PGS,TS. Nguyễn Thị Nhung sẽ kể chuyện trong đêm nhạc Huy Du

Trong đêm nhạc tưởng nhớ cố nhạc sĩ Huy Du sắp tới tại Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, vợ của ông - PGS,TS. Nguyễn Thị Nhung sẽ trực tiếp giao lưu và kể những câu chuyện về người chồng, người nhạc sĩ tài hoa Huy Du.

Nhạc sĩ Huy Du nổi tiếng với những tác phẩm âm nhạc mang đậm chất “trưởng”, những bản hùng ca về người lính như Bế Văn Đàn sống mãi, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Đường chúng ta đi, Anh vẫn hành quân,…

Tuy vậy, trong suốt cuộc đời âm nhạc của mình, Huy Du cũng để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong các nhạc phẩm nghệ thuật, trữ tình. PGS, TS. Nguyễn Thị Nhung từng viết “ca khúc nghệ thuật trong sáng tác thanh nhạc của Huy Du chiếm một khối lượng không nhỏ. Ở thể loại này, tác giả đã phát huy được các thủ pháp sáng tạo như mô tiến mô phỏng, biến đổi các nhân tố của giai điệu, tiết tấu, tiết luật,… Và đặc biệt là cách xử lý cao trào của từng bài để phát huy kỹ thuật riêng biệt cho từng loại giọng”.

Nhạc sĩ Huy Du.
Nhạc sĩ Huy Du.

Nổi bật nhất trong thể loại này là ca khúc "Tình em" được nhạc sĩ Huy Du phổ nhạc từ bài hát cùng tên của tác giả Hồ Ngọc Sơn, viết năm 1962. Bà Nhung từng viết: “Tình em lần đầu tiên đến với công chúng cũng vào năm 1962 do NSND Quý Dương thể hiện. Bài hát mới lần đầu tiên xuất hiện mà được khán giả vỗ tay yêu cầu hát lại”. Và cũng chính nhờ thiên tình ca này, Huy Du được biết đến với cái tên Người hát tình ca qua lửa đạn.

Có thể nói, để hiểu và đánh giá chính xác các tác phẩm của Huy Du thì không ai có thể bằng chính vợ của ông. Trong phần nhận xét tiếp theo về các tác phẩm của chồng mình, bà Nhung khách quan đánh giá như một nhà lý luận âm nhạc đánh giá tác phẩm của nhạc sĩ khác. Bà viết tiếp, “ca khúc nghệ thuật của ông với sự hỗ trợ của phần đệm piano hay có khi là dàn nhạc giao hưởng, đã khắc họa đậm nét cho hình tượng tác phẩm”.

Nhạc sĩ Huy Du và vợ, PGS, TS. Nguyễn Thị Nhung thời còn trẻ.
Nhạc sĩ Huy Du và vợ, PGS, TS. Nguyễn Thị Nhung thời còn trẻ.

Có lẽ vì thế, con trai của ông là nghệ sĩ piano Huy Phương đã ít nhiều được thừa hưởng và được chính ông rèn giũa, tôi luyện trưởng thành. Trong đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Huy Du, nghệ sĩ Huy Phương cũng sẽ trình diễn một số tác phẩm của chính bố mình sáng tác.

Không chỉ vậy, PGS, TS. Nguyễn Thị Nhung cũng sẽ góp mặt, giao lưu với khán giả và trực tiếp kể chuyện về cuộc đời âm nhạc của chồng bà.

Đêm nhạc Huy Du diễn ra lúc 20h thứ Sáu ngày 15/12 tại Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, 11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội.

NSƯT Lan Anh biểu diễn trong chương trình. Ngoài ra đêm nhạc còn có sự góp mặt của NSND Lê Khanh trong vai trò MC, NSƯT Lan Anh, nghệ sĩ Hồ Tú, ca sĩ Ngọc Quý, Kiên Trung...
NSƯT Lan Anh biểu diễn trong chương trình. Ngoài ra đêm nhạc còn có sự góp mặt của NSND Lê Khanh trong vai trò MC, NSƯT Lan Anh, nghệ sĩ Hồ Tú, ca sĩ Ngọc Quý, Kiên Trung...

PGS, TS. Nguyễn Thị Nhung sinh ngày 16/8/1936 tại Hà Nội. Bà nguyên là Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội.

Trong Kháng chiến chống Pháp, bà tham gia hoạt động trong Đội Văn nghệ học sinh Nguyễn Huệ, Đội Văn nghệ Khu Học xá Trung ương, dự Đại hội Văn công toàn quốc năm 1954 trong Đội Văn nghệ học sinh Sư phạm. Sau khi tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam (1968), đi tu nghiệp ở Nhạc viện Quốc gia Bulgarie (chương trình trên Đại học và bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ (1969-1972). Là giảng viên lâu năm của Nhạc viện Hà Nội, Phó Giáo sư, Chủ nhiệm Khoa Sáng tác - Lý luận - Chỉ huy, Phó Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Nhạc viện Hà Nội. Cho đến nay, khi đã nghỉ hưu, bà vẫn tiếp tục đào tạo nhiều thế hệ học sinh, sinh viên âm nhạc.

Bà đã được tặng: Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2001), Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba, Huy hiệu Chiến sĩ văn hóa, cùng nhiều huy chương và giải thưởng khác…

H.P