Bình Định:
Phát hiện nhiều hiện vật gốm Champa cổ niên đại 700 năm
(Dân trí) - Nhiều đồ gốm Champa cổ quý giá cùng 6.000 mảnh vỡ có niên đại 700 năm vừa được các nhà khảo cổ phát hiện tại di chỉ gò Cây Me (thôn Đại Bình, xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, Bình Định).
Ngày 24/10, PGS. TS Lại Văn Tới - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết, sau 20 ngày khai quật, hiện đã tìm thấy nhiều đồ gốm Champa cổ quý giá như: bát, đĩa, bình… cùng 6.000 mảnh vỡ có niên đại 700 năm tại di chỉ gò Cây Me.
Theo ông Tới, gò Cây Me là 1 trong 5 trung tâm sản xuất gốm lớn ở Bình Định (gò Sành, gò Cây Me, gò Ké, gò Hời và Trường Cửu) nằm dọc đôi bờ sông Kôn, vùng đất gắn liền với lịch sử của các kinh đô cổ của người Chăm (thế kỷ XI-XV).
Sau khi được Bộ VH-TT&DL cấp phép, ngày 1/10 Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành đã phối hợp với Bảo tàng Bình Định đã tiến hành khai quật tại gò Cây Me, 4hố trên diện tích 400m2.
Qua khai quật, đã phát hiện 3 hố có lò nung từ thế kỷ XV, trong đó có 2 lò nguyên vẹn phần hầm lò, ống khói, tường cao khoảng 8m.
Tại các hố khai quật, Trung tâm đã thu được nhiều hiện vật gốm cổ quý giá như: bát, đĩa, bình, ấn chạm khắc hình rồng phượng… được chia thành 3 loại: gốm hoa nâu, men ngọc xanh, men trắng từ thế kỷ XIV, niên đại 700 năm.
Đặc biệt, phát hiện này mang ý nghĩa rất quan trọng để so sánh, đánh giá trong Hội thảo “Gốm cổ Bình Định - Vương quốc Vijaya và mối quan hệ với Kinh đô Thăng Long - Đại Việt thế kỷ XI-XV. Dự kiến hội thảo này, sẽ diễn ra trong 2 ngày (27 và 28/10) tại TP Quy Nhơn, Bình Định với sự tham gia các học giả, nhà nghiên cứu trong nước và 30 nước trên thế giới.
Doãn Công