Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ:
Ôi thiêng liêng những mốc thời gian
(Dân trí)- Thời gian là dòng chảy đẩy mọi thứ lùi về quá khứ, những sự kiện động trời cũng như những vui buồn giận ghét đời thường rồi ngày càng mờ ảo và lặng lẽ hòa tan trong lãng quên.
Chuyện trò với đồng nghiệp
Cách đây mười năm, kỷ niệm 50 chiến thắng Điện Biên Phủ, chị Fabienne Sintes làm việc tại Đài phát thành quốc gia Pháp Radio France cùng một đồng nghiệp ở tuần báo L’Express sang Việt Nam viết bài về thảm bại của quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ. Được biết chị vừa từ mặt trận Irăc về. Sau khi lên Tây Bắc, qua các di tích và vật chứng ngược dòng thời gian tìm hiểu tại chỗ, trở lại Hà Nội chị Fabienne tìm gặp tôi trao đổi. Chị hỏi:
- Thời trẻ chắc ông có tham gia chiến đấu tại Điện Biên. Hồi đó ông mang quân hàm cấp bậc gì?
- Tôi không được vinh dự ấy. Tôi là dân sự. Tuy nhiên, tất cả những người Việt Nam thế hệ tôi ai cũng tự cho mình ít nhiều là chiến sĩ Điện Biên. Cả những người sinh ra sau ngày hòa bình lập lại, ai cũng tự hào lịch sử dân tộc mình có ba tiếng Điện Biên Phủ.
- Cụ thể hồi đó ông làm gì? Chị vẫn không chịu buông.
- Tôi cùng nghề với chị. Tôi làm phóng viên một tờ báo theo các đoàn dân công vận chuyển lương thực, vũ khí từ vùng hậu phương Liên khu 4 lên miền thượng du tỉnh Thanh Hóa qua tỉnh Hòa Bình tiếp tế cho mặt trận Tây Bắc bằng những chiếc xe đạp thồ. Những chiếc xe thồ ấy, một người đồng bào của chị, giáo sư, nhà báo Bernard Fall đã mô tả kỹ tại cuốn sách nổi tiếng của ông: Điện Biên Phủ, một góc địa ngục. Ông ta quả quyết mỗi chiếc xe thồ có thể chở 300kg lương thực hoặc đạn dược. Tôi không dám chắc, chỉ ước lượng thôi bởi còn tuỳ thuộc vào sức lực và phương tiện của từng người dân công. Loại xe thồ thời ấy ai cũng cho là tốt nhất là xe đạp mang nhãn hiệu Peugeot của Pháp. Nền công nghiệp Đông Dương trước 1945 chưa làm ra nổi một chiếc xe đạp, toàn nhập khẩu từ chính quốc sang.
Chị Fabienne lại hỏi:
- Ông nghĩ thế nào khi so sánh Điện Biên Phủ 1954 với Giải phóng Sài Gòn 1975?
Tôi cười:
- Hình như các bạn ở phương Tây thích so sánh ngang. Nhà văn, đại tá Jules Roy tác giả cuốn Trận Điện Biên Phủ mà chị đã biết, ví thất bại của các bạn ở cánh đồng Mường Thanh là nỗi kinh hoàng khủng khiếp; trận thảm bại của Napoléon tại Waterloo1 năm 1815 trước liên quân Anh-Phổ không gây tiếng vang trên thế giới bằng. Nhà sử học Bernard Fall đi xa hơn, so sánh tầm vóc Điện Biên Phủ với trận Stalingrad năm 1942-1943. Tính về quân số của cả hai bên thì Điện Biên Phủ nhỏ hơn Stalingrad nhiều, dù vậy Điện Biên Phủ vẫn là trận đánh có tính chất quyết định ngang tầm trận Stalingrad2 và trận Midway3 trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Chúng tôi nghĩ theo chiều khác. Không có Cách mạng Tháng Tám 1945, chiến thắng Biên Giới 1950, không có Điện Biên Phủ. Không có Điện Biên Phủ 1954, Thành cổ Quảng Trị 1972, thiếu nhiệt tình của bạn bè thế giới ủng hộ chính nghĩa Việt Nam, chậm Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn 1975.
Chị Fabienne:
- Câu hỏi cuối cùng: ông đã đến Điện Biên Phủ?
- Có chứ. Và không chỉ đến một lần. Người Việt Nam chúng tôi ai có ít nhiều điều kiện đều ước ao đến Điện Biên Phủ ít nhất một lần trong đời để được nhìn thấy tận mắt những trang lịch sử oai hùng của dân tộc. Người Việt chúng tôi không có tục dâng hoa, nhưng ai đã có dịp đến Điện Biên Phủ đều tâm nguyện đốt một nén hương, ít nhất chắp tay vái mấy vái tưởng niệm các liệt sĩ, anh hùng.
Vâng, tôi đã đến Điện Biên Phủ dù có hơi muộn màng.
Thời trẻ làm phóng viên báo, tôi đã nhiều lần lên Tây Bắc, thăm Mộc Châu, Sơn La, vượt đèo Pha Đin vào địa phận tỉnh Lai Châu nhưng do hoàn cảnh khó khăn thời ấy, phải đợi đến sau khi nước nhà thống nhất, điều kiện giao thông khá lên, Điện Biên Phủ thật sự trở thành một điểm đến, tôi mới có dịp tới chiến trường xưa. Như nhiều người từ các chốn khác đến đây, tôi đã thăm Bản Lạnh Mường Phăng1 nơi đóng Tổng hành dinh Bộ chỉ huy Mặt trận Điện Biên Phủ mật danh Trần Đình, xuống hầm sâu xem nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc. Tôi đã đến đồi A1 chắp tay vái Cây đa Cụt, thăm Bảo tàng Điện Biên... Và một nơi nhất thiết không thể không đến nữa là Hầm Đờ Cát, Tư lệnh quân Pháp trấn thủ lòng chảo Mường Thanh - cái nơi mà quân đội Pháp đặt cho một tên gọi thật cao sang thật oai hùng là Epervier - có nghĩa bồ cắt, loại chim chuyên từ đâu trên trời cao bất ngờ đâm bổ xuống bắt ăn thịt gà vịt và các loài bé nhỏ, nhưng đó lại chính là nơi tướng Đờ Cát cùng ban tham mưu của ông ra hàng “quân đội Việt Minh” 57 ngày sau. Tôi đã làm một việc đáng ra nghiêm cấm là trèo lên nóc cái hầm có mái cong cong ấy chụp một tấm hình mang về... khoe với bè bạn nước ngoài khi cần, rồi ngồi xuống một nơi sạch sẽ cạnh hầm nghỉ một chốc để lấy lại hơi và suy nghĩ miên man.
Nhiều người Pháp đã đến Điện Biên Phủ.
Người viết (phải) chuyện trò với cựu chiến binh Pháp trở lại chiến trường Điện Biên Phủ
Nhiều người Pháp đã đến Điện Biên Phủ.
Đông nhất có lẽ là các cựu chiến binh tới viếng đồng đội đã cùng họ sống nhiều ngày địa ngục rồi bỏ xác tại đây trong khi họ có diễm hạnh từ các chiến hào lầy lội chui lên, ném vũ khỉ xuống chân, đưa hai tay lên trời xin đầu hàng các chiến binh tầm vóc nhỏ bé, họ trở lại đây chiêm ngưỡng cánh đồng lúa Mường Thanh xanh ngát thanh bình chứ không phải là những chiến hào bom đạn cày nát phủ một màu trắng hếu những chiếc dù máy bay Pháp thả từ trên trời xuống như hồi nào. “Điện Biên Phủ là bãi chiến trường đầu tiên ở đó người chết cũng như mặt đất được liệm toàn bằng lụa trắng” (Bernard Fall)1. Nhà báo Trần Cư, phóng viên báo Quân đội nhân dân tại mặt trận ghi nhận một hình ảnh khác: “Ở Mường Thanh địch ra hàng như nước chảy”2.
Một tên tuổi lớn của văn học Pháp đương đại sớm đến Điện Biên Phủ sau ngày hòa bình lập lại là nhà văn, đại tá Jules Roy. Ông vốn là sĩ quan trong quân đội Pháp từ trước Chiến tranh thế giới thứ hai, phục vụ nhiều năm trong Lục quân Pháp tại châu Phi trước khi chuyển sang Không quân làm phi công lập nhiều chiến tích đánh phát xít Đức. Ông đã “khước từ vinh dự cầm vũ khí”, xin ra khỏi quân đội Pháp năm 1953 khi hay tin sắp được thăng hàm cấp tướng, bởi “sau vài tuần ở Đông Dương, tôi đã hiểu chúng tôi đang phục vụ một cuộc chiến tranh phi nghĩa”. Quá chán ngán vì những lời nói dối nhân dân của những người đứng đầu chính phủ Pháp hồi bấy giờ cùng những giọng lưỡi đổi trắng thay đen của những viên tướng bại trận đứng đầu là Tổng tư lệnh tướng bốn sao Henri Navarre, năm 1963 Jules Roy đã bay sang Việt Nam, xin phép được lên Điện Biên để tự mình tìm hiểu tại chỗ do đâu quân đội Pháp đầy quang vinh mà ông từng là một sĩ quan phục vụ hết mình, thất bại nhục nhã tại thung lũng này.
Lỗi tại ai?
Những gì tự mắt nhìn thấy tại Điện Biên Phủ và trong chuyến đi Việt Nam ấy đã giúp nhà văn, đại tá, phi công Jules Roy rút ra nhiều kết luận, tìm lời giải “Lỗi tại ai?”.
Theo ông, “trước hết tại chất lượng cao của những đối thủ, và sau đó, tại các vị chỉ huy cao cấp của ta quá tồi”. Quân đội nhân dân Việt Nam - mà cho đến tận ngày thảm bại ở Điện Biên Phủ, nhiều chính khách và báo chí cánh hữu Pháp vẫn cao ngạo gọi là “quân đội Việt Minh” cũng như gọi Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam là “Đài Việt Minh2 - gồm những chiến sĩ khó phân biệt họ là cấp tướng hay binh nhì, ngoài tuổi tác và màu chiếc ngôi sao đính ở mép cổ áo”. Không như quân đội Pháp, các vị chỉ huy quân đội Việt Minh “không có những cô thư ký xinh đẹp, không có những khẩu phần ăn đặc biệt, không có xe ô tô riêng, không có cờ hiệu phấp phới trong gió, nhưng trời đất ơi, họ lại có chiến thắng”. Và ông cảnh báo luôn người Mỹ: Một ngày nào đó, nếu các vị “có trách nhiệm bảo vệ phương Tây” phải đối đầu những đối thủ như Việt Minh, xin các vị chớ trông cậy vào các nguyên lý chiến lược hay là hỏa lực tên lửa của các vị, như tướng Navarre từng trông cậy ở pháo binh Pháp.
Là một sĩ quan lâu năm, quá am hiểu nội tình quân đội Pháp, Jules Roy rất cay cú chuyện này. Các tư lệnh quân Pháp ở Đông Dương không chỉ tồi về sự non kém chiến lược, chiến thuật, họ đều tự cao tự đại, chẳng ai tin ai, đánh giá thấp đối phương, họ không hiểu chút gì đối thủ của mình chỉ trông cậy vào vũ khí, họ tồi vì thiếu phẩm chất của người chỉ huy. Trong khi các tiểu đoàn trưởng Pháp mỗi lần ra trận bắt người phu khuân theo thùng rượu mạnh để trước khi lâm trận uống vào cho... bớt sợ, thì ở phía bên kia bất chấp hàng tấn, hàng tấn bom đạt trút xuống các tuyến giao thông, con đường tiếp đạn của quân đội nhân dân Việt Nam không bao giờ bị cắt. Không phải viện trợ nước ngoài đã giúp Việt Nam đánh bại Pháp tại Điện Biên Phủ như một số người nào đó cố tình rêu rao, mà chính là những chiếc xe đạp thồ 200 - 300kg hàng, đẩy bằng sức người dân công... đã chiến thắng. “Cái đã đánh bại tướng Navarre không phải là phương tiện, mà là sự thông minh và ý chí của đối phương” - Jules Roy viết.
Ấy thế mà trong nhật lệnh của mình và tại báo cáo gửi về Quốc hội - thiết chế nếu chưa hẳn đại diện thì ít nhất cũng là biểu trưng của nhân dân Pháp - tướng Henri Navarre dám muối mặt ngụy biện khi khẳng định rằng đạo quân xâm lược bị đánh tả tơi ở lòng chảo Điện Biên đã ghi “một trang sử thi tiếp theo những trang sử thi vinh quang nhất trong lịch sử quân đội Pháp” (!).
Tướng Đờ Cát, bộ tham mưu của ông ta và mười mấy ngàn binh sĩ đạo quân viễn chinh gồm rất nhiều quân Pháp và một số lính đánh thuê thuộc 17 quốc tịch khác nhau ra hàng Quân đội nhân dân Việt Nam ngày thứ sáu 7-5-1954, nhằm mùng năm tháng Tư năm Giáp Ngọ, cách năm Con Ngựa này của chúng ta tròn vận hội sáu mươi năm. Hai ngày sau, chủ nhật 9-5-1954, quân Pháp ở Hà Nội tổ chức diễu hành tưởng niệm những tên chết trận. Tại Nhà thờ lớn, một linh mục tuyên uý Pháp ca ngợi “sự hy sinh” của những người lính chết cho phi nghĩa. Tuy nhiên không có sự dối trá nào che đậy nổi sự thật. Nhật báo Pháp Le Monde số ra ngày hôm sau, thứ hai 10-5-1954, đưa tin trên lại không quên kèm chi tiết: “Trong thánh đường cũng như tại nơi diễn ra diễu hành ngày chủ nhật, hầu như chỉ có giới quân nhân tham dự”, trong khi “tối hôm trước, thứ bảy 8-5-1954, các hộp đêm Hà Nội vẫn đầy nghẹt người”. Mọi người đọc báo đều nhìn ra sự thật là người dân Hà Nội những ngày đêm ấy đang vui như mở cờ trong bụng, ngày đoàn tụ sắp tới gần rồi.
Nói như Henri Navarre, “quân Pháp ở Điện Biên Phủ đã hoàn thành sứ mệnh được giao”, “đã viết nên những trang sử thi oai hùng”, vậy thì tại sao tại Paris chiều 7-5-19541 thủ tướng Pháp Jean Laniel đóng bộ đồ đen tang tóc chỉ dùng những lúc đưa đám ma mà xuất hiện trước Quốc hội Pháp và nghẹn ngào báo cáo hỡi ôi, Điện Biên Phủ thất thủ mất rồi! Điện Biên Phủ thất thủ đúng một hôm trước ngày khai mạc Hội nghị Genève bàn về Việt Nam. Thực tế cả một bầu không khí tang tóc đột nhiên trùm xuống thủ đô nước Pháp giữa lúc đang chuẩn bị kỷ niệm mừng chiến thắng phát xít Đức 9-5-1945. Hồng y Giáo chủ Tổng Giám mục Paris mở lễ nguyện cầu tại Nhà thờ Đức Bà. Nhà hát lớn Paris bãi bỏ chương trình vũ ba lê của Nhà hát Moscou sang trình diễn lần đầu sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Truyền hình quốc gia Pháp thay tất cả các chương trình vui chơi, giải trí cuối tuần bằng những nhạc khúc tưởng niệm âu sầu! Nhật báo Le Parisien libéré chạy tít đậm suốt chiều ngang trang 1 : ĐIỆN BIÊN PHỦ THẤT THỦ. Quân đội Việt Nam xung phong đánh chiếm các chiến hào liên tục 20 giờ không một lúc ngừng. - “Họ còn cách chúng tôi có mấy mét. Họ đã lọt vào tất cả mọi nơi…”, đấy là thông điệp cuối cùng của tướng De Castries.
“Quân Pháp ở Điện Biên Phủ đã hoàn thành sứ mệnh được giao”, vậy hà cớ một ngày trước Tổng tư lệnh Pháp Navarre vội vã rời Hà Nội bay vào Sài Gòn, và tại châu Âu ngoại trưởng Mỹ Dulles bỏ Hội nghị Genève về nước ngay trước ngày hội nghị bàn vấn đề Việt Nam, để cho nhật báo Pravda (Liên Xô) có cớ đưa tin: “Ngoại trưởng Dulles đã trốn khỏi Genève”, trong khi đó tại Washington bộ trưởng quốc phòng Mỹ Wilson tuyên bố: “Chúng ta không thể một mình nhận lấy trách nhiệm bảo vệ phương Tây”, giúp nhật báo Washington Post (Mỹ) có cơ sở lập luận: “Hoa Kỳ đã thất bại nhục nhã ở Việt Nam”.
Tại chiến trường Điện Biên Phủ, ngồi bên hầm Đờ Cát chín năm sau ngày 7-5-1954 lịch sử, nhà văn đại tá Jules Roy khẳng định: “Điện Biên Phủ thất thủ gây nỗi kinh hoàng khủng khiếp. Đó là một trong những thảm bại lớn nhất của phương Tây, báo trước sự sụp đổ của các đế quốc thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa3. Tiếng súng Điện Biên Phủ đến nay vẫn còn vang vọng”.
Nhà văn Pháp Jules Roy qua đời ngày 15 tháng 6 năm 2000, thọ 97 tuổi. Ngày hôm sau 16-6-2000, nhật báo Libération đăng bài tưởng niệm có lời của cây đại thụ vừa ngã xuống: “Chúng ta hà tất phải phí bao công sức làm chiến tranh chống phát xít, để rồi tự mình trở thành những tên phát xít tại Đông Dương3”. Nhà báo Pháp Jacques Servan-Schreiber, người sáng lập và chủ nhiệm tuần báo L’Express, cho biết tại Hồi ký của ông: Năm 1963 sang Washington, ông có tặng tổng thống Mỹ John Kennedy cuốn Trận Điện Biên Phủ của Jules Roy. Tổng thống Mỹ nhờ vợ là bà Jacqueline một người thông thạo tiếng Pháp dịch và tóm tắt sang tiếng Anh luôn. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mc Namara và bộ trưởng tư pháp Robert Kennedy em trai tổng thống đều tìm mua cuốn La bataille de Dien Bien Phu chưa kịp phát hành bản dịch tiếng Anh.
Tổng thống Mỹ John Kennedy bị ám sát cuối năm 1963. Ngày nay không có cứ liệu để đánh giá cuốn sách của Jules Roy có góp phần tác động hay không vào ý đồ mới chớm của John Kennedy tìm cách đưa các lực lượng vũ trang Mỹ rút khỏi bãi lầy Việt Nam.
Thắng Pháp về quân sự, thắng Mỹ về chính trị
Một tên tuổi tỏa sáng khác cũng đã sớm đến lòng chảo Điên Biên gần như cùng thời với Jules Roy: Giáo sư quan hệ quốc tế, nhà sử học, nhà báo Bernard Fall1. Nhà văn Hữu Mai người thể hiện bộ Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Chiến thắng Điện Biên Phủ, là một trong số người Việt Nam đọc nhiều sách nhất của các tác gia nước ngoài viết về Điện Biên Phủ và Đông Dương, đã nói về Bernard Fall như sau: “Một người đã đứng bên chúng ta trong suốt cuộc trường chinh giành tự do, đã ngã xuống chiến trường như một chiến sĩ, mà chúng ta chỉ biết tới một cách muộn màng, đó là nhà báo, nhà sử học, người anh hùng Bernard Fall”2. Trong khi các cơ quan truyền thông lớn ở phương Tây như nhật báo Washington Post, đài phát thanh - truyền hình CBS (Mỹ) báo Le Monde (Pháp) đều tôn vinh Bernard Fall là một học giả - sử gia lớn, chuyên gia số 1 phương Tây về Việt Nam.
Nhà báo từ lâu đã đi vào huyền thoại ấy đã lên thăm Điện Biên Phủ. Chắc hẳn ông đã đến hầm Đờ Cát, đã ngồi xuống nghỉ chân ở chỗ tương đối sạch sẽ hơn cả tại nơi này, để tìm hiểu để suy ngẫm rồi viết ra một công trình nghiên cứu nổi tiếng về chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam và thảm bại của các lực lượng viễn chinh Pháp: Điện Biên Phủ, một góc địa ngục. Một cuốn sách được Roger Lévy, Tổng thư ký các Uỷ ban nghiên cứu về vấn đề Thái Bình Dương, đánh giá là “xét về thời gian thì chính xác đến từng phút một”, đó là “một tổng hợp những nhận xét quân sự, kỹ thuật và chính trị”, “một tiếng nói không bao giờ tắt vì nó là sự thật”.
Bernard Fall đã đến Việt Nam, đã lên Điện Biên Phủ, đã đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều chứng nhân. Ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp Pierre Messmer đích thân cho phép ông tiếp cận các hồ sơ quân sự tuyệt mật của Pháp. Ông đã trao đổi với nhiều chính khách, nhà quân sự, những người am tường thông tin nhất về Việt Nam ở Mỹ. Ông đã đọc hầu hết những cuốn viết về Điện Biên Phủ, về Việt Nam đã xuất bản cho đến lúc bấy giờ (một số cuốn còn đang dạng bản thảo) để rồi vào lúc các bác sĩ phát hiện ông mang trọng bệnh trong người, vẫn cùng với vợ là bà Dorothy “sống ba năm với các bóng ma Điện Biên Phủ” chỉ nhằm mục đích “vạch trần những giọng điệu tuyên truyền và những lời dối trá của phương Tây”, từ đó đưa “một lời cảnh tỉnh Mỹ chớ có lún sâu hơn nữa can thiệp vào nội tình Đông Dương”.
Làm xong cuốn Điện Biên Phủ, một góc địa ngục, Bernard Fall lại tìm cách sang Việt Nam, kiếm thêm tư liệu viết một công trình khác cảnh báo nhân dân Mỹ chớ tin theo các luận điệu dối trá của nhà cầm quyền họ, bởi qua bài học Điện Biên Phủ trước sau rồi Mỹ cũng sẽ thất bại ở Việt Nam thôi. Lúc này đã có mặt gần nửa triệu quân Mỹ ở miền Nam nước ta1. Bernard Fall không may chết vì dẫm phải mìn khi đang theo cuộc hành quân càn quét của một tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến Mỹ gần “Con đường không vui” tỉnh Quảng Trị tháng 2 năm 1967 - cái chết mà nhà văn Hữu Mai ta sẽ gọi là “ngã xuống chiến trường như một chiến sĩ vì tự do”.
Giáo sư, nhà sử học, nhà báo Bernard Fall đã rút ra những kết luận như thế nào về trận Điện Biên Phủ năm 1953 - 1954?
Tôi nghĩ không gì bằng chúng ta xông luôn vào những trang cuối của công trình dày hơn 800 trang sách, chương Lời Bạt. Rốt cuộc, nói theo lời Giáo sư Roger Lévy: “Quần chúng không biết hoặc không quan tâm đến những ngày tháng năm lịch sử. Chỉ một số người còn nhớ tới. Tuy nhiên ba tiếng Điện Biên Phủ còn vang mãi trên tất cả các lục địa”.
Sau ba năm sống với các bóng ma Điện Biên Phủ, vào lúc biết mình đang mang trọng bệnh, và rồi trời chỉ cho ông tại thế hai năm nữa thôi để miệt mài theo đuổi cuộc trường chinh tìm sự thật, Bernard Fall hạ bút: Trong quá trình phi thực dân hóa trên thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trước những làn sóng dâng như những đợt triều cường của phong trào nhân dân các nước bị đô hộ, bị lệ thuộc đứng lên đấu tranh đòi lại quyền độc lập tự do, “nhiều quốc gia thực dân đã từ bỏ thuộc địa của mình cho những lực lượng bảo vệ chúng, như Hà Lan ở Inđônêxia, Anh tại Ấn Độ, và nhiều nước khác trong đó có Pháp ở Algérie và Anh ở Chypre rốt cuộc đã phải rút khỏi thuộc địa sau những cuộc chiến tranh kéo dài, đẫm máu và giằng co, thì “duy nhất chỉ có ở Điện Biên Phủ, một cường quốc thuộc địa lần đầu tiên bị đánh bại tại chiến trường”.
Tác giả khẳng định: “Điện Biên Phủ là một chiến thắng tại đó Việt Nam thắng Pháp về quân sự và thắng Mỹ về chính trị”, “Điện Biên Phủ không chỉ là một thất bại riêng của Pháp mà còn là một thất bại của Mỹ”.
Còn hơn Jules Roy ngồi suy ngẫm bên hầm Đờ Cát cảnh báo “những vị có trách nhiệm bảo vệ phương Tây”, Bernard Fall nói toạc ra: “Vào những năm 1953 - 1954, người Pháp hoàn toàn tin cậy vào các ông thầy Mỹ. Họ đã phải trả giá sai lầm đó bằng 48 máy bay bị bắn rơi tại trận, 14 chiếc bị phá huỷ dưới đất ở Sân bay Mường Thanh và 167 chiếc bị hư hại trên bầu trời thung lũng”. Một thất bại hết sức nặng nề, bởi hồi đó không quân Pháp không bao giờ có thể huy động nổi 115 máy bay vận tải, trinh sát và 65 máy bay chiến đấu. Cuối cùng Mỹ bỏ của chạy lấy người, không thể và không dám tiếp tục dấn thân giúp nước đồng minh của mình nhiều hơn nữa, để mặc cho Pháp thua trận thảm hại, cho tướng De Gaulle một lần nữa chua cay khẳng định: không bao giờ có thể trông cậy vào Mỹ trong cuộc khủng hoảng không trực tiếp liên quan đến họ.
Hệ quả thứ ba của Điện Biên Phủ, theo Bernard Fall, là “Điện Biên Phủ đã đánh dấu sự ra đời của Quân đội nhân dân Việt Nam”. Lẽ đương nhiên vị giáo sư sử học không phải không biết ngày khai sinh của Quân đội ta là ngày 22-12-1944. Dưới con mắt của các chính khách, học giả nặng đầu óc nước lớn và báo chí phương Tây kênh kiệu vào thời gian trước Điện Biên Phủ, quân đội Việt Nam chỉ là “quân Việt Minh” - hàm ý một đội quân du kích chân trần lội bộ, vai khoác khẩu súng trường bắn từng phát một, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội ta họ gọi là “Bộ Tư lệnh Việt Minh”, Đài phát thanh quốc gia ta là “Đài Việt Minh”. Chắc không ít người trong họ vẫn nuôi ảo tưởng cuối cùng rồi đối phương sẽ thất bại. “Ngay trong Chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Pháp cũng chưa bao giờ dựng lên một hệ thống phòng ngự mạnh như tại Điện Biên”1 Điện Biên Phủ thất thủ làm họ ngã ngửa ra: những người vừa chiến thắng họ là “những đối thủ chất lượng cao”, một đạo quân hùng mạnh - quân đội của nhân dân, vì nhân dân đang tiến lên chính quy, hiện đại.
Biểu trưng của thời đại
Tròn hai mươi năm về trước, kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết:
“Sau ngày 7 tháng 5 năm 1954, xuất hiện một cụm từ như là biểu trưng của thời đại:
Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ.
Việt Nam là đất nước anh hùng, là con người sáng tạo. Hồ Chí Minh là đường lối đúng đắn. Điện Biên Phủ là thắng lợi vẻ vang. Ý nghĩ cụm từ ấy càng sâu sắc bốn chục năm sau, đẹp thêm bởi cành nguyệt quế mùa Xuân 1975 toàn thắng và những thành tựu Đổi Mới đang làm cho đất nước ta chuyển biến từng ngày”3.
Từ những ý tưởng trên của Đại tướng hai mươi năm về trước, phải chăng ngày nay chúng ta được phép trình bày những cái mốc thiêng liêng theo trình tự thời gian gần một thế kỷ qua đại thể như sau: Việt Nam - Cách mạng Tháng Tám 1945 - Điện Biên Phủ 1954 - Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 - Đổi Mới 1986 - và...
Những cái mốc thiêng liêng còn nối tiếp và ngày càng ngời sáng với độ lùi của thời gian.
Nhà báo Phan Quang