Phim nói về chuyện nấu ăn để kể những triết lý thâm sâu của cuộc đời

(Dân trí) - Chuyện nấu ăn tưởng như là chuyện thường ngày, nhưng xét ở nhiều khía cạnh, đó là một việc ẩn chứa cả vẻ đẹp, tình cảm và những triết lý về cuộc sống.

Dưới đây là những bộ phim điện ảnh chứa đựng nhiều ý nghĩa đẹp đẽ xung quanh công việc thường ngày - nấu ăn:

"Bữa tiệc của Babette" ("Babette's Feast" - 1987)

Trailer phim "Bữa tiệc của Babette" ("Babette's Feast" - 1987)

Bộ phim của Đan Mạch được đạo diễn bởi Gabriel Axel. Kịch bản phim được đạo diễn thực hiện dựa trên một truyện ngắn của nhà văn người Đan Mạch - Isak Dinesen xuất bản hồi năm 1958. Đây là bộ phim đầu tiên của Đan Mạch giành giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại giải Oscar.

Chuyện phim xoay quanh một nữ đầu bếp danh tiếng - bà Babette, bà rơi vào cảnh sống lưu vong vì những biến động thời cuộc, bà tìm tới một miền quê hẻo lánh và được hai người chị em gái lớn tuổi, sống độc thân che chở, giúp đỡ, dành cho một nơi nương náu yên bình trong suốt nhiều năm tháng.

Cuộc sống của hai người chị em gái vốn dĩ rất thanh đạm, giản dị, phần vì được nuôi dạy trong sự nghiêm khắc, đề cao lối sống tôn trọng các giá trị tinh thần, xem thường những gì thuộc về trải nghiệm hưởng thụ vật chất; nhưng phần nhiều vì họ là những con người nghèo khó, chẳng bao giờ dư dả tiền bạc.

Thế rồi nhân một dịp đặc biệt, sau nhiều năm tháng được sống trong sự bảo trợ dù nghèo nàn, nhưng yên bình và dễ chịu của hai người chị em gái, nữ đầu bếp Babette quyết định sẽ dùng tất cả số tiền lớn mà mình vừa may mắn có được từ việc... trúng số, để thực hiện một bữa đại tiệc xa hoa.

Đó là cách mà Babette sử dụng để bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với những con người đã giúp đỡ, che chở và đón nhận mình suốt những năm tháng đã qua. Bữa tiệc gồm toàn những thức thượng hạng do Babette đặt mua từ phương xa, bản thân những người được mời tới dự tiệc cũng đa phần không hiểu hết giá trị về vật chất và giá trị về nghệ thuật ẩm thực mà Babette đã đặt vào bữa tiệc.

Babette thực hiện mọi việc một cách âm thầm, khiêm tốn, không hé răng nói một lời về tất cả những điều ấy, bởi bà làm tất cả bằng tấm lòng biết ơn chân thành nhất, bằng tình yêu thương muốn dành tặng một trải nghiệm đặc biệt, hiếm có trong đời cho những con người mà bà rất đỗi yêu mến, trân trọng.

Đối với những con người vốn đã quen với lối sống thanh đạm ấy, bữa tiệc xa hoa này ban đầu bị xem là phù phiếm, tốn kém không đáng có và là sự hưởng thụ đầy tội lỗi, nhưng rồi ẩm thực thượng hạng đã tác động tới tinh thần của họ, khiến những con người vốn sống trong vòng kỷ luật nghiêm ngặt và sự đạm bạc suốt cả đời người bỗng có những xúc cảm biến đổi lạ thường.

Bên bàn tiệc, những sai lầm, khúc mắc xa xưa được bỏ qua, những thân tình cũ được nối lại, những bất đồng, tranh luận được dàn xếp thỏa đáng.

"Ẩm thực nam nữ" ("Eat Drink Man Woman" - 1994)

Trailer phim "Ẩm thực nam nữ" ("Eat Drink Man Woman" - 1994)

Bộ phim hài được dàn dựng bởi đạo diễn Lý An, phim được đánh giá là thành công cả về mặt nghệ thuật và thương mại. Phim từng lọt vào danh sách đề cử ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại giải Oscar.

Tiêu đề của phim muốn nói về những nhu cầu cơ bản của con người, với hàm ý rằng chúng ta hãy biết đón nhận những nhu cầu đó như một lẽ tự nhiên.

Chuyện phim xoay quanh một gia đình có người cha góa vợ và ba cô con gái nay đã ở tuổi trưởng thành. Người cha vốn là một đầu bếp giỏi, ông vẫn thường kỳ công chuẩn bị những bữa ăn cuối tuần đặc biệt dành cho các cô con gái. Bên bữa cơm gia đình, những câu chuyện của từng thành viên dần được tiết lộ.

Mỗi cô con gái qua từng thời điểm sẽ có những bước chuyển mới, gia đình bốn người qua đó cũng có những đổi thay. Bộ phim được đánh giá là một trong những tác phẩm điện ảnh hay nhất của đạo diễn Lý An, là một bộ phim ý nghĩa và sâu sắc về hành trình biến đổi của một gia đình qua thời gian.

Trải qua những biến động, thăng trầm, vui buồn, thành bại, sau cùng người ta vẫn tìm về gia đình để tận hưởng những bữa cơm ấm cúng được người thân thực hiện, chờ đợi mình về thưởng thức.

Bữa cơm gia đình có sức hàn gắn tâm hồn và nghệ thuật nấu ăn ngon không chỉ đơn giản là một cái tài, một sự khéo léo, giỏi giang, mà đó còn là cái tình, sự yêu thương, chăm sóc, quan tâm mà các thành viên dành cho nhau.

Trong phim, các cô con gái mải mê với sự nghiệp và tình yêu, nhưng họ không bao giờ quên người cha của mình. Vốn là một đầu bếp tài giỏi, người cha hiểu rằng dù bận rộn với công việc và say đắm với tình yêu tới mức nào, các con gái của ông vẫn bị mê hoặc bởi tài nấu ăn của cha và sẽ luôn trở về với bàn ăn cuối tuần do ông thực hiện.

Đạo diễn Lý An cho chúng ta thấy rằng cuộc sống gia đình gắn chặt với các bữa ăn đoàn tụ, tình yêu thương trong gia đình Á Đông vẫn thường được thể hiện qua hành động, qua cách chăm sóc nhau trong những bữa ăn một cách tinh tế.

Trong đời sống gia đình, tình cảm yêu thương được người nấu ấp ủ trong chính quá trình chuẩn bị, nấu nướng, rồi bày biện ra bàn ăn. Cách những người được quan tâm chăm sóc tận hưởng và trân trọng bữa ăn cũng nói lên tình yêu thương của họ dành cho người chuẩn bị.

Rất nhiều câu chuyện gia đình được kể ra bên bàn ăn, nhiều diễn biến trong đời sống gia đình được chia sẻ chính trong lúc ăn.

"Hộp cơm trưa" ("The Lunchbox" - 2013)

Trailer phim "Hộp cơm trưa" ("The Lunchbox" - 2013)

Bộ phim tình cảm lãng mạn của nhà làm phim người Ấn Độ Ritesh Batra xoay quanh một chuyện tình bắt đầu từ hộp cơm trưa bị chuyển phát nhầm. Người phụ nữ muốn hâm nóng tình cảm với người chồng thờ ơ, lãnh đạm (mà về sau cô mới biết rằng đã ngoại tình) thông qua những hộp cơm trưa ngon miệng.

Nhưng hộp cơm ấy lại bị chuyển nhầm. Người nhận là một người đàn ông góa vợ có một cuộc sống lặng lẽ, ông đang định nghỉ hưu sớm và thôi công việc của một kế toán.

Điều kết nối hai con người cùng cô đơn và đều đang có những thất vọng về cuộc sống này lại với nhau chính là hộp cơm trưa do người phụ nữ thực hiện. Hộp cơm mà thoạt tiên cô định dành để hâm nóng tình cảm với người chồng, sau cùng lại dẫn cô tới với lựa chọn và ngã rẽ không ngờ.

Qua những hộp cơm trưa và những lá thư trao đi gửi lại, một chuyện tình lạ lùng đã bắt đầu, dù hai bên chưa hề biết mặt nhau, thậm chí họ không hề gặp nhau.

Nhưng những xúc cảm đẹp đẽ, trong lành đã giúp người phụ nữ đang mệt mỏi trong cuộc hôn nhân rạn nứt có đủ dũng khí để quyết định đứng dậy mạnh mẽ, làm lại từ đầu. Người đàn ông sau những do dự, ngại ngần đã một lần dám dấn bước về phía người phụ nữ.

Chuyện phim để ngỏ nhiều khả năng về mối quan hệ giữa người phụ nữ và người đàn ông nhận được những hộp cơm trưa của cô, bởi cuộc sống vốn dĩ cũng tồn tại nhiều khả năng và những ngã rẽ, nhưng xuyên suốt bộ phim, người xem vẫn cảm nhận được sự thấm thía của một mối thiện cảm sâu lắng và đẹp đẽ giữa hai con người khốn khổ.

Sau tất cả những mệt mỏi, chán nản, họ có lại được những xúc cảm ấm áp, đẹp đẽ và trong trẻo dù tuổi đời không còn trẻ. Mối thiện cảm ấy bắt nguồn từ những hộp cơm trưa chứa đựng nhiều tình cảm và mong đợi của một người phụ nữ.

"Khu rừng nhỏ" ("Little Forest" - 2018)

Trailer phim "Khu rừng nhỏ" ("Little Forest" - 2018)

Bộ phim của Hàn Quốc được đạo diễn bởi Yim Soon-rye, dựa trên bộ truyện tranh cùng tên của tác giả người Nhật Daisuke Igarashi.

Chuyện phim xoay quanh Hye-won, cô gái trẻ đã không thể vượt qua kỳ thi sát hạch chất lượng để trở thành một giáo viên, cô quyết định rời xa Seoul để trở về ngôi làng nhỏ nơi cô từng sinh ra và lớn lên.

Trở về quê nhà, nhưng đúng thời điểm mẹ đi xa, không có mặt ở nhà, Hye-won tìm thấy lại những kỷ vật của mẹ ở trong nhà - một người mẹ đơn thân, một người phụ nữ đã từng nỗ lực hết mình để tạo dựng một cuộc sống hạnh phúc cho cô con gái nhỏ, trong số những kỷ vật của mẹ cất giữ trong nhà, đáng kể nhất là những công thức nấu ăn của bà.

Những ký ức đẹp đẽ từng có một thuở ấu thơ bỗng trở nên sống động, vui tươi trở lại, đặc biệt hơn thế, Hye-won còn có hai người bạn từ thuở ấu thơ, họ cũng là những thanh niên từng ôm những giấc mộng thành đạt khác nhau nơi thành thị, nhưng rồi sau cùng đều tìm về với quê nhà.

Bộ phim cho thấy sức mạnh hàn gắn của những món ăn thuộc về ký ức, kỷ niệm, khi ấy việc thưởng thức lại những món ăn thân thuộc không chỉ đem lại cho người thưởng thức những xúc cảm dễ chịu, mà ngay cả việc chuẩn bị nấu nướng cũng có thể xem như liệu pháp chữa lành tâm lý.

Bộ phim đẹp đẽ và nhiều chất thơ này cho thấy sức mạnh của cuộc sống thanh bình, giản dị nơi miền quê, giúp những con người sinh ra nơi vùng quê tìm lại được sự thăng bằng trong cuộc sống sau những bôn ba, được mất trong đời.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm