Phim được đề cử 9 giải Oscar bị tố bóp méo sự thật

(Dân trí) - Bộ phim “12 Years A Slave” (12 năm nô lệ), một trong những phim xuất sắc nhất của Hollywood được sản xuất trong năm 2013, phim nhận được 9 đề cử tại giải Oscar 2014, tuy vậy, nhiều học giả và nhân chứng cho rằng phim đã bóp méo sự thật.

Một người đàn ông sống trong xã hội thượng lưu ở miền Nam nước Mỹ hồi giữa thế kỷ 19, ông được coi là người đáng kính trọng trong xã hội lúc bấy giờ. Tuy vậy, hình ảnh ông khi được đưa lên màn ảnh rộng đã khiến nhiều người bất bình khi ông bị khắc họa như thể một “con quỷ dữ”, chuyên dùng roi da tra tấn nô lệ.

Ông là William Prince Ford, một ông chủ đồn điền ở bang Louisiana, Mỹ. Hình ảnh ông đã được khắc họa trong bộ phim bom tấn của điện ảnh Hollywood “12 Years A Slave” (12 năm nô lệ) - phim vừa nhận được 9 đề cử tại giải Oscar.

Bộ phim được làm dựa trên cuốn tự truyện của một nô lệ da đen có tên Solomon Northup. Northup bị bắt cóc vào năm 1841 và bị bán làm nô lệ trong những đồn điền ở miền Nam nước Mỹ. Cuốn tự truyện này được coi là một trong những tác phẩm hấp dẫn và chân thực nhất khắc họa lại thời kỳ chế độ nô lệ tàn ác còn tồn tại trên đất Mỹ.

Phim hiện đang nằm trong top đầu của giải Oscar khi nhận được tới 9 đề cử, trong đó có đề cử cho Phim, Đạo diễn, Nam diễn viên chính, Nam diễn viên phụ và Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. Ngay khi ra mắt, phim đã nhận được nhiều lời khen ngợi và được coi là một trong những phim hay nhất mà Hollywood sản xuất trong năm qua.

Tuy vậy, “12 Years A Slave” vẫn phải đón nhận những lời phê bình, chỉ trích khi một bộ phận khán giả cho rằng phim không chân thực, không phản ánh đúng những gì đã diễn ra trong quá khứ, thậm chí còn bóp méo sự tử tế của ông chủ đồn điền William Ford.

Trong phim, ông Ford hiện lên như một con người độc ác, xảo quyệt, nhưng trong thực tế, ông là người đối xử nhân từ đối với các nô lệ của mình. Trong phim, nhân vật Ford do nam diễn viên Benedict Cumberbatch thủ vai với những nét tính cách xấu xa như vênh vang, đạo đức giả, hèn nhát...

Trong phim, nhân vật Northup không thể hiện bất cứ sự biết ơn nào đối với ông chủ đồn điền William Ford, người đã mua anh về trang trại từ một chợ nô lệ và sau đó đưa anh vào cuộc sống kinh hoàng mà ở đó, bị tra tấn, thậm chí bị giết không phải chuyện lạ.

Trong cuốn hồi ký xuất bản năm 1853, Northup cho biết anh từng là một nông dân đã có gia đình, có đời sống ổn định, là một tay chơi vĩ cầm tài năng, sinh sống tại thành phố New York, thế rồi anh bất ngờ bị bắt cóc và bị bán làm nô lệ ở miền Nam.

Nhưng may mắn, Northup đã gặp được William Ford, sau này, anh đã viết trong hồi ký rằng “có lẽ chưa từng có một ông chủ đồn điền nào tử tế, cao thượng và ngay thẳng hơn ông William Ford”.

Phim được đề cử 9 giải Oscar bị tố bóp méo sự thật

Bức ảnh mờ nhạt ở trên là bức hình duy nhất còn được gia đình ông Ford lưu giữ lại cho tới hôm nay, cho thấy chân dung thật sự của ông. Trong ảnh, ông đang đứng trên trang trại của mình ở làng Cheneyville, bang Louisiana.

Các thành viên trong gia đình nhà Ford vẫn luôn kính trọng ông bởi Ford nổi tiếng là một ông chủ đồn điền hào phóng và đạo đức, sống giữa bối cảnh chế độ nô lệ gặp nhiều khủng hoảng và nô lệ bị đàn áp, giết chóc rất tàn nhẫn.

Ở thời kỳ này, tại miền Nam nước Mỹ, nhiều đạo luật được thông qua nhằm hạn chế mọi quyền của người da màu và nô lệ trong xã hội, họ không được tới trường, không được phép tụ tập đông người…

Tuy vậy, bộ phim “12 Years A Slave” đã đơn giản hóa thực tế xã hội dữ dội và phức tạp diễn ra trong thời kỳ này. Đồng thời, cách khắc họa nhân vật ông chủ đồn điền William Ford như một con người độc ác, giảo hoạt đã cho thấy cách làm phim dễ dãi, tất cả chỉ nhằm đẩy cao kịch tính trong phim.

Phim được đề cử 9 giải Oscar bị tố bóp méo sự thật

Benedict Cumberbatch (trái) vào vai ông chủ đồn điền William Ford, Chiwetel Ejifor (phải) vào vai nhân vật chính của phim - Soloman Northup.

Nhiều hậu duệ nhà Ford hiện vẫn còn sinh sống ở làng Cheneyville. Một trong số này là người chắt trai của ông Ford, năm nay 77 tuổi, tên là William Marcus Ford, ông William cho rằng bộ phim “quá đen tối và đã thổi phồng mọi việc”:

“Dựa trên những tài liệu còn được lưu giữ cho tới ngày hôm nay, cụ cố nhà tôi được coi là một trong những ông chủ đồn điền đối xử nhân từ nhất đối với nô lệ, cụ luôn cố gắng làm được những điều tốt đẹp nhất dành cho họ”.

Ông Ford sinh ra trong một thời điểm đặc biệt của lịch sử Mỹ, khi đó, những người da trắng giàu có được phép sở hữu nô lệ. Tuy vậy, sở hữu nô lệ không đồng nghĩa với đạo đức xấu xa, thực tế, trong cuốn hồi ký của mình, Northup luôn đánh giá ông Ford là một con người nhân từ, đạo đức.

Trong hồi ký, Northup còn cho biết ông Ford đã giải cứu anh khỏi bị hành hình bởi những kẻ phân biệt chủng tộc.

Phim được đề cử 9 giải Oscar bị tố bóp méo sự thật

Nhân vật Northup do nam diễn viên Chiwetel Ejiofor đảm nhiệm. Anh được đề cử ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.

Trailer phim “12 Years A Slave” (12 năm nô lệ).

Phim được đề cử 9 giải Oscar bị tố bóp méo sự thật

Nữ diễn viên Lupita Nyong’o vào vai nô lệ Patsey. Cô được đề cử ở hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất.

Cuộc đời về sau của ông chủ đồn điền William Ford rất khốn khó, khi chế độ nô lệ bị xóa bỏ tại Mỹ, gia đình ông bắt đầu lâm vào cảnh nghèo túng. Ford sớm qua đời ở tuổi 43 và người con trai của ông đã phải bỏ học ở tuổi 13 để có thể đi làm kiếm tiền phụ giúp mẹ.

Một người chắt gái của ông Ford có tên Anne Marie Ford Barrios cho biết gia đình cô vốn luôn tự hào về cụ cố Ford với niềm tin rằng ông là một người chủ đồn điền sống đạo đức với các nô lệ. Cô Barrios còn nhớ, khi cô còn bé, cha của cô luôn nói rằng cụ cố là “một điểm sáng trong bức tranh tối màu” về thời kỳ tồn tại chế độ nô lệ ở miền Nam nước Mỹ:

“Mỗi khi lũ trẻ chúng tôi không ngoan, cha tôi lại lấy cuốn tự truyện của ông Solomon Northup ra và trích dẫn những câu tốt đẹp mà Solomon miêu tả về cụ cố nhà tôi. Sau đó, cha tôi sẽ bảo chúng tôi hãy sống sao cho xứng đáng với cụ. Thật buồn vì hình ảnh của cụ đã bị làm méo mó trong bộ phim 12 Years A Slave”.

 
Bích Ngọc
Theo DM