Phim kiếm hiệp dẫn đầu những phim nghệ thuật hay nhất năm 2015
(Dân trí) - Trong những phim nghệ thuật hay nhất năm 2015, ngay cả các nhà phê bình điện ảnh phương Tây cũng không thể bỏ qua “Nhiếp Ẩn Nương”.
Tạp chí điện ảnh uy tín của Anh - Sight & Sound, nguyệt san do Viện Phim Anh thực hiện - đã đưa ra bình chọn 20 bộ phim hay nhất trong năm 2015 này. Đáng chú ý, phim “The Assassin” (Nhiếp ẩn nương) của đạo diễn Hầu Hiếu Hiền đứng đầu bảng xếp hạng.
Định kỳ thường niên, Sight & Sound thường cho ra mắt bình chọn những phim hay nhất của điện ảnh thế giới sau một năm nhìn lại. Thiên hướng bình chọn của Sight & Sound là những phim có tính nghệ thuật cao, được tán thưởng tại các liên hoan phim.
Những phim bom tấn thương mại không nhận được nhiều ưu ái từ tạp chí này, vì vậy, sau khi những liên hoan phim uy tín cuối cùng trong năm đã khép lại, Sight & Sound bắt đầu cho ra mắt bình chọn của mình.
Dịp cuối năm là thời điểm của những bình chọn ở hầu khắp mọi lĩnh vực, bình chọn phim hay nhất năm 2015 dưới đây được đưa ra từ góc độ của các nhà phê bình điện ảnh:
“The Assassin” (Nhiếp Ẩn Nương) là một phim võ thuật hợp tác đa quốc gia do đạo diễn người Đài Loan - Hầu Hiếu Hiền thực hiện. Phim đã tham gia tranh giải tại Liên hoan phim Cannes 2015 và đem về cho Hầu Hiếu Hiền giải Đạo diễn xuất sắc nhất.
Trailer phim “The Assassin”
Phim cũng được Đài Loan lựa chọn đem dự thi ở hạng mục Phim nước ngoài hay nhất tại giải Oscar 2016. Chuyện phim xoay quanh một nữ sát thủ bị giằng xé giữa tình yêu và nhiệm vụ. Vai nữ chính do nữ diễn viên Thư Kỳ đảm nhận.
“Carol” là một phim tình cảm lãng mạn hợp tác Anh - Mỹ do đạo diễn Todd Haynes thực hiện, dựa trên cuốn tiểu thuyết “The Price of Salt” (Giá muối). Phim có sự tham gia diễn xuất của nữ diễn viên từng giành tượng vàng Oscar - Cate Blanchett.
Lấy bối cảnh New York năm 1952, bộ phim kể câu chuyện về một nữ nhiếp ảnh gia trẻ và mối tình của cô với một phụ nữ lớn tuổi hơn đang phải trải qua một cuộc ly hôn khó khăn.
Trailer phim “Carol”
“Carol” đã được chuẩn bị thực hiện trong hơn 11 năm. Phim từng tranh giải Cành Cọ Vàng ở Liên hoan phim Cannes 2015, tại đây, nữ diễn viên Rooney Mara đã giành giải Nữ chính xuất sắc nhất.
“Mad Max: Fury Road” (Max điên: Con đường cuồng nộ) là một phim hành động hợp tác Mỹ - Úc do George Miller đạo diễn. Phim lấy bối cảnh một sa mạc hoang vu ở thì tương lai, nơi nước và xăng là những thứ hết sức khan hiếm.
Trailer phim “Mad Max: Fury Road”
Nội dung phim kể về Max Rockatansky (Tom Hardy) và thống soái Furiosa (Charlize Theron) cùng nhau chạy trốn khỏi tên thủ lĩnh giáo phái Immortan Joe (Hugh Keays-Byrne) và đội quân của hắn trong một cuộc truy đuổi đường dài. Phim đã được chiếu giới thiệu tại Liên hoan phim Cannes 2015 và nhận được nhiều lời khen ngợi.
“Arabian Nights” (Những đêm Ả Rập) là một phim hợp tác đa quốc gia được đạo diễn bởi Miguel Gomes, dựa trên những câu chuyện trong “Nghìn lẻ một đêm”. Phim có tổng thời lượng 381 phút và được cắt ra thành 3 phần phim. Phần phim thứ 2 đã được Bồ Đào Nha lựa chọn đem tranh giải Phim nước ngoài xuất sắc nhất tại giải Oscar 2016.
Trailer phim “Arabian Nights”
“Cemetery of Splendour” (Nghĩa trang lộng lẫy) là một phim của Thái Lan, do đạo diễn Apichatpong Weerasethakul thực hiện. Nội dung phim xoay quanh một chứng bệnh lạ lan truyền rất nhanh khiến người bệnh nằm ngủ mê mệt. Những linh hồn thường hiện ra trước mắt họ, ảo ảnh khiến người bệnh không thể phân biệt được thực giả.
Trailer phim “Cemetery of Splendour”
Căn bệnh được nhắc tới trong bộ phim là một ẩn dụ cho những vấn đề mà mỗi cá nhân và cả xã hội Thái Lan đang phải đối mặt. Bộ phim đã được chiếu giới thiệu tại nhiều liên hoan phim uy tín trên thế giới.
“No Home Movies” (Không nhà) là một phim tài liệu được thực hiện bởi nữ đạo diễn người Bỉ Chantal Akerman, phim tập trung khai thác những cuộc đối thoại giữa nhà làm phim và mẹ của bà chỉ vài tháng trước khi bà cụ qua đời. Đây cũng là bộ phim cuối cùng của nữ đạo diễn Akerman bởi sau đó chính bà cũng đã tự tử hồi tháng 10/2015.
Trong phim, nữ đạo diễn đã khắc họa cảm động mối quan hệ gắn bó giữa mình và mẹ - một phụ nữ Do Thái đã sống sót sau thời kỳ diệt chủng, đã có những ngày tháng kinh hoàng trong trại tập trung.
Quá khứ đau khổ đã khiến mẹ của nữ đạo diễn Akerman luôn rơi vào trạng thái lo lắng bất an kinh niên, tuy vậy, chính những điều này đã có ảnh rất lớn tới tư duy nghệ thuật của con gái bà - nữ đạo diễn Akerman về sau.
Bộ phim là những cuộc đối thoại mặt đối mặt hoặc thông qua màn hình máy tính giữa hai người phụ nữ, hai mẹ con. Từ tổng cộng 40 tiếng đồng hồ đối thoại, nữ đạo diễn rút ngắn còn 115 phút, tất cả hình ảnh được thực hiện rất đơn sơ và bản thân nữ đạo diễn Akerman cũng không “lường trước được” mình sẽ làm gì với những thước phim này.
“45 Years” (45 năm) là một phim của Anh do Andrew Haigh đạo diễn, dựa trên truyện ngắn “In Another Country” (Ở một đất nước khác). Phim đã tham gia tranh giải tại Liên hoan phim Berlin và giúp hai diễn viên chính của phim giành giải Gấu Bạc cho Nam - Nữ chính xuất sắc nhất.
Trailer phim “45 Years”
Bộ phim xoay quanh cuộc hôn nhân 45 năm của một cặp vợ chồng già và những biến cố khiến họ vĩnh viễn có cách nhìn khác về nhau và về những năm tháng từng chung sống. Hôn nhân không ngừng biến động và không thôi khiến người ta phải suy nghĩ về nó ngay cả khi đã ở tuổi xế chiều. Thậm chí, ở tuổi già, suy nghĩ về hôn nhân còn trở nên thấm thía, sắc nhọn hơn.
“Son of Saul” (Con trai của Saul) là một phim Hungary được đạo diễn bởi László Nemes. Phim đã được công chiếu tại Liên hoan phim Cannes và giành được Giải thưởng lớn Grand Prix. Phim lấy bối cảnh trại tập trung Auschwitz năm 1944, một người đàn ông Do Thái có tên Saul Ausländer được phân công làm nhiệm vụ thiêu hủy các xác chết.
Trailer phim “Son of Saul”
Một ngày, Saul tìm thấy thi thể của một cậu bé mà anh tin đó chính là con trai của mình. Saul Ausländer đã cố gắng cứu thi hài nhỏ bé đó khỏi ngọn lửa thiêu tập thể, rồi tiếp tục tìm một giáo sĩ Do Thái trong trại tập trung để thực hiện một nghi lễ mai táng bí mật cho cậu bé…
“Amy” là một phim tài liệu của Anh khắc họa cuộc đời và sự ra đi của nữ ca sĩ nổi tiếng Amy Winehouse, do Asif Kapadia đạo diễn. Phim khắc họa cuộc đời Amy chủ yếu trong những cuộc vật lộn với rượu và chất cấm cả trước và sau khi cô nổi danh, đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới sự ra đi khi còn quá trẻ của nữ ca sĩ.
Trailer phim “Amy”
“Amy” trở thành phim tài liệu Anh có doanh thu cao nhất mọi thời đại, nhận về vô số giải thưởng, đáng kể có giải Phim tài liệu Châu Âu xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Châu Âu 2015. “Amy” cũng đang được đề cử là Phim Âm nhạc xuất sắc nhất tại giải Grammy 2016.
“Anomalisa” là một phim hài hoạt hình Mỹ dành cho người lớn, được đạo diễn bởi Charlie Kaufman và Duke Johnson. Phim đã giành được Giải thưởng lớn của Ban giám khảo tại Liên hoan phim Venice.
Trailer phim “Anomalisa”
Chuyện phim xoay quanh Michael Stone - tác giả của một số đầu sách viết về dịch vụ chăm sóc khách hàng, tuy vậy, bản thân ông lại luôn cảm thấy khó khăn trong việc kết nối với mọi người xung quanh. Một hôm, khi đang thực hiện chuyến công tác, Michael tình cờ gặp một người xa lạ vĩnh viễn làm thay đổi nhãn quan của ông về thế giới.
“Inside Out” (Những mảnh ghép cảm xúc) là phim hoạt hình Mỹ được đạo diễn bởi Pete Docter. Phim lấy bối cảnh là tâm thức của một cô bé có tên Riley Andersen, trong đầu não của tâm thức có 5 nhân vật cảm xúc gồm Joy (Vui vẻ), Fear (Sợ sệt), Anger (Giận dữ), Sadness (Buồn bã) và Disgust (Chảnh chọe).
Trailer phim “Inside Out”
5 cảm xúc này cùng dẫn dắt Riley trong cuộc sống. Những tình tiết phim bắt đầu mở ra khi cha mẹ của Riley phải chuyển nhà từ Minnesota tới California, khiến cả gia đình cùng phải thích nghi với cuộc sống mới. Sau khi công chiếu thành công tại Liên hoan phim Cannes, “Inside Out” đã thắng lớn cả về mặt nghệ thuật và doanh thu.
“Tangerine” (Quả quýt) là một phim hài Mỹ đạo diễn bởi Sean S. Baker và Chris Bergoch. Phim xoay quanh cuộc sống của một cô gái chuyển giới hành nghề mại dâm.
“Taxi” là một phim của Iran được thực hiện dưới dạng phim tài liệu do đạo diễn Jafar Panahi thực hiện, ông cũng đồng thời là nhân vật chính trong phim. Phim đã tham gia Liên hoan phim Berlin và giành giải Gấu vàng.
Trailer phim “Taxi”
Trong “Taxi”, đạo diễn Panahi vào vai một lái xe taxi, bước lên xe ông là những hành khách có già có trẻ, có giàu có nghèo, có truyền thống và hiện đại, rất đa dạng, họ tự nhiên, thoải mái trò chuyện với “bác tài” để qua đó phản ánh đời sống ở thành phố Tehran.
Bích Ngọc
Tổng hợp