Phát hiện nhiều mộ cổ, cổ vật quý ở di tích quốc gia Tam Chúc
(Dân trí) - Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy trên vùng đất này nhiều sinh vật, nhuyễn thể như ốc biển, sò biển, nhiều di vật, cổ vật quý là dấu tích của văn hóa Đa Bút, văn hóa Đông Sơn…
Quần thể danh thắng Tam Chúc nằm trên địa phận thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong (huyện Kim Bảng, Hà Nam). Đây là vị trí tiếp giáp giữa 3 địa phương Hà Nội, Hòa Bình và Hà Nam.
Nằm bao quanh quần thể còn có các di tích đã được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia như: Căn cứ Lạt Sơn nơi thờ nữ tướng Lê Chân (xã Thanh Sơn); Danh lam thắng cảnh Bát Cảnh Sơn (xã Tượng Lĩnh), Chùa Bà Đanh - Núi Ngọc (xã Ngọc Sơn) và đền Trúc Ngũ Động Sơn (xã Thi Sơn)….
Dư luận những ngày qua đặc biệt quan tâm đến thông tin quần thể Tam Chúc được công nhận là di tích quốc gia. Đại diện Cục Di sản văn hóa mới đây đã chia sẻ cụ thể hơn về những tiêu chí giúp Tam Chúc trở thành di tích quốc gia, trong đó nhấn mạnh các giá trị về cảnh quan, khảo cổ học, địa chất địa mạo, du lịch...
Cảnh quan thiên nhiên đặc biệt
Theo Cục Di sản văn hóa (Bộ VH, TT&DL), quần thể danh thắng Tam Chúc thể hiện một cảnh quan tháp karst đá vôi nhiệt đới ẩm nổi bật tương tự như ở Tràng An (Ninh Bình). Sự phát triển địa hình qua hơn 5 triệu năm đã hình thành nên một vẻ đẹp nguyên sơ. Các ngọn núi tháp vách được phủ bởi thảm rừng, các bồn trũng, hang động và suối ngầm.
Trong điều kiện không gian địa lý, quần thể danh thắng Tam Chúc mang yếu tố đại diện cho sự tiến hóa, phát triển các hệ sinh thái trên mặt đất, trong nước ngọt, nước biển…
Nơi đây có hai dạng địa hình chính. Địa hình núi đá vôi tạo thành dải, bị phân cắt mạnh, sườn dốc đứng, có nhiều đỉnh nhọn. Độ cao tuyệt đối lớn nhất khoảng 419m, bao bọc các thung lũng, tập trung chủ yếu ở các khu vực: Thị trấn Ba Sao, Thung Vạc, hồ Ba Hang, Địa hình đồng bằng ở các thôn Vồng, thôn Khuyến Công và thôn Khả Phong…
Ngoài ra còn nhiều khu vực tương đối bằng phẳng với hệ thống ruộng thấp và sông hồ. Nơi đây có nhiều loài thực vật quý như: cây chìa vôi, cây kim ngân, xạ đen, xạ trắng, củ bình vôi, lạc tiên, quả cây hoa giun, chè vằng, cây vòi voi, sâm ngọc linh…
Hệ sinh thái hồ Tam Chúc gồm các loài thủy sản như cá, tôm, cua, trong đó, cá trối là một loài cá quý hiếm, hiện đang nghiên cứu bảo tồn tại hồ Tam Chúc. Các loài chim di cư đã bắt đầu xuất hiện thường xuyên hơn.
Đặc biệt, tại chính khu vực này, các nhà khoa học đã phát hiện một quần thể voọc mông trắng, loài linh trưởng quý hiếm với số lượng lên đến gần 100 con.
Theo khảo sát, khu bảo tồn có khoảng 129 loài động vật sinh sống bao gồm 36 loài thú, 65 loài chim, 28 loài bò sát. Hiện nay, khu vực này đang được tỉnh Hà Nam nghiên cứu xác lập khu bảo tồn. Khu vực dự án bảo tồn còn bao gồm những dãy núi đá vôi, xen kẽ giữa các dãy núi là các đồi sa thạch, phiến thạch và các thung lũng hẹp.
Phát hiện nhiều cổ vật quý
Tam Chúc - Ba Sao là vùng đất cổ được hình thành từ hàng triệu năm về trước. Năm 2021 các chuyên gia Viện khảo cổ và Bảo tàng tỉnh Hà Nam đã tiến hành điều tra, khảo sát, phát hiện hàng chục hang động, mái đá, giếng Cacxtơ, cồn hến…
Những nghiên cứu khảo cổ học đã chứng minh Tam Chúc là nơi cư trú của người Việt cổ, chịu tác động, ảnh hưởng rất sớm của nền văn hóa Hòa Bình cách ngày nay khoảng 10.000 cho đến 30.000 nghìn năm.
Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy trên vùng đất này nhiều sinh vật, nhuyễn thể như ốc biển, sò biển, nhiều di vật, cổ vật quý (trống đồng, mộ cổ, cuốc, rìu đồng, dao gặt lúa, lưỡi cày chìa vôi, giáo, chậu đồng) là dấu tích của văn hóa Đa Bút, văn hóa Đông Sơn...
Các nhà khảo cổ đánh giá, những thông tin thu được qua các di vật, cổ vật giúp làm phong phú di sản và sự hiểu biết về hành vi của người xưa.
Quần thể di tích này còn lưu giữ những huyền tích về lịch sử hình thành và phát triển của Phật giáo, tín ngưỡng bản địa Việt Nam trải qua các triều đại trong lịch sử dân tộc.
Giá trị văn hóa phi vật thể và giá trị về mặt du lịch
Lễ hội chùa Tam Chúc là biểu hiện cho sức sống mãnh liệt của văn hóa cội nguồn. Lễ hội vừa là nơi thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta, vừa là môi trường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ, góp phần hun đúc lòng tự hào, tình yêu quê hương đất nước.
Nơi đây bảo lưu nhiều câu chuyện cổ dân gian, huyền tích, truyền thuyết, diễn xướng văn hóa dân gian, các nghi thức tôn giáo, tín ngưỡng đặc sắc, góp vào việc nghiên cứu đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ta trong suốt quá trình chinh phục thiên nhiên, cải tạo xã hội.
Quần thể danh thắng Tam Chúc đã được quy hoạch là khu du lịch trọng điểm quốc gia, có diện tích 5.100 ha. Theo quy hoạch, khu vực này có diện tích vùng lõi là 4.000 ha bao gồm toàn bộ thị trấn Ba Sao và một phần diện tích xã Khả Phong.
Trong Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định Tam Chúc là 1 trong 9 khu du lịch của vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc. Đây cũng là 1 trong 47 khu du lịch của cả nước có tiềm năng phát triển trở thành Khu du lịch quốc gia.
Các sản phẩm du lịch chính của Tam Chúc gồm: Du lịch văn hóa, lễ hội; Du lịch tham quan sinh thái hồ Tam Chúc; Du lịch cộng đồng gắn với hệ sinh thái nông nghiệp. Bên cạnh đó còn có các sản phẩm bổ trợ như: Du lịch ẩm thực, mua sắm; Du lịch tổ chức sự kiện, hội nghị hội thảo (MICE); Du lịch thể thao...
Theo Cục Di sản Văn hóa, việc công nhận quần thể Tam Chúc là di tích quốc gia nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản, cảnh quan thiên nhiên và xã hội nhân văn.
Từ đó tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng cho các thế hệ, đồng thời đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí của nhân dân địa phương, du khách trong và ngoài nước.