Phim về cuộc truy bắt Bin Laden bị tố... quá dã man!

(Dân trí)- Các nhà phê bình cho rằng, bộ phim "Zero Dark Thirty" ngầm ám chỉ: Chính nhờ việc sử dụng những ngón đòn tra tấn dã man trong quá trình điều tra mới giúp quân đội Mỹ chiến thắng trong cuộc truy bắt Osama Bin Laden.

Phim về cuộc truy bắt Bin Laden gây tranh cãi về tính bạo lực



Sau những lời khen ngợi nức nở mà giới phê bình dành cho “Zero Dark Thirty”, gần đây luồng dư luận trái chiều bắt đầu nổi lên vì tính bạo lực của phim. Họ bắt đầu “chĩa mũi dùi” vào những biện pháp tra tấn mà quân đội Mỹ sử dụng trong phim.
 
Các nhà phê bình cho rằng một bộ phim như thế không thể nào có trong danh sách 10 bộ phim xuất sắc nhất của năm như Viện phim Mỹ vừa đưa ra hồi đầu tuần này.

Tờ Slate đánh giá phim “đang ngầm ủng hộ việc tra tấn trong hoạt động điều tra” và hãy thử tưởng tượng những chính khách, những quân nhân Mỹ có thoải mái không khi xem những bộ phim khắc hoạ hình ảnh lực lượng chịu trách nhiệm giữ gìn an ninh, độc lập cho quốc gia lại thực hiện toàn những hành động bạo lực như thế này.

Tờ New York Magazine thậm chí còn “mạnh bút” hơn khi gọi bộ phim là một tác phẩm ủng hộ cho chiến tranh. Vấn đề tranh cãi này thậm chí đã dẫn tới một cuộc tranh luận tuy đã cũ nhưng lại được đưa ra trong Nghị viện về tính hiệu quả của việc tra tấn trong tiến trình điều tra.

Liệu “Zero Dark Thirty” có phải là một bộ phim bảo vệ cho tính hợp pháp của việc tra tấn tù nhân, theo đó, những hành động tội ác khủng khiếp được thực hiện dưới danh nghĩa là bảo vệ nước Mỹ? Các nhà phê bình nói rằng khi xem phim, khán giả sẽ dễ bị ấn tượng rằng bộ phim ngầm ám chỉ: Nhờ việc sử dụng tra tấn trong quá trình điều tra mới giúp mang lại chiến thắng trong cuộc truy bắt Osama Bin Laden.

Phim về cuộc truy bắt Bin Laden gây tranh cãi về tính bạo lực



Nhưng theo phía nhà sản xuất phim, bộ phim không hề có ý định đưa ra những thông điệp như vậy. Họ chỉ đưa vào phim một số hình thức tra tấn bởi trong quân đội, có những quân nhân tin rằng tra tấn không hoàn toàn là xấu, điều đó dẫn tới việc tìm ra những tin tức tình báo một cách tương đối hiệu quả mà khó có thể tiếp cận được theo những cách khác.

“Zero Dark Thirty” đã mạnh dạn đi theo hướng riêng của mình để khắc hoạ đa chiều hoạt động trong quân đội. Những biện pháp tra tấn được đề cập trong phim khá man rợ và không thể nào bào chữa nổi xét trên khía cạnh đạo đức, gây cảm giác khó chịu cho người xem và nếu xét trên khía cạnh tâm lý học thì nó sẽ huỷ hoại tinh thần của cả người bị tra tấn và người thực hiện tra tấn.

Tuy vậy, các nhà làm phim cũng đã lập luận rất khôn khéo rằng bằng những thước phim như vậy, họ đã lên án việc sử dụng tra tấn trong điều tra, rằng việc tra tấn không đem lại hiệu quả cho hoạt động tình báo. Những cảnh nhân viên an ninh tra tấn phạm nhân thường xen lẫn với cảnh khủng bố ném bom và điều đó nói lên rằng những điệp viên sử dụng tra tấn làm phương tiện phục vụ điều tra đã hoạt động không hiệu quả bởi họ vẫn chẳng thể ngăn chặn những hành động khủng bố.

Phim về cuộc truy bắt Bin Laden gây tranh cãi về tính bạo lực



Nếu như các nhà làm phim của “Zero Dark Thirty”  lựa chọn quan điểm bảo vệ việc tra tấn trong điều tra thì đó sẽ là một quyết định tồi và ngay lập tức biến bộ phim trở thành một tác phẩm yếu thế ngay từ đầu. Trong phim, sau những màn tra tấn, tù nhân vẫn không chịu đầu hàng và không khai ra bất cứ chi tiết nào về vụ tấn công mà chúng đang ấp ủ.

Quả thực sẽ rất khó tin nếu những người phản đối việc sử dụng bạo lực trong quá trình điều tra ngây thơ tin rằng những tin tức tình báo hoàn toàn có được mà không cần đến biện pháp bạo lực. Chỉ cần một thành công nhỏ thu được là đủ để bào chữa cho người ta tiếp tục sử dụng biện pháp phi đạo đức này. Các nhà làm phim đã chỉ rõ nét tâm lý đó.

Khi Obama lên nắm quyền, ông đã ngừng ngay những hoạt động tra tấn, điều đó khiến các điệp viên thấy thất vọng nhưng nhờ đó, họ lại tìm thấy một lối đi mới và những thông tin chính xác mà họ tìm được không theo những cách bạo lực thông thường trước đây vẫn thực hiện mới là chiếc chìa khoá đưa họ tới với Osama Bin Laden. Những thành công mấu chốt trong phim chỉ được thực hiện sau khi chủ nghĩa bạo lực đã bị chặn đứng. Những biện pháp “mật ngọt” để mua chuộc xem ra có hiệu quả hơn là những hành vi man rợ.

Phim về cuộc truy bắt Bin Laden gây tranh cãi về tính bạo lực



“Zero Dark Thirty” không phải là một tác phẩm ủng hộ cho việc tra tấn. Ngược lại, các nhà làm phim gọi đây là một tác phẩm phản chiến, chống lại bạo lực. Trong đó, họ ca ngợi những biện pháp tiếp cận lạnh lùng, đậm chất phân tích dưới thời Obama. Tổng thống yêu cầu cách xử lý mềm dẻo, linh hoạt và đảm bảo những nguyên tắc đạo đức. Những kẻ ủng hộ bạo lực đã không còn đất tung hoành.

Sau khi phản pháo dư luận bằng những lập luận rất logic, ngay lập tức “Zero Dark Thirty” lại được tờ Esquire ca ngợi là một bộ phim tuyệt vời, tuy làm về những vấn đề đạo đức nhưng lại không hề có tính giáo huấn cứng nhắc. Đây là một bộ phim đa diện, đề cập tới nhiều khía cạnh. Các nhân vật có nhiều nét tâm lý và tính cách đa dạng. Điều đó mang lại tính thuyết phục và chân thật cho phim trong việc khắc hoạ hiện thực chiến tranh. Nếu người xem có cảm giác u ám sau khi xem bộ phim này thì đó cũng là hiệu ứng cần thiết của một bộ phim làm về đề tài chiến tranh.

 
Pi Uy
Theo Esquire