Phát hành phim trên YouTube: Ai xử?
Cục Điện ảnh vừa có công văn gửi Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), Ban Tuyên giáo trung ương, Cục A83, Cục A87 - Bộ Công an thông báo về những sai phạm của việc sản xuất, phát hành phim Căn hộ số 69.
Gắn mác 18+, Căn hộ số 69 đề cập chuyện tình yêu, tình dục, tình bạn của người trẻ tuổi sống ở thành thị. Liên quan đến chủ đề nhạy cảm, nhà sản xuất bộ phim thừa biết không có cơ hội phát hành qua đường chính thống nên chọn phát trên kênh YouTube. Sau khoảng 2 tuần tung lên YouTube, đến ngày 21-6, tập 1 của Căn hộ số 69 đã đạt hơn 2 triệu lượt xem, chưa kể được phát lại trên nhiều trang mạng khác với lượt xem tăng chóng mặt dù nội dung phim khá nhạt nhẽo, nhiều cảnh nóng rất vô duyên.
Một cảnh trong phim Căn hộ số 69
Mãi tới khi lượt xem Căn hộ số 69 chạm mốc 2 triệu, Cục Điện ảnh mới có công văn gửi các cơ quan chức năng đề nghị xử lý nhà sản xuất bộ phim này. Lý giải của cục là theo Luật Điện ảnh, mọi đơn vị, tổ chức, cá nhân muốn sản xuất phim để phát hành dưới bất kỳ hình thức nào (kể cả trên mạng internet) thì cơ sở đó đều phải có chức năng sản xuất phim, tức là được cấp giấy phép. Trong khi đó, Căn hộ số 69 hoàn toàn do cá nhân sản xuất mà không được cấp giấy phép, có nghĩa là đã phạm luật.
Thêm vào đó, nhà sản xuất bộ phim này cũng vi phạm điều 51 trong Luật Điện ảnh về hành vi vi phạm trong phổ biến phim (chiếu phim, phát sóng phim chưa có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền). Bộ phim này cũng sai phạm khi tự gắn mác 18+ cho phim trong khi hệ thống phân loại phim của Việt Nam hiện chỉ có 3 hình thức: cấm phổ biến, cho phép phổ biến rộng rãi và hạn chế khán giả dưới 16 tuổi. Như vậy, theo Cục Điện ảnh, chưa bàn đến nội dung, Căn hộ số 69 đã vi phạm hàng loạt điều khoản trong Luật Điện ảnh về việc sản xuất và phát hành phim.
Sau công văn của Cục Điện ảnh, chắc chắn các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để xử lý nhà sản xuất bộ phim. Nhưng vấn đề ở đây là việc xử lý những bộ phim gắn mác người lớn trên kênh YouTube có quá sức đối với Bộ VH-TT-DL? Thực tế, các bộ phim muốn được phát sóng hay chiếu rạp đều phải qua kiểm duyệt của Hội đồng Duyệt phim quốc gia hoặc hội đồng duyệt của các đài truyền hình. Thế nhưng, với phim chỉ phát hành trên mạng thì chưa có bất cứ chế tài nào để ngăn chặn, đặc biệt với những trường hợp “rác” văn hóa.
Việc quản lý phim phát hành trên mạng hiện nay gần như không thể. Bộ VH-TT-DL từ trước đến giờ không có chức năng giám sát, quản lý các nội dung đăng tải trên internet, các trang mạng xã hội cũng không kiểm duyệt nội dung một bộ phim trước khi đăng tải và chỉ gỡ bỏ nó nếu có nội dung xấu hay vi phạm bản quyền. Điều này khiến rất nhiều người lo lắng bởi sẽ rất khó trong việc kiểm soát người xem và hậu quả đôi khi sẽ khôn lường. Vấn đề đặt ra là Luật Điện ảnh phải có những quy định cụ thể đối với việc “lách luật”, né kiểm duyệt, vốn sẽ ngày càng phổ biến hơn trong việc phát hành phim của các nhà sản xuất?
Theo Hoàng Lan Anh
Người lao động