Phạm Xuân Ẩn: Sự thật về cuộc đời hai mặt của một nhà tình báo

(Dân trí) – “Cuộc đời Phạm Xuân Ẩn còn hơn cả một nhà tình báo, điệp viên hay nhà báo. Ông là người hòa giải, hàn gắn mối quan hệ giữa 2 nước Việt – Mỹ và luôn mong muốn tương lai tốt đẹp hơn”- Một Giáo sư sử học của Mỹ bày tỏ.

Đó là những lời nhận xét đầy thành kính từ tận đáy lòng mình của nhà sử học, giáo sư Larry Berman (trường Đại học Georgia, Mỹ, chuyên gia xuất sắc nghiên cứu về cuộc chiến xâm lược Việt Nam của Mỹ) trong buổi họp báo ra mắt bản cập nhật mới nhất về cuộc đời nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, cuốn sách mang tên: “Điệp viên hoàn hảo X6” - New Fully Updated Edition X6 Perfect Spy.

Tham dự buổi công bố cuốn sách vào sáng 4/9 tại TPHCM có sự hiện diện của nhiều nhân chứng lịch sử từng là chỉ huy, đồng đội của Phạm Xuân Ẩn như ông Trần Quốc Hương (Bí danh Mười Hương), Nguyên Bí thư BCH Trung Ương Đảng, Chỉ huy mạng lưới tình báo chiến lược, Trưởng ban Nội chính Trung Ương; Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Bí danh Tư Cang) – Cụm trưởng Tình báo H63; Đại tá Nguyễn Xuân Mạnh (Bí danh Mười Nho) - Nguyên Trưởng phòng Điệp báo, Tổng cục II Bộ Quốc Phòng, Bà Nguyễn Thị Mỹ Nhung (Bí danh Tám Thảo) – Điệp báo cụm H63…
 
Giáo sư Larry Berman kể về Phạm Xuân Ẩn trong buổi ra mắt sách
Giáo sư Larry Berman kể về Phạm Xuân Ẩn trong buổi ra mắt sách

Cuốn sách “Điệp viên hoàn hảo X6” là phiên bản cập nhật mới nhất về cuộc đời hai mặt phi thường của ông Phạm Xuân Ẩn, phóng viên Reuters, Time, New York Herald Tribune… và là vị tướng tình báo chiến lược của cách mạng Việt Nam. Ông là một điệp viên ngoại hạng mà chính kẻ thù cũng phải vị nể.

Năm 2007, cuốn sách “Điệp viên hoàn hảo” của giáo sư Larry Berman viết về Phạm Xuân Ẩn lần đầu tiên xuất bản tại Mỹ đã gây chấn động dư luận. Vì trước khi quyển sách này ra đời, rất ít người biết và hiểu về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn mặc dù ông là nhân vật huyền thoại của chiến tranh Việt Nam. Có lẽ, bởi vì cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn cũng giống như tên của ông, chứa đựng nhiều bí ẩn về con người và sự nghiệp của một nhà tình báo vĩ đại, tài năng và bản lĩnh nhưng lại vô cùng khiêm nhường, bình dị.
 
Những người từng một thời hoạt động tình báo cùng mạng lưới với Phạm Xuân Ẩn
Những người từng một thời hoạt động tình báo cùng mạng lưới với Phạm Xuân Ẩn
 
Phạm Xuân Ẩn (sinh ngày 12/9/1927, mất ngày 20/9/2006) tham gia hoạt động cách mạng từ đầu thập niên 1950. Năm 1953, ông được kết nạp Đảng và được giao nhiệm vụ hoạt động điệp báo. Nhằm tạo vỏ bọc tốt hơn để có thể thâm nhập sâu hơn vào giới chức chính quyền và quân đội Sài Gòn, năm 1957, ông được cấp trên bố trí sang Mỹ học ngành báo chí. Năm 1959, Phạm Xuân Ẩn về nước, làm việc cho hãng tin Reuters và sau đó là tạp chí Time, New York Herald Tribune của Mỹ. Với kiến thức uyên bác, hiểu biết rộng, cương trực và tài năng giao tiếp, ngoại giao khác biệt, độc đáo theo kiểu lãng tử, hào hoa ngang tàng, “chửi thề như bắp rang”, xuất hiện với phong cách thượng lưu, thừa hưởng văn hóa được đào tạo chính quy từ Mỹ, ông đã thâm nhập và là bạn tri kỷ với các tướng lĩnh, trùm an ninh mật vụ cả Mỹ và Sài Gòn, giới báo chí cũng như các chính khách chóp bu của chính quyền Sài Gòn để khai thác thông tin tuyệt mật mang tầm chiến lược cho cuộc đối đầu của Bắc Việt Nam với Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
 
Bìa cuốn sách Điệp viên hoàn hảo X6
Bìa cuốn sách Điệp viên hoàn hảo X6

Cuộc đời hoạt động tình báo đầy ly kỳ hấp dẫn nhưng cũng vô cùng nguy hiểm của Phạm Xuân Ẩn với bí danh X6 thuộc cụm tình báo H.63 được thể hiện một cách trung thực, sinh động trong cuốn “Điệp viên hoàn hảo X6” được bổ sung cập nhật mới. Với lời hứa chỉ được công bố những thông tin này từng giai đoạn sau khi Phạm Xuân Ẩn mất, Larry Berman đã mất 6 năm để cân nhắc từng bước công bố thông tin của người đã khuất.

Cuốn sách mới này còn công bố bức thư xúc động của bà Thu Nhàn, vợ thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn gửi tác giả Larry Berman: “Do mắt kém, tôi phải đọc cuốn sách của ông ba lần trong suốt ba ngày, dù tôi muốn đọc xong ngay lập tức. Ba ngày đầy cảm xúc, ba ngày đầy nước mắt nhớ thương, đầy tình yêu và sự tiếc nuối… Và giờ đây, mỗi lần đọc lại là tôi không cầm được nước mắt. Một ít người bạn của tôi cũng có cảm xúc như vậy. Nhưng tôi muốn đọc lại nhiều lần để nhớ về chồng tôi”.

Chia sẻ với PV Dân trí, giáo sư Larry Berman lý giải lý do vì sao ông dành nhiều tâm huyết cho Phạm Xuân Ẩn và lần xuất bản mới này. “Phạm Xuân Ẩn là người bạn vô cùng đáng kính của tôi. Tôi đang từng bước thực hiện những lời hứa với với những ước mong của Phạm Xuân Ẩn đã chia sẻ với tôi khi anh ấy còn sống Phạm Xuân Ẩn trước khi mất có hai điều ước mong tột cùng – đó là một đất nước Việt Nam tốt đẹp hơn cho tất cả người dân Việt, và quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam và Hoa kỳ cũng như những người Việt ở hải ngoại sẽ xóa bỏ hận thù, chia rẽ và sẽ ở một tầm cao mới vì sự phát triển của dân tộc Việt Nam. Anh ấy là một người yêu nước Việt Nam thật sự”, Larry Berman nói.
 
Tấm danh thiếp của tướng tình báo mà Giáo sư Larry Berman cất giữ như báu vật
Tấm danh thiếp của tướng tình báo mà Giáo sư Larry Berman cất giữ như báu vật
Phát biểu tại buổi ra mắt sách, ông Trần Quốc Hương, chỉ huy mạng tình báo chiến lược, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương chia sẻ: “Với tài năng thu phục nhân tâm và khả năng khai thác thông tin xuất chúng, Phạm Xuân Ẩn đã khám phá ra những kế hoạch vô cùng quan trọng ở cấp cao nhất của quân đội, tình báo Mỹ và chính quyền Việt Nam cộng hòa. Tôi từng được báo cáo lại sau khi đọc các tài liệu mật của Ẩn gửi về, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các tướng lĩnh đã rất xúc động".
 
Còn Đại tá Nguyễn Xuân Mạnh, nguyên Trưởng phòng điệp báo, Cục tình báo, Bộ tổng tham mưu nhận xét: “Sau 30/4/1975, nhận thấy tài năng tình báo bậc thầy thiên phú và xuất chúng của Ẩn, không chỉ có tầm nhìn chiến lược với Mỹ mà còn với Trung Quốc và các nước khác, tôi đã chính thức đề xuất lên tổng cục tình báo Trung ương và cấp trên đề nghị Phạm Xuân Ẩn là Viện trưởng Viện đào tạo nghiệp vụ tình báo cho Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ vô cùng hiệu quả”.
 
Công Quang

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm