Ông Đào Hồng Tuyển: “Ý tưởng về vở thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam là của tôi”

(Dân trí) - Ông Đào Hồng Tuyển - Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu, nhà đầu tư của vở thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam đã có những chia sẻ trước ý kiến của đạo diễn Việt Tú trên truyền thông mới đây.

Chia sẻ với phóng viên, ông Đào Hồng Tuyển khẳng định, ý tưởng về việc dàn dựng vở thực cảnh đầu tiên là do ông khởi xướng và ấp ủ từ 6 năm trước. Ông đã từng đưa rất nhiều chuyên gia, cố vấn và nghệ sỹ sang nước ngoài khảo sát, tham quan. Trong đó có NSND Trần Bình, đạo diễn Việt Thanh, Việt Tú, Hoàng Nhật Nam…


Ông Đào Hồng Tuyển. (Ảnh: Tiền Phong)

Ông Đào Hồng Tuyển. (Ảnh: Tiền Phong)

“Tôi khẳng định lại, ý tưởng về vở thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam là của tôi và tôi thuê đạo diễn Việt Tú làm. Tôi đã bỏ rất nhiều tiền cho dự án này nhưng hiệu quả không đạt được như mong muốn nên phải bỏ đi để thuê đạo diễn khác. Và cái đó là quyền của ông chủ, quyền của nhà đầu tư. Chẳng có ai lại dại đến mức bỏ tiền ra rồi giờ tốn thời gian, tốn công sức… để bỏ đi. Nếu Tú làm tốt thì tôi bỏ đi làm gì”, ông Tuyển nhấn mạnh.

‘Chúa đảo Tuần Châu” cũng nhấn mạnh, khởi phát của ý tưởng này là ông muốn làm một điều gì đó để tôn vinh những tinh hoa văn hóa nằm trong cội nguồn của dân tộc. Đặc biệt, khi du khách nước ngoài đến Việt Nam, do thời gian lưu trú ngắn ngủi nên không thể khám phá hết được những nét văn hóa độc đáo của Việt Nam. Và thông qua vở thực cảnh này mà du khách nước ngoài có thể hiểu được phần nào văn hóa của dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, ông cũng muốn, các trường học cho các cháu nhỏ đến xem vở thực cảnh này để vun đắp lòng tự hào dân tộc.

“Văn hóa của dân tộc mình phồn hậu, sâu sắc và văn minh gắn với hàng nghìn năm lịch sử. Con người Việt Nam hiền lành nhưng rất anh dũng, giàu lòng vị tha, giàu lòng nhân ái… Một dân tộc như thế luôn muốn làm bạn với cả thế giới. Chúng ta phải cho du khách nước ngoài hiểu về văn hóa của chúng ta. Văn hóa là quan trọng nhất chứ không phải tiền bạc hay quyền lực. Văn hóa là nền tảng của mọi sự phát triển, dân tộc nào cũng thế.

Tại sao đất nước chúng ta có một bề dày văn hóa và chiều dài lịch sử như thế mà không dựng lên được. Bây giờ mọi người cứ lên báo, tìm xem các vị lãnh đạo, chuyên gia, nhà nghiên cứu đã nói gì về “Tinh hoa Bắc Bộ” mới đây.

Tôi rất quý Việt Tú. Trong thâm tâm tôi, tôi rất muốn tạo điều kiện cho người trẻ làm sống lại vốn văn hóa của cha ông. Tôi đi giảng bài về khởi nghiệp ở các nơi cũng nhấn mạnh ý đó mà. Nhưng quý là một chuyện khác, công việc lại là chuyện khác. Công việc là công việc, tình cảm là tình cảm. Tôi tin anh, tôi mới mời anh ra nước ngoài tham quan, giao cho anh thực hiện dự án.

Tôi nói thật, Việt Tú làm chưa tới đâu cả, chưa chạm được vào trái tim của mọi người nhưng giữ danh dự cho cậu ấy nên tôi không nói ra. Mà cậu ấy tiêu tốn của tôi không biết bao nhiêu tiền cho đến giờ này. Tiêu công nhân, tiền nông dân luyện tập hàng năm trời, đạo cụ sắm sửa… bây giờ phải bỏ hết... Vậy mà khi xem xong, trước mặt Việt Tú người ta khen ngoại giao, sau lưng Tú, trước mặt tôi thì người ta đều lắc đầu”, ông Đào Hồng Tuyển nói.

Ông Đào Hồng Tuyển cho rằng, nếu đạo diễn Việt Tú sửa lại kịch bản, ông sẽ sắp xếp cho đạo diễn Việt Tú một suất diễn, nghĩa là một đêm diễn hai suất. Ví dụ, suất của đạo diễn Việt Tú trước rồi suất của người khác kế tiếp. Vì mỗi suất có thời lượng 45 phút, từ 7h30 đến 8h30 một suất, từ 8h30 đến 9h30 một suất.

“Tôi khuyên Tú hôm nào gặp lại tôi, anh em ngồi nói chuyện với nhau, chứ càng nói Tú lại càng sai đấy... ”, ông Tuyển nói thêm.

Hà Tùng Long