Phía sau những thước phim khốc liệt, đầy ám ảnh của VTV "Ranh giới"

Nguyễn Hằng

(Dân trí) - Ngay khi phát sóng, "Ranh giới" đã tạo ra cơn sóng bình luận trên mạng xã hội. "Tôi sốc vì những gì diễn ra trước mắt", đạo diễn Tạ Quỳnh Tư nói khi có mặt tại nơi điều trị sản phụ F0 lớn nhất TPHCM.

Với bộ phim tài liệu VTV Đặc biệt "Ranh giới" phát sóng vào 20h10 ngày 8/9 trên kênh VTV1, khán giả được xem sự thật trần trụi và khốc liệt trong quá trình giành giật sự sống của các bệnh nhân mắc Covid-19. Và cũng cảm nhận được sự hi sinh, làm việc liên tục, không phút giây ngơi nghỉ của đội ngũ y bác sĩ trong tuyến đầu chống dịch.

Xem lại VTV Đặc biệt "Ranh giới" với những giây phút đầy ám ảnh

"Ranh giới" mở đầu với hình ảnh các bác sĩ tại Bệnh viện Hùng Vương gọi điện để nhờ sự trợ giúp cho một bệnh nhân Covid-19 cần cấp cứu, đang diễn biến nặng. Sau đó, góc máy quay theo chân các bác sĩ vào từng ngóc ngách của "chiến trường" khu K1 - nơi điều trị sản phụ F0 lớn nhất TPHCM với quy mô 120 giường.

Phía sau những thước phim khốc liệt, đầy ám ảnh của VTV Ranh giới - 1

Hình ảnh trong bộ phim tài liệu "Ranh giới" (Ảnh: VTV).

Các sản phụ FO mỗi người một tình trạng, tâm lý khác nhau trong quá trình điều trị: có bệnh nhân khó thở nhưng không chịu thở bóng, có bệnh nhân lo sợ đòi chuyển viện, thậm chí có sản phụ muốn… bỏ con vì sự đau đớn vượt quá sức chịu đựng. Cũng có bệnh nhân quá hoảng sợ, muốn về nhà, nói qua điện thoại khi được các bác sĩ kết nối với chồng: "Anh ơi, em sợ quá, em muốn gặp con…"

Đối diện với tâm lý yếu mềm, bất ổn của các sản phụ, các bác sĩ không chỉ bình tĩnh cứu chữa mà còn động viên, an ủi giúp bệnh nhân có thêm động lực tích cực.

Ám ảnh khi bác sĩ Nguyễn Thị Thảo (bệnh viện Hùng Vương) buộc phải gọi điện cho chồng một sản phụ để đưa ra quyết định khó khăn: "Tôi đang điều trị cho chị Xuân nhà mình, phổi của chị ý rất kém, nuôi chị ý đã rất khó khăn rồi. Bây giờ có thêm em bé khó khăn gấp đôi. Bệnh viện đã hội chẩn để giảm áp lực oxy mình sẽ lấy em bé ra, nghĩa là mình sẽ chấm dứt thai kỳ này. Em bé mới được 21 tuần. Khi lấy em bé ra thì chắc chắn không nuôi được bé. Đầu tiên làm như vậy để giảm gánh nặng cho bà mẹ thì hy vọng mới cứu được mẹ".

Hình ảnh khác gây xúc động và để lại nhiều ám ảnh cho người xem là bệnh nhân Trần Thị Vân chuyển nguy kịch. Khi tiếng loa báo động của bệnh viện vang lên mời bác về ngay khu K1 vì bệnh nhân nguy kịch. Trong suốt quá trình cấp cứu, nhiều y bác sĩ đã nỗ lực, khẩn trương để cứu bệnh nhân nhưng khi mọi chỉ số về 0, trong phòng chỉ còn lại tiếng tút dài của máy thở thì các y bác sĩ đều thể hiện sự bần thần, bất lực.

"Không cứu được nó đau lắm, khi thấy một bệnh nhân bị vậy nó đau từ trong tim, tất cả bao nhiêu con người mà cũng không cứu được", một bác sĩ trong ê kíp cấp cứu chia sẻ. Hộ sinh Phạm Thị Thùy Trang đau xót: "Ranh giới giữa cái sống và cái chết thật quá mong manh. Khiến mọi người cần sống tử tế và mạnh mẽ hơn".

Khi các bác sĩ liên lạc với người nhà bệnh nhân, bố ruột của bệnh nhân không kiềm chế được, bật khóc: "Ôi sao vội thế! Trời ơi! Trời ơi là con ơi! Cho em gặp con cái đã chứ…"

Bác sĩ Võ Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch Công đoàn, Bệnh viện Hùng Vương đã động viên người nhà và giải thích: "Vân tình trạng nhiễm Covid nặng quy định không được tới gần. Chúng tôi có chụp tấm hình của Vân cho anh xem lúc hồi sức. Cũng như hình phút cuối cho anh coi".

Bộ phim cũng đề cập đến việc thiếu máy móc, trang thiết bị hạn chế khiến việc điều trị bệnh nhân khó khăn hơn.

Bên cạnh những giọt nước mắt còn là nụ cười, tia hi vọng tươi sáng khi các em bé chào đời khỏe mạnh, trong vòng tay yêu thương của những thiên thần áo trắng. Niềm vui của sản phụ khi sức khỏe tiến triển tốt.  "Em vui lắm vì mọi người ở đây thật tốt, giúp đỡ em nhiều quá. Em mong muốn mình mau hết bệnh để được về nhà với chồng con", một sản phụ chia sẻ…

Phía sau những thước phim khốc liệt, đầy ám ảnh của VTV Ranh giới - 2

Những em bé chào đời khỏe mạnh trong vòng tay y bác sĩ (Ảnh: VTV).

Được biết, để có những thước phim đặc biệt như thế này, đó là sự dấn thân, nỗ lực của ê-kip làm phim.

Từ cuối tháng 7/2021, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cùng với 4 đồng nghiệp khác của Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự, Đài Truyền hình Việt Nam được cử đi công tác vào TPHCM - tâm dịch Covid-19 của cả nước. Nhóm 5 người gồm đạo diễn, quay phim, biên tập viên chia làm hai ê-kíp sản xuất, một nhóm vào tác nghiệp tại các bệnh viện dã chiến, thực hiện phóng sự, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và quay phim Viết Phong vào khu K1 - bệnh viện Hùng Vương.

"Nhóm có năm anh em từ Hà Nội vào, thì phải chia thành hai kíp. Ở chung một khách sạn, nhưng tách riêng hai tầng biệt lập không tiếp xúc với nhau. Vì đều phải ra vào thường xuyên những khu vực nguy cơ, và tiếp xúc với quá nhiều người, nên tách nhau ra nếu kíp này bị nhiễm, thì vẫn còn kíp khác để làm việc", biên tập viên Thanh Hoa, thành viên của nhóm chia sẻ với phóng viên Dân trí.

Biên tập viên Thanh Hoa chia sẻ thêm: "Có lần vô tình nhìn thấy anh Tạ Quỳnh Tư và Viết Phong Kiều dưới sân, mặt thẫn thờ. Đến tối gọi điện hỏi thăm mới biết, hôm đó hai anh sốc, vì một nhân vật chính trong phim đã qua đời…

Một phụ nữ mang thai, sinh con, lẽ ra đã là niềm hạnh phúc tràn ngập của bao người, lại bị Covid-19 cướp đi. Để lại cho người thân những ám ảnh khôn nguôi. Ở bên nhân vật nhiều ngày, chờ ghi lại hình ảnh em bé ra đời trong niềm xúc động, thì điều ấy vĩnh viễn không xảy ra. Đó cũng là sự ám ảnh không thể quên với những người chứng kiến".

Phía sau những thước phim khốc liệt, đầy ám ảnh của VTV Ranh giới - 3

Vừa cứu chữa, các y bác sĩ vừa kết nối với người nhà động viên tinh thần bệnh nhân (Ảnh chụp màn hình).

Về đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, anh nói: "Tôi sốc vì những gì diễn ra trước mắt".

"Đúng là lúc đó tôi bị sốc, sốc bởi khác xa với những gì mình được xem, được nhìn. Được chứng kiến những cái giây phút mà người bệnh nhân sợ không thở được và thèm thở, muốn thở thì nó mới khủng khiếp như thế nào. Người bình thường thở đã khó, thai phụ thở cho hai người còn khó gấp đôi. Tôi sốc khi chứng kiến, nhìn tận mắt, thấy bệnh nhân chỉ trong tích tắc vừa nói chuyện, vừa được mình giơ tay động viên cố lên thì chỉ 2 phút sau ngoảnh lại đã nằm bất động và các bác sĩ đang phải dồn lực để nhấn tim cho thai phụ đấy.  Từ đó tôi mới thấy là sao cuộc sống con người mỏng manh, dễ dàng mất đi như thế trong mùa dịch này. Chính điều đấy khiến cho tôi sốc và tự ngẫm trân trọng cuộc sống, quý trọng hơi thở mình đang có hơn.

Điều khiến tôi sốc nữa khi bác sĩ lựa chọn cứu mẹ hay cứu con. Họ đã bàn bạc rất kỹ nhưng công việc buộc họ phải lựa chọn cứu một trong hai. Rồi từ đó mình thấy có những việc ta được lựa chọn nhưng có những cái ta không được lựa chọn. Bác sĩ tâm sự ngày xưa nếu cứu chữa bệnh nhân theo phác đồ đấy, quy trình đấy phương thức đấy thì tự tin sẽ cứu được bệnh nhân nhưng đối với bệnh nhân thai phụ mắc Covid-19 thì niềm tin đấy không còn nữa, bản thân các bác sĩ nói nó cũng mong manh quá, không còn cho mình quyền quyết định cứu được hay không", đạo diễn Tạ Quỳnh Tư chia sẻ trên VTV.

Sau tập 1 phim tài liệu đặc sắc "Ranh giới", vào 20 giờ 10 phút ngày 22/9, VTV sẽ phát sóng tập 2 "Ngày con chào đời", hứa hẹn những điều xúc động cũng như những niềm tin tươi sáng về ngày dịch bệnh sẽ qua đi.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định hỗ trợ mức 1 triệu đồng cho mọi trẻ em là con của phụ nữ F0 sinh từ 27/4/2021 đến 31/12/2021 từ nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.