Phát hiện số lượng lớn đạo sắc phong cổ thời Lê - Nguyễn

(Dân trí)- Gần 140 đạo sắc phong bằng văn tự Hán-Nôm cổ thời Lê-Nguyễn vừa mới được phát hiện tại một ngôi đến cổ thuộc xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).

Trong quá trình thực hiện chuyên đề nghiên cứu về văn tự cổ, nhóm khảo cứu Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện số sắc phong cổ nói trên tại khu vực Đền Cả, mà người dân địa phương thường gọi là Miếu Ngu thuộc địa phận xã Thạch Trị (huyện Thạch Hà), bao gồm 139 đạo sắc phong cổ còn nguyên vẹn và một số sắc phong khác đã mục được viết bằng chữ Hán cổ trên giấy gió với nét chữ mảnh, rõ và sắc nét, có niên đại thời Lê, niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) và triều Nguyễn (1802-1925).
Toàn bộ số đạo sặc phong vừa được phát hiện tại Đền Cả
Toàn bộ số đạo sặc phong vừa được phát hiện tại Đền Cả

Qua tìm hiểu ban đầu được biết, một số sắc phong thần cho đền Cả và phần lớn số lượng sắc phong trên được hợp tự từ các ngôi đền đã bị phế tích trên địa bàn xã Thạch Trị và các xã xung quanh, hiện nay đang được lưu giữ và bảo quản tại đây.

139 đạo sặc phong vẫn còn nguyên hiện trạng
139 đạo sặc phong vẫn còn nguyên hiện trạng

Theo ông Lê Bá Hạnh – phó Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho biết: Hiện nay nhóm các nhà khảo cứu đang tiếp tục tìm hiểu nội dung các sắc phong cổ vừa được phát hiện trên và sắp tới Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh sẽ phối hợp với Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế và Thư viện khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh số hóa dữ liệu các nguồn tư liệu Hán nôm cổ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, trong đó có nguồn tư liệu sắc phong cổ, để phục vụ cho công tác nghiên cứu khai thác và lưu giữ bảo quản lâu dài.

Đây là nguồn tư liệu văn tự Hán Nôm cổ có giá trị quý hiếm, với số lượng lớn nhất lần đầu tiên được phát hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh được lưu giữ ở tại một ngôi đền cổ.

 
Phượng Vũ 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm