Phát hiện chấn động về người Việt cổ cách nay 80 vạn năm ở Gia Lai

(Dân trí) - Sáng nay (11/4), Viện Khảo cổ, Viện Hàn Lâm Khao học Xã hội Việt Nam đã công bố kết quả sơ bộ những phát hiện về sự xuất hiện của người Việt cổ tại thị xã An Khê, Gia Lai.

Được triển khai từ tháng 6/2014, đoàn cán bộ của Viện Khảo cổ học cùng với Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk, Viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa Liên bang Nga, đã khảo sát và phát hiện trên 20 di tích, trong đó có 5 di tích thời đại Đá cũ ở thị xã An Khê, huyện Gia Lai.

Tháng 11/2015, khi khai quật di tích Gò Đá (phường An Bình, thị xã An Khê), các nhà khảo cổ học đã tìm thấy 58 hiện vật đá gồm: 9 công cụ mũi nhọn, 5 công cụ chặt kiểu chopper, 9 nạo, 2 hòn ghè, 6 công cụ mảnh tước, 3 công cụ hạch không địa hình, 12 mảnh tước, 12 hạch đá cùng với 21 mảnh hóa thạch (tectit) phân bố trong lớp văn hóa chứa công cụ đá, được cho là rơi từ vũ trụ xuống khi các tầng văn hóa đã và đang hình thành.

Toàn cảnh buổi công bố kết quả khảo cổ học sơ kỷ thời đại Đá cũ ở Việt Nam. Ảnh: HTL.
Toàn cảnh buổi công bố kết quả khảo cổ học sơ kỷ thời đại Đá cũ ở Việt Nam. Ảnh: HTL.

Ở cụm di tích Rộc Tưng (xã Xuân An, thị xã An Khê), đoàn khảo cổ đã khai quật 2 địa điểm gồm Rộc Tưng 1 (diện tích 48m2) và Rộc Tưng 4 (diện tích 20m2) cũng tìm thấy tổng cộng 123 hiện vật đá các loại cùng 127 mảnh tectit.

Trong thời gian khai quật năm 2016, đoàn đã khảo sát một số di tích đã biết trước đây như Rộc Hương, Rộc Giáo, Rộc Lớn và Gò Đá; phát mới di tích Rộc Nếp (xã Cửu An) và phát hiện mới 2 rìu tay (handaxe) - điển hình cho rìu tay sơ kỳ Đá cũ thế giới.

Đáng chú ý nhất là đã phát hiện 11 di tích Đá cũ sơ kỳ nằm xung quanh khu vực Rộc Tưng, chúng tập hợp thành một quần thể di tích tập trung trong thung lũng bồn địa xã Xuân An, thị xã An Khê.

Phát hiện chấn động về người Việt cổ cách nay 80 vạn năm ở Gia Lai - 2
Cảnh các chuyên gia khai quật khảo cổ tại các điểm khảo sát di tích ở An Khê. Ảnh: HTL.
Cảnh các chuyên gia khai quật khảo cổ tại các điểm khảo sát di tích ở An Khê. Ảnh: HTL.

Đánh giá bước đầu, các nhà khoa học cho rằng, các phát hiện di tích sơ kỳ Đá cũ ở An Khê là bằng chứng khẳng định thượng lưu sông Ba, vùng An Khê là địa bàn sinh sống của cộng đồng dân cư cổ cách đây khoảng trên dưới 80 vạn năm. Đây cũng tạm thời được xem như là mốc mở đầu cổ nhất hiện biết về sự xuất hiện của con người và di tồn văn hóa của họ trên lãnh thổ Việt Nam.

Những phát hiện công cụ ghè hai mặt và rìu tay ở An Khê không chỉ bác bỏ quan điểm: “Ở phương Tây sớm xuất hiện rìu tay, thể hiện cho sự tiến bộ, năng động của con người; còn phương Đông bảo lưu lâu dài công cụ cuội ghè đẽo thô sơ dạng chopper, thể hiện cho khu vực bảo thủ, trì trệ, lạc hậu và hầu như không có đóng góp gì cho nhân loại” mà còn bổ sung tư liệu mới vào bản đồ phân bố sự xuất hiện và tiến hóa của loài người trên thế giới.

PGS.TS Nguyễn Giang Hải - Viện trưởng Viện Khảo cổ học khẳng định, đây là niềm vui lớn của ngành khảo cổ học Việt Nam, có ý nghĩa không chỉ trong phạm vi quốc gia và còn là niềm tự hào của cả khu vực Đông Nam Á. Nó có ý nghĩa bản lề trong việc nhận thức về sự tồn tại về thời Đá cũ ở khu vực Đông Nam Á, bổ sung điểm trống mà rất nhiều năm qua các nhà khoa học chưa thể làm rõ. PGS.TS Nguyễn Giang Hải cũng cho biết, tháng 3/2017, Viện Khảo cổ học sẽ tiếp tục khai quật và mở rộng vùng nghiên cứu các di tích khảo cổ học sơ kỳ Đá cũ ở khu vực An Khê, Gia Lai. Ông cũng kiến nghị Bộ VH,TT&DL xem xét công nhận đặc cách di tích An Khê, Gia Lai là Di tích quốc gia đặc biệt.

Các hiện vật bằng đá khai quật được trong cuộc khai quật ở An Khê.
Các hiện vật bằng đá khai quật được trong cuộc khai quật ở An Khê.

GS.TSKH Lưu Trần Tiêu cũng chia sẻ rằng, đây là phát hiện cực kỳ quan trọng. Đứng về mặt niên đại, đây là những hiện vật thời đại đồ Đá cũ mà chúng ta có thể tự hào. Tuy nhiên, theo GS.TSKH Lưu Trần Tiêu cần xem lại niên đại tuyệt đối bởi niên đại cụ thể mà chỉ dựa vào tectit là chưa chuẩn.

“Cần phải đưa các nhà địa chất vào xác định địa tầng. Ngoài ra, cần phải xác định bằng các phương pháp khác. Rìu tay và các hiện vật đồ đá… cần căn cứ vào đó để tìm niên đại chính xác. Cần phải chờ thời gian để nghiên cứu tiếp. Nghiên cứu kỹ thuật rèn bằng cách phóng đại dưới kính hiển vi. Nên mời các chuyên gia địa chất vào cuộc vì trong nhiều cuộc địa chất tìm niên đại, địa tầng rất tốt”, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu nhấn mạnh.

Phát hiện chấn động về người Việt cổ cách nay 80 vạn năm ở Gia Lai - 5
Phát hiện chấn động về người Việt cổ cách nay 80 vạn năm ở Gia Lai - 6
Phát hiện chấn động về người Việt cổ cách nay 80 vạn năm ở Gia Lai - 7
Phát hiện chấn động về người Việt cổ cách nay 80 vạn năm ở Gia Lai - 8
Các hiện vật thu được chứng minh sự có mặt của người Việt cổ cách đây 80 vạn năm ở An Khê. Ảnh: HTL.
Các hiện vật thu được chứng minh sự có mặt của người Việt cổ cách đây 80 vạn năm ở An Khê. Ảnh: HTL.

TS Ngô Thế Phong - Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cũng rất xúc động khi nghe công bố những phát hiện về sự xuất hiện của người Việt cổ tại thị xã an Khê, Gia Lai. Ông chia sẻ rằng, bản thân hiện vật thời kỳ đồ Đá cũ còn lại rất ít và những gì chúng ta tìm được là cực quý. Và những hiện vật đồ Đá cũ đã phát hiện không thể nghi hoặc được nữa rồi bởi các nhà khảo cổ có kinh nghiệm cầm trong tay thì không thể nghi hoặc.

Tuy nhiên, ông hơi tiếc là về mặt địa tầng, mới phát hiện được công cụ, chưa phát hiện được cổ nhân, cổ sinh. Nếu năm tới, khi mở rộng khai quật mà tìm thấy dấu vết cổ nhân và cổ sinh sẽ cực kỳ thuyết phục.

Hà Tùng Long