Ông Bằng trong phim truyền hình “Mùa lá rụng” qua đời
(Dân trí) - NSND Chu Văn Thức - “cây đa, cây đề” của làng chèo cổ, người từng gây ấn tượng với các vai diễn trong phim truyền hình “Mùa lá rụng”, “Cô gái đến từ Bangkok” vừa qua đời ở tuổi 86 tại Hà Nội.
Soạn giả Mai Văn Lạng cho biết, NSND Chu Văn Thức qua đời vào 14h ngày 9/3, hưởng thọ 86 tuổi. Lễ viếng của nghệ sĩ sẽ diễn ra từ 7h đến 9h sáng 11/3 tại Nhà tang lễ quận Cầu Giấy (phố Trần Vĩ, P. Mai Dịch, Hà Nội).
“Vẫn biết, “sinh, lão, bệnh, tử” là chuyện phải đến của mỗi đời người. Lão NSND Chu Văn Thức ra đi ở tuổi 86 cũng là tuổi xưa nay hiếm... nhưng nghe ông đi tôi vẫn bị sốc. Sốc bởi dù tuổi cao ông vẫn tỏ ra tráng kiện trong tình yêu chèo. Các liên hoan, hội diễn chèo ông đều có mặt, chăm chú xem, chỉ bảo cho đạo diễn, diễn viên, góp ý từng mảng trò. Sốc bởi ông như cây đại thụ hiếm hoi của làng chèo, dù 86 tuổi vẫn được rất nhiều người tìm đến hỏi nhiều vấn đề về chèo. Sốc bởi mới hôm nào, bác cháu gặp nhau tại cuộc thi sân khấu chèo toàn quốc tại Ninh Bình, ông bắt tay tôi bảo “ Cháu cố lên nhé. Trông đợi ở cháu nhiều", soạn giả Mai Văn Lạng ngầm ngùi chia sẻ.
NSND Chu Văn Thức sinh năm 1932 ở Hà Tây (nay là Hà Nội). Ông là học trò chân truyền của những tên tuổi gạo cội làng chèo phía Bắc như: cụ Trùm Thịnh, cụ Toái, cụ Ðóa, vợ chồng cụ Năm Ngũ, bà Cả Tam, bà Dịu Hương, bà Minh Lý, bà Phẩm...
Năm 1958, ông tham gia lớp bồi dưỡng đạo diễn sân khấu do chuyên gia Liên Xô hướng dẫn. Sau đó, ông trực tiếp dàn dựng và cùng biểu diễn trong một số vở chèo cổ: Lưu Bình Dương Lễ, Kim Nham, Quan Âm Thị Kính... Ở Hội diễn Sân khấu năm 1958, cái tên Chu Văn Thức bắt đầu tạo dấu ấn trong lòng người hâm mộ cùng với nghệ sĩ Diễm Lộc, Bùi Trọng Ðang, Bạch Tuyết, Vũ Thị Tý, Mạnh Tuấn, Nguyễn Thị Nhậm... thế hệ đã làm nên diện mạo của sân khấu chèo cách mạng.
Nhắc đến nghệ sĩ Chu Văn Thức, người ta nhớ ngay đến một Dương Lễ hết lòng vì bạn trong Lưu Bình Dương Lễ; chàng Thiện Sỹ bạc nhược của Quan Âm Thị Kính; anh Thịnh trong Hương lúa tình quê; Kim Nham - một kẻ tham vàng phụ ngãi trong Suý Vân... Đặc biệt, vai Kim Nham đã mang lại cho nghệ sĩ Huy chương vàng tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 1962 và ghi nhận sự trưởng thành của thế hệ diễn viên đầu tiên của nhà hát chèo.
Không chỉ thành công với các vai diễn, nghệ sĩ Chu Văn Thức còn tạo dấu ấn trên cương vị đạo diễn. Ông từng giữ chức Giám đốc nhà hát chèo Việt Nam giai đoạn 1987 - 1989. Ông được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1984 và NSND năm 1993.
Luôn đau đáu với sự phát triển của nghệ thuật chèo, sau khi về hưu, nghệ sỹ Chu Văn Thức vẫn tích cực tham gia các hoạt động trong lĩnh vực này. Ông lập ra một "gánh chèo" đặc biệt gồm toàn các nghệ sĩ gạo cội đã bước vào tuổi lên lão như: nghệ sỹ Mạnh Tuấn, Diễm Lộc, nhạc sỹ Hoàng Kiều, Hoàng Vũ... lập nên câu lạc bộ hưu trí Nhà hát Chèo Việt Nam để cố giữ bản sắc của chèo cổ đang ngày càng mai một tại khu văn công Mai Dịch – Hà Nội.
Các nghệ sĩ lão thành này đã tự phát dựng lại những vở, những trích đoạn chèo truyền thống. Lâu lâu có nơi biết tiếng mời lại kéo nhau đi biểu diễn. Với một tình yêu chào mãnh liệt, NSND Chu Văn Thức đã đóng góp cho sân khấu chèo những vai kép đẹp, những chính nhân quân tử không lẫn vào đâu.
Không chỉ thành công trên sân khấu truyền thống, NSND Chu Văn Thức còn được khán giả truyền hình biết đến qua vai ông Bằng (nhân vật chính) trong phim truyền hình “Mùa lá rụng” của đạo diễn Quốc Trọng. Bộ phim phát sóng trên truyền hình năm 2001 đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả truyền hình.
“Mùa lá rụng” kể về gia đình ông Bằng và các con của mình sống trong một nếp nhà cổ Hà Nội. Người cha luôn mong muốn giữ nếp sống gia đình truyền thống của người Hà Nội nhưng những điều mới mẻ trong quan niệm về tiền bạc của những người con cứ đẩy ông ra rìa. Dù con trai, gái, dâu, rể nhà ông Bằng mỗi người một cách sống, nhưng cuối cùng điều họ hướng tới và mong muốn là tình cảm không thể tách rời giữa các thành viên trong gia đình.
Nói về vai diễn ông Bằng do NSND Chu Văn Thức thể hiện, đạo diễn Quốc Trọng cho biết, việc tìm diễn viên cho các vai chính thời điểm đó gặp rất nhiều khó khăn. Vai ông Bằng đã phải thay đến 5 lần. Đặc biệt, dù kinh phí để làm phim rất "khiêm tốn" nhưng để phục vụ cho bối cảnh nhà ông Bằng, nam đạo diễn này đã phải 8 lần gửi hoa sen qua bưu điện từ miền Nam ra Hà Nội. Nhờ sự đầu tư nghiêm túc và sự dày công của dàn diễn viên mà bộ phim “Mùa lá rụng” đã để lại những tiếng vang trong lòng khán giả truyền hình thời bấy giờ.
Hà Tùng Long