“Phim hoạt hình Việt đứng rất thấp ngay trong khu vực!”
Đạo diễn, NSND Phạm Minh Trí có thể coi là một cột trụ của làng phim hoạt hình Việt, anh là người đầu tiên làm phim hoạt hình dài tập “Cuộc phiêu lưu của ong vàng” (10 tập, 15 phút/tập) và phim hoạt hình chiếu rạp “Người con của Rồng” nói về tuổi thơ của vua Lý Công Uẩn. Phóng viên Lao Động đã phỏng vấn anh về những tồn tại của phim hoạt hình VN.
Theo anh, đâu là vấn đề lớn nhất của phim hoạt hình Việt?
Chắc chắn là đầu ra. Vì ngành điện ảnh và truyền hình chưa thấy hết giá trị của phim hoạt hình - một loại hinh nghệ thuật dễ dàng tiếp cận mọi tầng lớp, đặc biệt là khán giả nhỏ tuổi. Ngôn ngữ hoạt hình có thể len lỏi vào những vấn đề phức tạp của xã hội, diễn giải nó và đưa công chúng đến một cái nhìn lạc quan.
Một phim tôi làm là “Ông tướng canh đền” (Giải Bạc, giải đạo diễn tại LHP Quốc gia) là đề tài chống tham nhũng… Trên sóng truyền hình cũng có vài chương trình có sử dụng hoạt hình, nhưng chưa phải là phim hoạt hình đích thực, đơn cử chương trình “Quà tặng cuộc sống”. Còn nhớ, khi Đài truyền hình VN thành lập vào năm 1970, non nửa quân số của Hãng phim Hoạt hình sang làm việc tại đài và một bộ phận được cử đi đào tạo hoạt hình tại Cuba, nhưng rồi về sau, vì những điều kiện chủ quan và khách quan, mà mọi thứ cứ mai một dần đi.
Còn tư nhân, một số Cty truyền thông có chú ý. Nhưng cần đầu tư lớn cho nó… Một phim hoạt hình chiếu rạp, kinh phí cần từ 5 - 7 tỉ đồng.
Được biết, anh rất chịu đi xem những phim hoạt hình của Mỹ, gần nhất như “Những mảnh ghép cảm xúc” (Inside out). Cảm xúc của anh khi xem xong?
Choáng ngợp, vì họ đầu tư rất có chiều sâu. Hiện nay phim hoạt hình phát triển trên bệ phóng công nghệ số. Và nhiều bộ phim hoạt hình lan tỏa ảnh hưởng mạnh mẽ đến phim truyện của Hollywood như “Người sắt” (Iron man), “Người nhện” (Spider man) cũng là cách tư duy sáng tạo, sự tưởng tượng, khoa trương mạnh mẽ của hoạt hình.
Và anh nhìn lại phim hoạt hình Việt, thấy…
Yếu đủ thứ, vì thế nó lay lắt. Hiện nay, kịch bản phim hoạt hình viết quá cũ, đi theo lối mòn, đóng khung trong thời lượng. Hiện Nhà nước (Cục Điện ảnh) tài trợ 10 - 15 phim hằng năm cho Hãng phim hoạt hình VN thì dành cho phim 10 phút là chủ yếu, phim đề tài lịch sử dài 30 phút là hãn hữu.Thời lượng làm giới hạn hình thức kịch bản, 10 phút phải kể 1 câu chuyện và rút ra bài học gì đó.
Thực sự thì đội ngũ biên kịch hoạt hình chuyên nghiệp còn những ai, thưa anh?
Ngày trước, các nhà văn (Tô Hoài, Phạm Hổ, Nguyễn Kiên) viết nhiều cho hoạt hình, vì thế kịch bản có chất văn học cao. Hiện tại, ngành khai thác theo hướng mời bất cứ bạn trẻ nào có ý tưởng đang làm ở các lĩnh vực khác viết hoạt hình, vì thế các tác giả này thường là ngẫu hứng nhất thời, không đi dài hơi. Đội ngũ chuyên nghiệp vô cùng hẻo, gần như không còn mấy ai.
Phim hoạt hình VN rất cần mạnh dạn chuyển thể các tác phẩm văn học VN sang phim hoạt hình, từ chuyện cổ tích như “Tấm Cám”, hay truyện của Nguyễn Nhật Ánh…
Vậy anh có “kế”gì hay để phát triển hoạt hình Việt?
Phải có chiến lược, tư duy mới. Không thể trông chờ hoàn toàn vào Nhà nước, dù Nhà nước luôn dành ưu tiên cho trẻ em, và phải trông nhiều vào tư nhân (xã hội hóa). Tôi biết có những nhóm bạn trẻ đầy đam mê, giỏi công nghệ nhưng lẻ tẻ, thiếu liên kết để cho ra những sản phẩm khả dĩ nhất. Họ thiếu 1 thủ lĩnh, thiếu sự khích lệ và thiếu cả những “đại gia” yêu hoạt hình. Thời lượng làm phim nên có 2 dạng: Phim cực ngắn từ 3 - 5 phút, và phim dài chiếu rạp từ 60 - 90 phút. Phim dài 3 - 5 phút phải súc tích, thể nghiệm nhiều hình thức để hấp dẫn nhiều tầng lớp khán giả.
Vấn đề đào tạo đội ngũ làm phim hoạt hình làm tôi trăn trở nhất. Vì tìm người hiểu biết ngôn hoạt hình đã khó, lại phải là người có đam mê, chịu hao tổn tâm sức, dành thời gian, chấp nhận thu nhập không cao để làm phim. Lĩnh vực hoạt hình không “nổi” như phim truyện và phim tài liệu. Vì thế, nuôi cảm hứng cho lớp trẻ, tạo cơ hội cho họ sáng tạo… là vô cùng quan trọng, tôi sẵn sàng đứng phía sau ủng hộ và giúp họ …
Phim hoạt hình VN đang đứng ở đâu trên thế giới, theo anh?
Những năm 1960, VN là nước đầu tiên ở Đông Nam Á có phim hoạt hình. Nay thì Thái Lan, Philippines đã vượt chúng ta. Họ đều có phim được chọn chiếu trên Cartoon Network (Mỹ) - là kênh truyền hình được tạo lập bởi hãng truyền hình Turner, một kênh hoạt hình vui nhộn và bổ ích dành cho trẻ em trên toàn thế giới.
Cartoon Network phát các bộ phim hoạt hình hay nhất trên toàn thế giới suốt 24/24h, 7 ngày trong tuần. VN chưa có phim hoạt hình nào được chọn. Phim hoạt hình VN đứng rất thấp ngay trong khu vực chứ chưa nói gì đến châu lục…
Xin trân trọng cảm ơn NSND Minh Trí.
Theo Việt Văn
Lao Động