Paris Hilton: Đại diện cho giấc mơ Mỹ kiểu mới
Paris Hilton biết cách tạo và kinh doanh danh tiếng. Điều đó giải thích tại sao một ngôi sao đầy bê bối như cô vẫn được coi là bộ mặt của đế chế khách sạn Hilton hùng mạnh, một kiểu “nữ anh hùng” mới.
Người sáng lập tập đoàn khách sạn lừng danh là Conrad Hilton. Ông qua đời năm 1979 và chuyển hầu hết tài sản vào quỹ từ thiện mang tên mình. Con trai thứ là Barron lên nắm quyền ở khách sạn, nhưng bán lại tập đoàn vào năm 2007 cho một công ty giấu tên. Người nổi tiếng nhất dòng họ Hilton bây giờ chính là Paris, 33 tuổi.
Triết lý 4 thú cưng của Paris
Nhắc đến Paris không thể không nhắc đến vụ lộ băng sex One Night In Paris của cô năm 2004, sự việc đến bây giờ không còn ai nghĩ là ngẫu nhiên vì nhờ nó mà Paris nổi tiếng. Cô cũng gây chú ý bởi các phát ngôn “tóc vàng hoe ngốc nghếch” như “Walmart (tập đoàn bán lẻ Mỹ) là công ty xây tường à?” Paris đã nhầm giữa từ “Wal” trong tên của tập đoàn với “Wall” (bức tường).
Một phát ngôn khá nổi tiếng và tai tiếng khác của cô là: “Mọi phụ nữ nên có 4 thú cưng trong đời, gồm một con chồn trong tủ đồ, một con báo trong gara, một con hổ trên giường và một con lừa trả tiền cho tất cả mọi thứ”. Trong câu nói này, con chồn tượng trưng cho quần áo lông thú sang trọng, con báo là xe hơi, con hổ là người đàn ông và con lừa là gã giàu có chịu chi nào đó.
Paris Hilton trong hình ảnh quảng cáo một nhãn hiệu nước hoa của mình
Không biết có sự hiện diện của "con lừa" nào bên cạnh Paris lúc này không, nhưng nếu không, Paris cũng chẳng có gì phải lo lắng. Cô rất giỏi kiếm tiền. Hoạt động kinh doanh nước hoa và thời trang mang về cho cô tài sản 1,5 tỷ USD. Giống như ông nội Barron từng nhận xét, Paris mang đầy đủ các phẩm cách của gia tộc Hilton: "Con bé có một mặt hàng và luôn biết cách để bán được hàng của mình" .
Paris được nhắc đến ở Việt Nam như một nhân vật giải trí ăn chơi trác táng, bất tài và háo danh, xếp cùng hạng với ngôi sao truyền hình thực tế Kim Kardashian. Thực tế cô đa diện hơn nhiều.
Paris giao thiệp rộng, có thể coi là một “trùm tư bản” nữ khi sở hữu 17 thương hiệu nước hoa riêng bán rất chạy. Cô là một ngôi sao truyền hình thực tế đời đầu (với chương trình The Simple Life từ năm 2003 đến 2007), dẫn đầu trào lưu nuôi chó cưng ở Hollywood.
Văn hóa hay phản văn hóa?
Cô gái này cũng là đề tài nghiên cứu nghiêm túc của một luận văn học thuật có tên gọi “Hiện tượng Paris Hilton trong văn hóa Mỹ”. Luận văn này viết: “17/2/1981 (ngày sinh của Paris - TT&VH) là một bước ngoặt cho văn học và văn hóa Mỹ, vì một kiểu nữ anh hùng khác đã được sinh ra”.
Những lời lẽ đó có đao to búa lớn quá mức? Ca ngợi một nhân vật như Paris, với scandal đầy mình, vô số cuộc tình trác táng và băng sex, ảnh khỏa thân bị chỉ trích? Thật khó tưởng tượng Paris trở thành hình tượng văn hóa, khi nhiều hành động của cô bị coi là phản văn hóa và thường xuất hiện trên báo lá cải.
Nhưng trong thực tế cuộc sống, không chỉ ở nước Mỹ mà trên toàn thế giới, tự quảng bá bản thân đã trở thành một kỹ năng sống quan trọng đến mức nếu thiếu nó, nhiều khả năng người ta sẽ thất bại và nghèo đói. Cuộc sống kiểu Paris nói riêng, dòng họ Hilton nói chung, là một dạng mới của giấc mơ Mỹ, hoặc rộng hơn là giấc mơ toàn cầu. Kiểu sống đó đã là xu thế xã hội. “Được ca ngợi” không còn là mục tiêu cao nhất nữa, mà thay vào đó là “được bàn tán”.
Theo Telegraph, ngày nay, tập đoàn Hilton là đối thủ của những tỷ phú hàng đầu như Warren Buffett và Bill Gates, không phải về kinh tế mà về ảnh hưởng xã hội.
Quỹ Conrad N.Hilton có 2,2 tỷ USD chuyên hoạt động để giúp đỡ người vô gia cư, thanh thiếu niên bị bạo hành và giúp giới trẻ phát triển sự nghiệp. Giải thưởng nhân đạo mang tên Conrad N.Hilton thành lập từ năm 1996 có số tiền thưởng là 1,5 tỷ USD, cao nhất trong các giải thưởng nhân đạo thế giới.
Theo Mi Ly
Thể thao & Văn hóa