Phim mới về Tôn Ngộ Không bị gán mác "thảm họa", ngậm ngùi nhớ "Tây Du Ký"
(Dân trí) - "Ngộ Không chi Tiểu Thánh truyện" là tác phẩm có sự tham gia của một số nghệ sĩ trong bản "Tây Du ký" (năm 1986) đình đám như Uông Việt diễn Đường Tăng, Chu Long Quảng đóng Phật Tổ Như Lai.
Ngộ Không chi Tiểu Thánh truyện được phát hành trực tuyến vào tháng 5 này và là tác phẩm được biến tấu từ nhân vật Tôn Ngộ Không. Tuy có sự tham gia của một số gương mặt cũ trong dự án Tây Du Ký (năm 1986) nhưng tác phẩm lại không thành công như mong đợi, thậm chí bị xếp vào dạng phim "rác".
Người thể hiện vai Tôn Ngộ Không trong phim là nghệ sĩ Lý Thế Hoành. Dù Ngộ Không chi Tiểu Thánh truyện lấy nhân vật Tôn Ngộ Không làm trung tâm nhưng diễn viên Lý Thế Hoành lại không có nhiều đất diễn trong phim. Tác phẩm tập trung khai thác câu chuyện về người nối dõi Tề Thiên Đại Thánh nên hình tượng nhân vật có sự mới mẻ, không liên quan tới bản gốc Tây Du Ký.
Phim lấy hai nhân vật Tôn Tiểu Thánh - mỹ hầu vương mới nhậm chức (Vương Ninh đóng) và người anh em Kim Tiểu Bằng (Vương Lương đóng) làm nhân vật chính. Phim kể về hành trình bắt yêu trừ ma của hai người nhưng sau đó, Tôn Tiểu Thánh và Kim Tiểu Bằng lại có ân oán, lao vào cuộc đối đầu sinh tử.
Một số ý kiến bình luận trên Sohu cho rằng, Ngộ Không chi Tiểu Thánh truyện kỹ xảo kém, bối cảnh đồ họa nghèo nàn, tạo hình nhân vật xấu và nội dung phim không nhiều mới mẻ. Cả hai nhân vật chính là Vương Ninh và Vương Lương đều hạn chế về năng lực diễn xuất. Sự góp mặt chớp nhoáng của một số diễn viên trong bản Tây Du Ký (năm 1986) cũng không thể cứu được một bộ phim rời rạc về nội dung và chất lượng dưới mức trung bình.
Khi xem Ngộ Không chi Tiểu Thánh truyện, nhiều fan của Tây Du Ký (năm 1986) bày tỏ sự hoài niệm về một tác phẩm đặc sắc, có giá trị vượt thời gian suốt 40 năm. Sau Tây Du Ký (năm 1986), nhiều phiên bản hiện đại của tác phẩm này được thực hiện nhưng chưa một tác phẩm nào có thể vượt qua được danh tiếng của bản phim thực hiện từ năm 1986.
Hàng năm, có ít nhất một phiên bản mới của Tây Du Ký được thực hiện tại Trung Quốc và đưa con số các phiên bản mới của Tây Du Ký lên đến hàng trăm. Dù được đầu tư về kỹ xảo, dàn diễn viên mới trẻ đẹp hơn nhưng các tác phẩm thực hiện sau không thể xô đổ những kỷ lục của bản phim thực hiện năm 1986.
Bấm máy từ năm 1982, Tây Du Ký vẫn là tác phẩm kinh điển của màn ảnh Hoa ngữ, sở hữu nhiều kỷ lục khó vượt qua. Theo thống kê của các nhà đài Trung Quốc, Tây Du Ký dẫn đầu về thành tích chiếu lại trên màn ảnh nhỏ. Cụ thể, bộ phim này đã được tái chiếu khoảng 3.000 lần tại Trung Quốc và đây là một con số "khủng" mà chưa có một bộ phim truyền hình nào của Trung Quốc đạt được.
Tây Du Ký cũng là bộ phim có nhiều người xem nhất ở Trung Quốc. Theo thống kê của Xinhuanet, hơn 89% dân số Trung Quốc đã xem bộ phim này và hơn 50% khán giả cho biết họ đã xem Tây Du Ký hơn 10 lần. Khán giả nhận xét, sự thành công của phim chính là ở nội dung vừa hài hước, vừa truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa và dàn diễn viên xuất sắc, phù hợp với nhân vật.
Được biết, thời điểm bấm máy vào năm 1982, đoàn phim Tây Du Ký chỉ đủ tiền thuê một quay phim và một máy quay. Mọi kỹ xảo trong phim đều rất thô sơ, mộc mạc. Theo Sina, phim được quay ròng rã trong 5 năm và vốn đầu tư cho cả bộ phim là 6 triệu NDT. Đây tuy là một số tiền rất lớn vào thời điểm những năm 80 nhưng vẫn không đủ để trang trải cho cả bộ phim.
Các diễn viên chính trong phim chỉ nhận được một khoản thù lao tượng trưng và ít ỏi nhưng họ vẫn được đánh giá xuất sắc, thể hiện được linh hồn của phim. Nhiều nghệ sĩ trở nên nổi tiếng sau khi Tây Du Ký lên sóng.
Sau 40 năm, nhân vật Tôn Ngộ Không của Lục Tiểu Linh Đồng trở thành kinh điển. Chưa một nam diễn viên nào có thể vượt qua được cái bóng của Lục Tiểu Linh Đồng và bản thân nam diễn viên kỳ cựu cũng không thể bước qua chính ánh hào quang của mình. Cả sự nghiệp diễn xuất của Lục Tiểu Linh Đồng, Tôn Ngộ Không là vai diễn nổi tiếng và duy nhất. Ngoài 60 tuổi, ông vẫn tái hiện lại vai diễn đình đám này trên sân khấu kịch hay các chương trình truyền hình.