Ở tuổi 70, NSND Quang Thọ yêu cầu MC: “Đừng gọi tôi bằng chú”
(Dân trí) - Sau tràng pháo tay vang dội khán giả dành cho giọng ca lão làng ở tuổi 70 vẫn giữ chất giọng vang, rền, khỏe; khi đứng giao lưu trên sân khấu, NSND Quang Thọ quay sang MC Mỹ Lan yêu cầu: “Đừng gọi tôi bằng chú”...
Đúng 8 giờ tối ngày 11/11, liveshow kỷ niệm 50 năm ca hát của NSND Quang Thọ mở màn với ca khúc từng gắn bó với tên tuổi của mình: “Tôi là người thợ lò”, rồi “Lá đỏ”. “Ánh mắt, kỷ niệm về một thời đã xa bỗng hiện rõ mồn một trong tôi. Phải chăng ánh mắt, nụ cười ấy chính là của em- người con gái tiền phương mà tôi đã gặp trên đường hành quân ngày ấy”, NSND Quang Thọ chia sẻ về ca khúc “Lá đỏ”.
Tiếp theo là “Bài ca xây dựng” được NSND Quang Thọ trải lòng: “Về con đường âm nhạc của Quang Thọ, thì không ít quý vị đã biết. Nhưng tôi vẫn xin thổ lộ một chút, sau ngã rẽ thứ nhất- theo các chiến sĩ trên đường Trường Sơn để hát cho bộ đội và thanh niên xung phong nghe. Sau 2 năm, Quang Thọ trở về miền Bắc, được đi học. Và một thành tựu vô cùng to lớn đối với Quang Thọ đó là tấm HCV đầu tiên trong cuộc đời ca hát của mình tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức vào năm 1980 tại Hà Nội. Ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Vân đã giúp Quang Thọ nhận giải thưởng đó chính là “Bài ca xây dựng.”
Rồi “Đêm đông”, “Bình Trị Thiên khói lửa”- hát cùng Đăng Dương, Trọng Tấn.
Sau khi thể hiện “Tình ca”, NSND Quang Thọ nán lại trên sân khấu giao lưu cùng khán giả. Khi MC Mỹ Lan hỏi về chủ đề liveshow “Hãy đến với anh”: “Đến với chương trình của người nghệ sĩ đã gắn bó với nhạc cách mạng, nhạc thính phòng thì sẽ không thể tưởng tượng nổi mình được chìm đắm trong không gian âm nhạc sôi nổi và hào hứng đến thế.
Khán giả đã quen thuộc với NSND Quang Thọ với nhiều ca khúc cách mạng, những ca khúc thể hiện tình yêu, niềm tự hào với quê hương, đất nước. Theo lẽ thường, những người nghệ sĩ như thế thường chọn cái tên cho liveshow của mình cũng mang phong cách nhạc cách mạng, ví dụ “Đường chúng ta đi”, “Giai điệu tổ quốc”... chẳng hạn. Thế nhưng, chú lại chọn cái tên đầy lãng mạn “Hãy đến với anh”? Tại sao ạ?”
“Tại sao tôi lại chọn cái tên rất trẻ “Hãy đến với anh”? Thực ra, đây là tên ca khúc của nhạc sĩ Duy Thái. Tên ca khúc là “Hãy đến với em”, bởi Duy Thái viết bài này cho phụ nữ. Nhưng, tôi thích ca khúc này, nên xin phép Duy Thái đặt lại là “Hãy đến với anh”. Hôm nay đây, có rất nhiều tầng lớp, thế hệ khán giả đã đồng hành với tôi trong suốt chặng đường âm nhạc 50 năm qua. Bây giờ, có rất nhiều những em rất trẻ cũng đồng hành với tôi trong các chương trình ca nhạc. Và tôi muốn nói rằng, hãy đến với tôi! Để cho trẻ hơn, nhất là đối với các bạn trẻ bây giờ, tôi nói là: Hãy đến với anh”, NSND Quang Thọ chia sẻ.
Ông cũng quay sang MC Mỹ Lan hóm hỉnh yêu cầu: “Vì thế, Mỹ Lan cũng đừng gọi tôi bằng chú” khiến khán giả bật cười, vỗ tay rào rào. Mỹ Lan cũng khéo léo: “Nếu gọi anh thì Mỹ Lan sợ cô Thanh (vợ NSND Quang Thọ - PV) lại mắng, vì thế cho phép Mỹ Lan xưng tên vậy”...
Không chỉ giao lưu hóm hỉnh trên sân khấu, NSND Quang Thọ cũng không ngần ngại giới thiệu “cô bạn gái cũ” đang ngồi dưới hàng ghế khán giả. Cô bạn học được giọng ca lão làng thương thầm ngày nào giờ tóc đã bạc, đi lại không còn nhanh nhẹn nhưng vẫn lên sân khấu tặng hoa cho cậu bạn năm xưa. Chứng khiến khoảnh khắc ý nghĩa của đôi bạn học ngày nào giờ đã ở cái tuổi bên kia dốc cuộc đời, khán giả không khỏi cảm động.
Có thể nói trong khoảng thời gian gần 3 tiếng đồng hồ, NSND Quang Thọ đã hát đơn ca khoảng gần 10 ca khúc, còn lại phần trình diễn kết hợp ăn ý, thú vị cùng các học trò như Trọng Tấn, Đăng Dương, Tùng Dương, Lan Anh, Tân Nhàn, Tuấn Anh, Khánh Linh, Quang Tú...
Hàng loạt ca khúc như “Đêm Hạ Long biển hát”, “Trường ca sông Lô’, “Thu quyến rũ”, “Chiều hải cảng”, “Hà Nội đêm trở gió”,“Hãy đến với anh”... được NSND Quang Thọ cùng các học trò hát tri ân với khán giả đang ngồi chật kín khán phòng.
Theo NSND Quang Thọ, là người con vùng Mỏ, thậm chí được mẹ sinh ra ngay trên thuyền; ông gắn bó tận cùng máu thịt với biển, với hương vị mặn mòi của biển cả. Những gì thuộc về biển, về quê hương luôn lan tỏa ấm áp trong trái tim ông.
Trước sức bền bỉ, dẻo deo của giọng ca đi cùng năm tháng như NSND Quang Thọ, các ca sĩ học trò cũng bày tỏ lòng ngưỡng mộ, sự kính trọng.
“Đăng Dương rất may mắn khi là một trong những học trò của thầy, NSND Quang Thọ. Những năm 90, Đăng Dương học thanh nhạc và được gặp thầy Quang Thọ. Cho đến nay đã gần 30 năm. Đêm nay, cảm xúc của Đăng Dương rất đặc biệt, đây không phải chương trình biểu diễn bình thường mà là chương trình khiến Đăng Dương nhớ rất nhiều kỷ niệm của hai thầy trò. Thầy Quang Thọ là người Đăng Dương vô cùng kính trọng, ngoài được thầy dạy dỗ, giọng hát của thầy có thể nói là có một không hai ở nước Việt Nam. Rất khó để có giọng hát đẹp, bền vững đến ngày hôm nay của thầy”, Đăng Dương chia sẻ.
“Hoàng tử nhạc đỏ ”Trọng Tấn bày tỏ: “Trọng Tấn là học trò, gắn bó, đồng hành cùng thầy Quang Thọ hơn 20 năm. Trọng Tấn không được thầy trực tiếp giảng dạy như anh Đăng Dương nhưng được thầy chia sẻ kinh nghiệm, dàn dựng rất nhiều tác phẩm cho các cuộc thi và biểu diễn. Trọng Tấn kính trọng người thầy đôn hậu, đầy ắp tình nghệ sĩ. Thầy là ngôi sao sáng, là tấm gương lớn cho các thế hệ học trò, nghệ sĩ đi sau học tập, tiếp nối. Ở tuổi 70, thầy vẫn giữ nội lực thâm hậu...”
Tùng Dương cũng chia sẻ, ngày anh gặp NSND Quang Thọ bị ông chê “bé tí thế kia” hát hò sao được. Cũng chính từ sự dạy dỗ, tấm gương sáng từ người thầy góp phần có một giọng ca Tùng Dương ngày hôm nay.
Ngoài các phần kết hợp vô cùng thú vị cùng học trò, NSND Quang Thọ còn khiến khán giả kinh ngạc khi "tái ngộ" với giọng hát soprano huyền thoại của Việt Nam - cố NSND Lê Dung ngay trên sân khấu. Khi giọng hát của cố NSND Lê Dung được cất lên kèm hình ảnh bà, hình ảnh Lê Dung hát cùng Quang Thọ được chiếu sáng, có thể nói đó là khoảnh khắc vừa sáng chói vừa cảm động, đem đến sự trọn vẹn cho không gian âm nhạc.
Không chỉ là giọng nữ hàng đầu, kết hợp ăn ý với NSND Quang Thọ lúc sinh thời, cố nghệ sĩ Lê Dung còn là đồng hương Quảng Ninh với Quang Thọ. Sự đồng điệu về tri thức hát và dòng nhạc, cùng hoàn cảnh trưởng thành của giọng hát từ hầm lò đến thao trường, giảng đường, Lê Dung và Quang Thọ luôn là cặp đôi ăn ý và mẫu mực trong dòng nhạc thính phòng nói riêng và nhạc cổ điển Việt Nam.
Nguyễn Hằng