Phim truyền hình Trung Quốc giảm sức hút, vì đâu?

Mi Vân

(Dân trí) - Cuộc thanh trừng lớn trong ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc với những cú "ngã ngựa" bất ngờ của các diễn viên đình đám ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường phim ảnh của Trung Quốc.

Năm 2021, làng giải trí Hoa Ngữ rúng động khi chứng kiến một loạt các bê bối đời tư của các diễn viên trẻ đang lên như Trịnh Sảng, Ngô Diệc Phàm, Trần Húc Hi, Trương Triết Hạn… Những tên tuổi này phải chịu sự trừng phạt của giới quản lý, sự nghiệp bị đóng băng hoặc chủ động rút lui của làng giải trí dù trước đó, sự nghiệp của họ đang rất rộng mở.

Phim truyền hình Trung Quốc giảm sức hút, vì đâu? - 1

"Trần Tình Lệnh" - bộ phim đồng tính nam mở ra xu hướng làm phim truyền hình đồng tính tại Trung Quốc. 

Những vấn đề của giới giải trí, nghệ sĩ được truyền thông và giới chức Trung Quốc "mổ xẻ" suốt thời gian qua. Đó chính là một thế hệ diễn viên thần tượng tài năng hạn chế, thị trường phim ảnh bị chi phối bởi mức cát sê "khủng" dành cho các diễn viên ngôi sao nhưng không có năng lực, những bộ phim ra mắt ồ ạt theo số lượng nhưng chất lượng kém… 

Những tháng qua, giới truyền thông Trung Quốc đề cập tới sự xóa sổ của dòng phim đam mỹ (phim truyền hình đồng tính nam) thịnh hành, một loạt các gameshow thần tượng và gameshow trò chơi đều phải điều chỉnh để phù hợp với quy định về bằng cấp của nghệ sĩ, tạo hình, trang phục của người tham gia…

Chất lượng kịch bản phim truyền hình Trung Quốc tụt dốc

Trong quá trình phát triển của truyền hình Trung Quốc, khá nhiều bộ phim đã vang danh khắp khu vực như Tây Du Ký, Hoàn Châu Cách Cách, Bao Thanh Niên… 

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các phim truyền hình của Trung Quốc bị đánh giá đang đi vào lối mòn khi dòng phim "ngôn tình" và "cung đấu" được xem là tâm điểm.

Phim truyền hình Trung Quốc giảm sức hút, vì đâu? - 2

Triệu Lộ Tư và Lưu Đặc trong "Vô tình nhặt được tổng tài".

Việc chuyển thể các thể tiểu thuyết đã có sẵn một lượng fan đông đảo cũng trở thành xu hướng. Theo Sina, phim truyền hình hiện đại Trung Quốc đang quanh quẩn với mô típ cũ, nội dung không thực tế và thiếu sự hấp dẫn. Trong đó, thực trạng thiếu kịch bản là vấn đề nan giải với ngành này.

Thời gian qua, phim truyền hình Trung Quốc liên tục có những bộ phim bị chê dở như Khi tình yêu gặp gỡ nhà khoa học, Lập trình viên đáng yêu, Vô tình nhặt được tổng tài... Điểm chất lượng của các phim này không cao do kịch bản kém, xây dựng nhân vật thiếu sức hấp dẫn. Mô típ chuyện tình hoàng tử - lọ lem trong các dự án phim truyền hình hiện đại cũng khiến khán giả cảm thấy nhàm chán.

Theo 163, bộ phim Nữ hoàng trả giá do Lâm Canh Tân, Ngô Cẩn Ngôn, Ngô Kỳ Long đóng chính chỉ đạt 3,3/10 điểm chất lượng trên trang đánh giá Douban. Đa số khán giả đều cho rằng tình tiết trong phim thiếu logic và lỗi thời.

Phim truyền hình Trung Quốc giảm sức hút, vì đâu? - 3

"Hạo Y Hành" có khả năng không được phát sóng vì lệnh cấm phim đồng tính nam. 

Bộ phim Vô tình nhặt được tổng tài của Triệu Lộ Tư và Lưu Đặc cũng bị khán giả chấm điểm 4,7/10 điểm với hơn 50% đánh giá cho 1,2 sao, theo Douban. Phim tiếp tục khai thác chủ đề tình cảm sóng gió của một chàng trai nhà giàu có một cô gái nhà nghèo rất phổ biến của màn ảnh nhỏ Hoa ngữ.

Về mảng phim truyền hình cổ trang, những bộ phim đam mỹ chiếm ưu thế suốt thời gian qua. Theo QQ, năm 2021, Trung Quốc có khoảng 15 bộ phim đam mỹ đã quay xong và hơn 10 dự án khác được lên kế hoạch thực hiện.

Tuy nhiên, khi Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình Quốc gia Trung Quốc ra lệnh cấm các phim đam mỹ vào tháng 9 vừa rồi, các dự án này đều rơi vào tình trạng khó có thể lên sóng.

Ngoài ra, các bộ phim khai thác tình yêu thầy trò như Ngọc cốt dao, Trọng tử, Trường An như cố, Mùa hoa rơi lại gặp chàng, Hạo y hành cũng là một xu hướng của phim truyền hình Trung Quốc thời gian qua. Những bộ phim có nội dung, tình tiết, cách xây dựng nhân vật khá giống nhau, khiến khán giả cảm thấy nhàm chán.

Phim truyền hình Trung Quốc giảm sức hút, vì đâu? - 4

"Thiên long bát bộ" năm 2021 bị đánh giá là thảm họa vì dàn diễn viên chưa chất lượng và sự hư cấu thái quá so với nguyên tác. 

Xu hướng dựng lại các tác phẩm võ hiệp kinh điển cũng của các nhà làm phim truyền hình Trung Quốc cũng không được đánh giá cao. Một số tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung được chuyển thể thời gian qua như Lộc Đỉnh Ký 2020, Thiên long bát bộ 2021, Tân Ỷ Thiên Đồ Long ký 2019… đều bị đánh giá kém những phiên bản cũ bởi sự lạm dụng kỹ xảo, hư cấu nhân vật quá khác so với nguyên gốc, lựa chọn diễn viên chưa chuẩn.

Đặc biệt, phiên bản Thiên long bát bộ năm 2021 vừa lên sóng bị xem là thảm họa, làm hỏng hình tượng nhân vật trong nguyên tác khi đạo diễn cố tạo sự mới mẻ, đưa những chi tiết khác nguyên gốc.

Dàn diễn viên trẻ hùng hậu nhưng chưa chất lượng

Ngoài khó khăn về khâu kịch bản, các phim truyền hình Trung Quốc cũng đang đối mặt với sự bế tắc đến từ dàn diễn viên. Tháng 10 này, bộ phim truyền hình Sáng như trăng trong mây do Trương Chỉ Khê đóng chính phát sóng nhanh chóng trở thành tâm điểm chê trách của truyền thông.

Phim truyền hình Trung Quốc giảm sức hút, vì đâu? - 5

 Trương Chỉ Khê trong bộ phim "Sáng như trăng trong mây".

Phim xây dựng câu chuyện về Quận chúa Vân Thiển Nguyệt, một nàng công chúa có tính cách ngổ ngáo, cư xử bất cần và tùy tiện, khá giống với Hoàn châu cách cách, Công chúa bướng bỉnh từng rất thành công của màn ảnh nhỏ Hoa ngữ. Tuy nhiên, lối diễn xuất cường điệu của người đẹp Trương Chỉ Khê khiến khán giả khó chịu.

Trương Chỉ Khê không phải là nữ diễn viên Trung Quốc duy nhất bị hoài nghi về năng lực diễn xuất. Những năm gần đây, ngành phim ảnh Trung Quốc xuất hiện không ít diễn viên có ngoại hình đẹp nhưng khả năng diễn xuất gây tranh cãi dữ dội. Theo QQ, tới một nửa dự án phim truyền hình của Trung Quốc thời gian qua không đảm bảo về chất lượng diễn viên.

Các ngôi sao như Angelababy, Ngô Cẩn Ngôn, Lâm Duẫn, Tống Thiến, Trịnh Sảng, Cổ Lực Na Trát, Cúc Tịnh Y không ít lần bị nhắc nhở về diễn xuất. Các diễn viên thuộc thế hệ Gen Z được lăng xê hiện nay như Trình Tiêu, Dương Siêu Việt, Triệu Lộ Tư cũng bị gắn mác "bình hoa di động" trên màn ảnh.

Phim truyền hình Trung Quốc giảm sức hút, vì đâu? - 6

Dương Siêu Việt là nghệ sĩ thế hệ Gen Z của màn ảnh Hoa ngữ. 

Sự chuyển mình là cần thiết

Nhìn sang Hàn Quốc, giới làm phim truyền hình Trung Quốc thực sự lo lắng. Phim truyền hình Hàn Quốc, sau hơn một thập kỷ quanh quẩn với chủ đề đánh ghen hay những cuộc tình lãng mạn, bi thương, đang chuyển mình đầy mạnh mẽ.

Họ từng thành công rực rỡ với những bộ phim như Trái tim mùa thu, Chuyện tình Harvard, Nấc thang lên thiên đường… nhưng những chuyện tình bi lụy rồi cũng có lúc mất sức hút với công chúng.

Các bộ phim cổ trang như Nàng Dae Jang Geum, Nữ hoàng Seon Deok, hay các bộ phim tâm lý tình cảm hiện đại vui tươi như Hoàng Cung, Ngôi nhà hạnh phúc.. dần được thay thế bởi những bộ phim đầy kịch tính về giới tài phiệt, hành động báo thù hay sinh tồn nghẹt thở.

"Squid Game" - Bộ phim sinh tồn đang gây "sốt" của Hàn

Năm 2021 chứng kiến sự thăng hoa đáng nể của các phim truyền hình Hàn Quốc như Cuộc chiến thượng lưu, Trò chơi con mực, Điệu cha cha cha làng biển, My Name…

Trước đó, truyền thông thế giới xôn xao khi chứng kiến một bước ngoặt lịch sử của điện ảnh châu Á khi giải Oscar xướng tên tác phẩm Parasite (Ký Sinh Trùng) của đạo diễn người Hàn Quốc - Bong Joon Ho.

Điểm chung của các tác phẩm điện ảnh Hàn Quốc thành công thời gian qua chính là tính thời cuộc, sự nhanh nhạy và khéo léo khi phản ánh xã hội hiện tại. Sự thay đổi về tư duy làm phim, kịch bản đa dạng và lựa chọn những diễn viên thực lực đang giúp Hàn Quốc vụt sáng trong lĩnh vực phim truyền hình. Nhiều tác phẩm của Hàn Quốc được khán giả thế giới biết tới và dàn diễn viên xứ Hàn cũng vụt sáng thành những ngôi sao quốc tế.