Ồn ào chửi thề ở "Nhà bà Nữ": Trấn Thành tả đời hay hạ thấp người lao động?

B.Phương

(Dân trí) - Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm cho rằng "Nhà bà Nữ" thể hiện đúng ngôn ngữ của đời sống thị dân, trong khi nhà văn Hoài Hương lại nói: "Trấn Thành đang hạ thấp văn hóa của người lao động miền Nam".

Khởi chiếu từ mùng 1 Tết Quý Mão, phim điện ảnh thứ 2 do Trấn Thành đạo diễn và sản xuất vừa cán mốc doanh thu 200 tỷ đồng với hơn 2 triệu vé bán ra sau một tuần công chiếu. Cùng với những con số kỷ lục về doanh số, phim cũng tạo nên hiệu ứng truyền miệng, gây "bão" mạng xã hội. 

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều lời khen từ giới chuyên môn và khán giả thì còn có không ít ý kiến trái chiều. Trong đó, vấn đề gây nhiều tranh cãi chính là lời thoại của các nhân vật trong Nhà bà Nữ.

Ồn ào chửi thề ở Nhà bà Nữ: Trấn Thành tả đời hay hạ thấp người lao động? - 1

"Nhà bà Nữ" - phim Tết đang dẫn đầu doanh thu phòng vé (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).

Nhà bà Nữ hay Nhà bà... Chửi

Nhà bà Nữ tiếp tục khẳng định công thức làm phim quen thuộc của Trấn Thành: Khai thác mâu thuẫn của các thế hệ trong một gia đình. Phim kể về mối quan hệ giữa bà Nữ (Lê Giang đóng) và các con gái, con rể. Bà Nữ độc đoán, nóng tính, cấm cản Ngọc Nhi (Uyển Ân đóng) giao du với đàn ông, bắt con gái theo ngành học mà bà mong muốn...

Tác phẩm lần này của Trấn Thành được đánh giá có nội dung gần gũi, khai thác được tâm lý nhân vật, gửi gắm một số triết lý dễ khơi gợi sự đồng cảm từ người xem. Chính vì bám sát đời sống, thoại của các nhân vật trong Nhà bà Nữ cũng được cho là rất "đời", trong đó xuất hiện nhiều cảnh bà Nữ và các nhân vật chửi bới, văng tục...

Điều này khiến một bộ phận khán giả cho rằng họ cảm thấy "mệt mỏi" khi thưởng thức phim vì liên tiếp phải... nghe chửi với âm lượng lớn. Trong đó, bà Nữ là nhân vật to tiếng nhất phim khi bà chửi tất tần tật, từ con gái, con rể, hàng xóm cho tới khách hàng của mình. Dường như, mọi mâu thuẫn mẹ - con, vợ - chồng trong phim đều được giải quyết bằng việc chửi nhau. Những đoạn cao trào của phim, khán giả chỉ thấy cãi vã, chửi bới, đánh nhau, khóc lóc, đập vỡ đồ đạc…

"Mặc dù những chi tiết cãi lộn, chửi thề tạo độ chân thật cho phim, nhưng tần suất như vậy là quá nhiều, có lúc không cần thiết nhưng khán giả vẫn phải nghe chửi" - một bình luận về Nhà bà Nữ trên diễn đàn phim ảnh.

Ồn ào chửi thề ở Nhà bà Nữ: Trấn Thành tả đời hay hạ thấp người lao động? - 2

Nhân vật bà Nữ (Lê Giang) có nhiều lời thoại chửi bới cay nghiệt trong phim (Ảnh: Facebook nhân vật).

Nhiều ý kiến cho rằng đạo diễn có thể tùy ý sử dụng cách thức riêng để truyền tải câu chuyện, xây dựng nhân vật. Vấn đề là cách Trấn Thành nhấn nhá những lời thoại ồn ào trong phim bị cho là thiếu tiết chế, gây cảm xúc nặng nề cho người xem. Mang "mác" là phim gia đình ngày Tết với thông điệp "chữa lành" những mối quan hệ tổn thương, nhưng Nhà bà Nữ lại bị cho là tạo nên sự tiêu cực, mệt mỏi nhiều hơn.

Nhà văn Hoài Hương - hội viên Hội Điện ảnh TPHCM - chia sẻ với PV Dân trí: "Nếu gạt bỏ góc độ chuyên môn, chỉ nhận xét phim dưới góc nhìn khán giả trung lập, thì tôi cũng không chấp nhận được phim Nhà bà Nữ. Cả bộ phim chỉ thấy mẹ con, vợ chồng quát mắng, chửi bới. Nói nặng hơn thì không hề có văn hóa nền, điều này không hề tốt".

"Phim diễn giải nhiều quá. Nhân vật nói liên tục, nói như sợ khán giả không hiểu mình nói gì. Khi xem Bố già, tôi vẫn có cảm xúc, vẫn khóc được. Còn xem phim này không khóc được, không cười được", nhà văn nói thêm.

Nhà văn Phan Ý Yên đánh giá Nhà bà Nữ không phải là một bộ phim dở của điện ảnh Việt, nhưng lại là "phim dở của Trấn Thành". Cô cho rằng tác phẩm "quá nhiều sự la hét, thiếu đi khoảng lặng đủ sâu sắc, đủ thâm trầm". "La hét cũng được thôi, nhưng có thể vì giải quyết vấn đề trong phim không tương xứng với sự la hét nên thành ra khán giả ra rạp chỉ ám ảnh mỗi chuyện la hét đó", nhà văn viết trên trang cá nhân.

Bám sát đặc trưng đời thực?

Ở chiều ngược lại, một bộ phận khán giả vẫn cho rằng "chất" đặc trưng trong phim Trấn Thành là sự bình dân, thể hiện qua lời ăn tiếng nói không cần hoa mỹ, sát với đa số cuộc sống gia đình hiện nay. 

"Trên đời này có mấy bậc làm cha làm mẹ khi nóng giận mà lại ngọt ngào với con cái không?", một khán giả nhận xét.

Người hâm mộ cũng đánh giá Trấn Thành thông minh khi chọn cách kể chuyện và khai thác những câu chuyện đời thường mà ai cũng đã, đang trải qua để từ đó nhận sự đồng cảm lớn của số đông.

Ồn ào chửi thề ở Nhà bà Nữ: Trấn Thành tả đời hay hạ thấp người lao động? - 3

Một bộ phận khen Trấn Thành biết khai thác chất liệu gần gũi đời thực (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).

Chia sẻ với PV Dân trí, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm cho rằng vấn đề "thoại ồn ào, nhiều từ văng tục" trong phim Nhà bà Nữ là điều chấp nhận được. 

Khi được hỏi tần suất dày đặc của những lời thoại chửi bới có phải đang "tra tấn" lỗ tai khán giả hay không, nhà phê bình nói: "Cá nhân tôi không thấy tra tấn, ngược lại tôi thấy nó sống động, thể hiện đúng tinh thần ngôn ngữ bình dân của nhân vật. Các bạn cứ thử ra chợ, vào các quán ăn hay thậm chí trên hè phố ở Sài Gòn, Hà Nội sẽ thấy ngôn ngữ của đời sống thị dân nó sinh động như thế nào, xuất phát từ đời sống hằng ngày của họ".

"Tôi cho rằng một trong những điểm yếu lớn nhất của phim Việt Nam là thoại giả và giáo điều. Phim của Trấn Thành tránh được hai lỗi đó", nhà phê bình Lê Hồng Lâm chia sẻ thêm.

Ồn ào chửi thề ở Nhà bà Nữ: Trấn Thành tả đời hay hạ thấp người lao động? - 4

Các thế hệ trong gia đình bà Nữ có nhiều mâu thuẫn với nhau (Ảnh: Chụp màn hình).

Theo chuyên gia Lê Hồng Lâm, yếu tố lớn nhất làm nên thành công về doanh thu cho Nhà bà Nữ chính là việc Trấn Thành đã khai thác được những chất liệu bình dân của đời sống xã hội Việt Nam đương đại.

Trong bài đăng đạt gần 10 nghìn lượt thích trên trang cá nhân, nhà phê bình này nhận định: "Cả Bố giàNhà bà Nữ đều phơi bày ra một thực trạng của rất nhiều gia đình Việt Nam hiện tại, đặc biệt là tầng lớp thị dân: Bố mẹ áp đặt con cái, áp đặt không được thì chửi "tao đẻ mày ra", "trứng mà đòi khôn hơn vịt", "thương cho roi cho vọt".... Vợ chồng thì quen hơi bén mùi, xong là mất hết "tương kính như tân", xưng "tao", "mày" búa xua...".

"Không nên lạm dụng để thành phản cảm"

Vừa qua, Trấn Thành cũng đã lên tiếng trước những tranh cãi trái chiều từ khán giả và giới chuyên môn. Nam nghệ sĩ khẳng định thoại ít hay thoại nhiều không hề ảnh hưởng tới tính điện ảnh của tác phẩm.

"Tùy dòng phim gì, hình thức ra sao, nó mới quyết định tác phẩm đó thoại ít hay nhiều! Phim về chủ đề cha mẹ khắc nghiệt mà không cho họ chửi con, về tầng lớp lao động, bán buôn mà không cho sử dụng khẩu ngữ và những lời nói thường ngày của họ, thì tôi cũng chẳng biết phải cho nhân vật của tôi nói gì cho đúng!", Trấn Thành giãi bày.

Cũng có những ý kiến phản bác lại lời giải thích từ Trấn Thành. Nhà văn Hoài Hương nói với Dân trí: "Tôi tiếp xúc nhiều với tầng lớp lao động bình dân, họ không hề như thế. Có thể 20, 30 hay 50 năm trước, người dân sống cực khổ, họ ăn nói "đá cá lăn dưa", nhưng thời bây giờ khác rồi. Không thể nào cứ làm phim về khu lao động là cho nhân vật ăn nói như vậy. Xóm lao động bây giờ cũng văn minh lắm chứ. Tôi cho rằng Trấn Thành đang hạ thấp văn hóa của người lao động miền Nam".

Ồn ào chửi thề ở Nhà bà Nữ: Trấn Thành tả đời hay hạ thấp người lao động? - 5

Trấn Thành từng lên tiếng trước những tranh cãi về vấn đề thoại ồn ào trong phim "Nhà bà Nữ" (Ảnh: Facebook nhân vật).

NSƯT Hạnh Thúy - Ủy viên Ban chấp hành Hội Điện ảnh TPHCM - cho rằng thoại nhiều, "đệm" văng tục không phải vấn đề quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nghệ sĩ nhấn mạnh không nên lạm dụng yếu tố này khi làm phim.

"Tôi chưa xem Nhà bà Nữ nên chưa biết thoại phim ồn ào ra sao, nhưng trước đây cũng từng xem Bố già rồi. Theo tôi, nếu như phù hợp với tính cách nhân vật, là nhu cầu và khao khát của nhân vật, là điều cần và đủ cho phim, thì chuyện nhân vật nói nhiều, chửi bới không phải là vấn đề lớn. Trừ khi lạm dụng điều đó thành phản cảm, thành "lỗi chính tả" trong phim thì mới đáng nói", nữ nghệ sĩ nói với Dân trí.

NSƯT Hạnh Thúy cũng cho rằng mỗi đạo diễn sẽ có những thủ pháp nghệ thuật, phong cách làm phim khác nhau.

"Với những người làm điện ảnh theo quan điểm mực thước, họ sẽ cho rằng ngôn ngữ của điện ảnh là hình ảnh, họ không thích lời lẽ quá nhiều. Nhưng tôi thấy tùy vào những phong cách khác nhau, sẽ có những đạo diễn sử dụng hình ảnh, có những đạo diễn thích sử dụng lời lẽ. Tùy cách xử lý của đạo diễn mà điều đó có hợp lý hay không. Tất nhiên về mặt chuyên môn, định nghĩa của điện ảnh vẫn là hình ảnh, không phải thoại", diễn viên Tro tàn rực rỡ chia sẻ.

Từ thành công về mặt thương mại của Bố già cho đến Nhà bà Nữ, có thể thấy rằng Trấn Thành là người giỏi nắm bắt thị hiếu số đông khán giả. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng anh sẽ phải cải thiện nhiều hơn nữa, nếu muốn phim của mình được đánh giá tích cực về mặt nghệ thuật, thay vì đơn thuần chỉ là làm phim giải trí, làm phim để kiếm tiền...