật mạch lạc.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho biết, trong 11 phim truyền hình dài tập tham dự Cánh diều 2017, lượng phim Việt hóa kịch bản chiếm số lượng không hề nhỏ. Trong số 5 phim của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam thì có tới 2 phim Việt hóa là “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử.

Đây là hai bộ phim thu hút được rất nhiều sự quan tâm của khán giả truyền hình lẫn truyền thông. Tuy nhiên, cái kết của hai bộ phim kể trên thiếu nhân văn và chưa thực sự giải quyết được vấn đề một cách triệt để. Điều đó cho thấy, quá trình Việt hóa của chúng ta còn chưa tới, chưa thực sự hoàn hảo.

Sự sáng tạo gần như bằng không

Hoạ sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú cho rằng, chúng ta nhận thấy phim thị trường đã có những thay đổi để phù hợp với thị trường. Bản thân các nhà làm phim đã biết đưa ra những gì khán giả cần, thị trường quan tâm. Việc các bộ phim sử dụng các kịch bản của nước ngoài thật ra không đáng để bàn nên hay không nên. Vấn đề là ở chỗ bản thân các nhà viết kịch bản nên cải biến mình để thêm trân trọng cái mới, hoàn thiện những tác phẩm giới thiệu tới công chúng.

Riêng NSND Đào Bá Sơn lại cho rằng, việc khai thác kịch bản nước ngoài sẽ trở thành xu thế tất yếu trong tương lai. Sở dĩ các nhà sản xuất, nhà đầu tư mua kịch bản nước ngoài bởi đơn giản vì nó thú vị, có nhiều cái mới lạ, rất cần thiết cho khán giả của chúng ta. Các nhà đầu tư và các nhà sản xuất hiện nay mua kịch bản gốc của nước ngoài rất nhiều. Bản thân ông cũng từng hai lần làm đạo diễn phim Việt hóa kịch bản.

NSND Đào Bá Sơn cho rằng, phim remake thiếu sự sáng tạo nên không thể chấm giải Cánh diều. Ảnh: Tùng Long.
NSND Đào Bá Sơn cho rằng, phim remake thiếu sự sáng tạo nên không thể chấm giải Cánh diều. Ảnh: Tùng Long.

Thị trường điện ảnh cần khuyến khích các bộ phim như vậy bởi việc đó sẽ làm phong phú cho thị trường điện ảnh và khán giả sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn. Tuy nhiên, Cánh diều không nên chấm những phim remake bởi những phim đó không có sự sáng tạo.

“Những phim Việt hóa là phim khai thác kịch bản gốc của nước ngoài nhưng đã biên tập và sửa chữa lại để mang cốt cách - tâm hồn Việt. Nhưng phim này rất đáng chấm bởi nó chỉ khai thác kịch bản gốc thôi còn lại đã được làm mới, có sự sáng tạo của đạo diễn lẫn nghệ sĩ. Ưu điểm của những phim Việt hóa là giúp chúng ta làm mới nền điện ảnh Việt. Và đặc biệt giúp khán giả có thêm những món ăn, khẩu vị phong phú.

Nhưng có những phim chúng ta không thể trao giải đó là phim remake, tức phim phiên bản. Phim làm lại nhưng phải giữ kịch bản đúng như nguyên tác và bắt chước từ góc máy, cách tạo hình nhân vật và thậm chí cả lời thoại. Những phim như thế không có sự sáng tạo. Mặc dù khán giả có nhiều lựa chọn hơn nhưng về mặt học thuật thì phim remake có thể ví như bản photo”, NSND Đào Bá Sơn nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với NSND Đào Bá Sơn, nhiều chuyên gia nhận định rằng, nhiều khi xem phim remake khai thác kịch bản của Hàn Quốc họ không thấy khác gì phim Hàn. Từ cốt truyện, nhân vật, tính cách, trang phục, bối cảnh… đều không sai bản gốc một chút nào. Sự mới lạ, độc đáo và dấu ấn sáng tạo gần như bằng không.

Và chính những yếu tố này làm “mòn” đi sự sáng tạo của những người làm phim (nhất là đạo diễn và biên kịch) và cũng góp phần khiến khán giả nhanh chán. Điều này sẽ ít nhiều khiến điện ảnh Việt trở thành nền điện ảnh “dẫm chân một chỗ”. Bởi lẽ đó mà việc các giải thưởng danh giá không đề cao hoặc không chấm giải đạo diễn, kịch bản đối với các phim remake là điều hợp lí.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm