Phan Quang- Bạn và nghề: Đừng mơ màng chuyện viển vông

Chuyện khó khăn, thử thách trong cuộc sống, trong gia đình, trong từng cá nhân… ở đâu mà chẳng có, nước giàu, nước nghèo đều có, vì ở đó có… con người.

Những ngày đầu năm 2011, rét lạnh, rét hại tràn về các tỉnh phía Bắc, tôi gặp nhà báo lão thành Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nghe tiếng chào hỏi rổn rảng của tôi: "Kính chào nhà báo lão thành", ông cười tươi, cho rằng "lão" thì còn "khả dĩ", những "thành" thì chưa, vì ông mới chạm ngưỡng… 84 mùa xuân.

 

Cái thuở ban đầu…  đăng báo ấy

 

Phan Quang là lớp người trưởng thành trong kháng chiến, vào nghề là chuyện tình cờ chứ không hề biết, cũng không hề được ai định hướng, hoặc có định hướng như lớp trẻ bây giờ. Ông tham gia cách mạng Tháng Tám. Đầu năm 1948, ông và một số người cùng trang lứa có ít nhiều chữ nghĩa, được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (người lãnh đạo chủ chốt ở Liên khu IV), chọn cho tiếp tục con đường học vấn để chuẩn bị  đưa ra nước ngoài đào tạo.

 

Thế những trong quá trình học tập, ông có tham gia viết… báo tường. Ngờ đâu, chút "năng khiếu" ấy được cấp trên để ý và năm 1948 được điều về làm báo Cứu quốc (Liên khu IV) với những người nổi tiếng như Chế Lan Viên, Hoàng Yến, Gia Ninh, Nguyễn Văn Thương… Vào báo Cứu quốc, chàng trai trẻ Phan Quang Diêu như nguời mới biết quậy nổi bị ném xuống dòng sông lớn, nên phải cố sức mà quậy, cố sức mà bơi để không bị chết chìm. Và đến ngày 9- 11- 1948, với bút danh Hoàng Tùng, ông có bài đăng trên báo Cứu quốc. Niềm vui ấy thì khỏi phải nói. Theo ông, bây giờ đã qua đẳng tuổi đại thọ bát tuần, ấy mà có dịp nghĩ tới vẫn thấy… lâng lâng.
 
Nhà báo Phan Quang

Nhà báo Phan Quang

 

Nhớ lại, "Cái thuở ban đầu… đăng báo ấy!", thật thú vị. Ông kể, lâu lắm rồi, tình cờ bắt gặp hai tờ báo Cứu quốc (Liên khu IV), giấy sắp mủn tới nơi, trong đống tài liệu cũ. Giở nhẹ từng trang, ông thấy có bài phóng sự của mình viết về một công binh xưởng của dân quân tỉh Thanh Hoá sản xuất lựu đạn. Cố gắng đọc hết bài báo, ông thấy lòng rưng rưng, từng con người, từng sự việc và những tháng ngày gian lao mà anh dũng của dân tộc như mới ngày qua, ngày kia… Bài báo ấy không chỉ giúp ông "gặp lại" cái thời tuổi trẻ, mà còn động viên ông hãy sống cho xứng đáng với những người ngã xuống cho đất nước này.

 

Vào nghề báo, lại được gần các bậc đàn anh văn chương chữ nghĩa đầy mình, nên ông cũng… bị lây và mày mò sáng tác. Truyện Lửa hồng của ông được chọn đăng trên báo Cứu quốc, số đặc biết Tết Kỷ Sửu (tháng 1- 1949). Đúng là "gần mực thì đen, gần đèn thì rạng". Theo nhà văn, nhà báo Phan Quang, đó là mấy cột mốc đáng nhớ trong đời viết báo, viết văn của mình. Cái niềm vui có bài đăng báo, có sách được in được ông giữ mãi đến tận bây giờ. Ai nghĩ sao không biết, chứ với ông, hễ thấy báo có đăng bài của mình là vui lắm, mua ngay và đọc ngay; thấy nhà sản xuất có in sách của mình là mua liền mấy cuốn, ký tặng bạn bè. Nhìn lời đề tặng kèm theo chữ ký của mình là ông thấy đời tươi roi rói. Phải chăng vì vậy mà ông khoẻ hơn, vui hơn, thọ hơn nhiều so với những người cùng thời? Qua mấy lần trò chuyện, tôi tin như thế.

 

"Đi thì nhớ vợ  cùng con…"
 

Nếu nhìn vào đầu sách được xuất bản, thì Phan Quang thuộc vào "danh sách" những người viết nhiều, nhưng tôi thích nhất những tập bút ký của ông. Đọc những bút ký của Phan Quang, tôi thấy như mình được "hiển hiện" nơi ông đến và viết. Paris- thủ đô nước Pháp, sách báo viết đã nhiều. Xưa nay, người Việt Nam đặt chân đến Paris, về nhà giới thiệu cho người đọc biết một thành phố Paris xinh đẹp, thành phố của ánh sáng… Nhưng khi đọc “Paris đời thường” của Phan Quang, thì lại có sức hấp dẫn khác.

 

Về đại lộ Montparnasse, ông cho biết vẫn là một trong những con đường đẹp nhất Paris, nhưng "bóng dáng những danh nhân thấp thoáng trên con đường ngày xưa, nay không còn nhiều", nhưng nó đi vào chiều sâu. "Những người dân Montparnasse lớn tuổi xưa nay vẫn tự hào mình là những Montparnos đích thực mang hoài niệm về một thời chưa xa, khi hơi thở ở khối phố này còn rập theo nhịp thở các danh nhân có mặt thâu đêm suốt sáng ở các nhà hàng nghệ sĩ và quán cà phê văn học". Đô thịp hoá ư? Trùng tu theo kiểu làm mới của ta? Không phải. Phan Quang lý giải: "Thời đại đã đổi thay. Đối với người Pháp, sự đổi thay đặc biệt mạnh mẽ là từ sau sự kiện tháng 5 năm 1968, sinh viên nổi loạn, rời bỏ giảng đường phản đối chế độ giáo dục cũ kỹ, rồi kéo xuống đường ào ạt mít tinh, biểu tình, xung đột với cảnh sát. Mười triệu công nhân,  viên chức, theo lời kêu gọi của các tổ chức công đoàn, tổng đình công. Tổng thống De Gaulle lo sợ trước phong trào quần chúng, phải tạm lánh mấy ngày sang một đơn vị quân đội Pháp đồn trú tận bên đất Đức. Lớp trẻ phủ định nếp sống cố hữu, vứt bỏ khỏi cuộc sống thường ngày bộ com lê cà vạt của đàn ông và các nịt ngực đàn bà, để thay vào đó chiếc áo phông, cái quần bò hoặc chiếc váy mini vô cùng thoải mái. Xu thế chung là đòi hỏi nhiều phóng khoáng cá nhân hơn cho tuổi trẻ, nhiều bình đẳng  xã hội hơn cho phụ nữ, nhiều tự do hơn nữa cho các thế hệ ra đời sau chiến tranh thế giới". Những dòng chữ ấy cứ buộc tôi phải suy ngẫm về một lớp người còn trẻ đã toan về già…

 

Đến Trung Quốc, Phan Quang cũng có cái nhìn mới: "Khách du lịch càng đông, nền công nghiệp sạch càng phát triển, thì vẻ hoang sơ càng lùi dần. Vạn Lý Trường Thành, ít ra là những nơi ta thường viếng thăm, theo cảm nghĩ của tôi - chẳng bao lâu nữa có nguy cơ bị đô thị hoá". Theo ông, một ngày không xa, du khách đến Vạn Lý Trường Thành sẽ trở thành… hảo hán (Bất đáo Trường Thành phi hảo hán) tuốt tuồn tuột là nhờ… cáp treo, chứ không cần phải đi bộ. Tuy ông không nói đến cái buồn của người am hiểu lịch sử- văn hoá, nhưng người đọc dễ nhận ra đó là nỗi buồn không chỉ riêng ai.

 

Cái thú nhất khi đọc bút ký của Phan Quang là sự chiêm nghiệm của riêng Phan Quang qua sự trải đời và hiểu biết của mình, chứ không phải thấy gì chép nấy. Những dù đi đâu, ở đâu Phan Quang vẫn là Phan Quang. Đi thì nhớ vợ cùng con/ Ở nhà nhớ củ khoai môn trên rừng…

 

"Cây đời mãi mãi xanh tươi"

 

Qua những tác phẩm của Phan Quang,  và những lần trò chuyện, tôi học được ở ông rất nhiều từ kiến thức đến cách nhìn nhận cuộc đời. Cùng một vấn đề, nhưng khi qua "bộ lọc" của ông, thì không giống như những gì tôi đã biết.

 

Một thời, chúng ta thường nói hội nhập, hoà nhập chứ không hoà tan…, nghe cũng sướng. Nhưng với Phan Quang, thì cứ theo ông cha: học thầy không tày học bạn. Phải biết học bạn, song học rồi phải hành theo cách của ta,  phù hợp với văn hoá của ta, chứ không rập khuôn ai cả. Cuộc sống chúng ta bây giờ có khá hơn, nhưng vẫn còn là nước nghèo. Chúng ta phải chân thành học tập kinh nghiệm nước ngoài, song không sùng ngoại và càng không nên bài ngoại. Cũng đề tài này, có lần ông khẳng định không có hội nhập văn hoá theo nội hàm của hai từ hội nhập thời hiện đại (tiếng Anh, tiếng Pháp đều gọi là integration) mà là sự mở rộng giao lưu, hợp tác với nước ngoài, là xúc tiến đối ngoại, giao thương, đấu tranh… trên cở sở bản sắc chủ thể của mình, vì lợi ích của dân tộc và của đối tác. Do đó, những người làm văn hoá nói chung, nhà văn, nhà báo nói riêng, cần phải có bản lĩnh. Bản lĩnh chính là kết tinh quá trình nâng cao kiến thức, lăn lộn với thực tế cuộc sống chứ không của ai cho.

 

Những ngày đầu của năm 2011, ngồi nói chuyện văn, chuyện đời, nhà báo tự cho "lão" mà chưa "thành" Phan Quang cho biết, qua kinh nghiệm bản thân, ông khuyên lớp trẻ làm bất cứ việc gì, kể cả viết văn, viết báo, không nên sợ thất bại; cứ lăn vào cuộc sống và hãy tự trải nghiệm, đừng mơ màng chuyện viển vông và đừng biến mình thành anh "hủ nho" của thời đại mới. Chuyện khó khăn, thử thách trong cuộc sống, trong gia đình, trong từng cá nhân… ở đâu mà chẳng có, nước giàu, nước nghèo đều có, vì ở đó có… con người. Do đó, chúng ta phải biết cách nhìn đời vui hơn, bởi "cây đời mãi mãi xanh tươi".

 

Trong những cuốn sách tặng tôi, ông đều xem tôi là "đồng nghiệp". Và trên tinh thần đồng nghiệp, ông nói: "Ước mơ của tôi là làm văn học, nhưng tổ chức lại phân công làm báo. Từ đó, chuyện viết văn trở thành nghề tay trái, nhưng rất đam mê. Lúc trẻ, cứ day dứt về chuyện này, song cùng với thời gian, tôi hiểu dần ta: công việc mình làm hàng ngày ít ra cũng có ích, dù vô cùng nhỏ bé. Bên cạnh những việc ấy, tôi luôn giữ niềm đam mê văn chương, nên mỗi khi có dịp là tôi mạnh dạn… trải lòng mình trên trang giấy".

 

Sự "trải lòng" ấy của ông đã có phần đóng góp không nhỏ cho lịch sử báo chí và lịch sử văn học thể loại bút ký. Tôi tin, ông còn tiếp tục đóng góp ở thể loại này, vì trong mắt tôi ông vẫn còn kháng kiện lắm lắm.
 

Nhà báo Phan Quang là Ủy viên Ban Biên tập và là một trong những cây bút chủ lực của báo Nhân dân. Anh viết được nhiều thể văn báo chí, dù bài lớn, bài nhỏ. Dấu chân anh in khắp mọi nẻo đường đất nước và rất nhiều nơi trên thế giới. Sau này anh gánh vác nhiều nhiệm vụ quan trọng: Thứ trưởng Bộ Thông tin, Tổng Giám đốc- Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (ba nhiệm kỳ), Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (hai nhiệm kỳ), Ủy viên Ủy ban Trung ương rồi Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (bốn nhiệm kỳ) v.v… Anh đã viết và dịch với khối lượng đáng ước mơ. Ngoài đất nước, con người Việt Nam, anh còn viết và dịch nhiều sách về con người của nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Nói như nhà văn Tô Hoài: "Tôi thấy Phan Quang là một nhà văn tâm hồn và văn phong chan hoà ruột thịt với phong cách nhà báo. Phải uyên thâm, lão luyện nghề báo, nghề văn đến mức thế nào mới sáng tạo được những nét riêng từ cái nghĩ, cái chữ như thế được".

 
Theo Vu Gia

Tạp chí Kiến thức ngày nay