Ở nơi người dân đi xem kịch nhiều hơn đi xem bóng đá
(Dân trí) - Mùa giải bóng đá Ngoại hạng Anh chỉ còn vài tuần nữa sẽ diễn ra. Tin tức về giải sẽ tràn ngập các trang tin của Anh, tuy vậy, giải bóng tưởng là sự kiện hấp dẫn nhất nước Anh hóa ra vẫn xếp thứ hai sau kịch nghệ.
Thực tế, tổng số tiền mà người Anh trả cho việc mua vé xem giải bóng này vẫn không nhiều bằng số tiền họ trả cho việc đi xem kịch. Đây là hiện thực đáng mơ ước đối với nhiều quốc gia, nơi có nền kịch nghệ đang phải chống chọi với vô vàn khó khăn kinh tế và sự thờ ơ của khán giả.
Theo một thống kê của Nhà hát Quốc gia Anh và Hiệp hội Nhà hát London, số người đến xem kịch ở các nhà hát lớn tại thành phố London hằng năm nhiều hơn số người đến xem các trận bóng ở giải Ngoại hạng Anh trên khắp cả nước.
Những vở kịch đã trở thành kinh điển đối với người Anh như “Giấc mộng đêm hè”, “Vua sư tử” hay “Bẫy chuột”… được diễn đi diễn lại từ năm này sang năm khác nhưng năm nào cũng thu hút hàng triệu người xem.
Mỗi năm, trung bình có khoảng 22 triệu lượt khách đến xem các vở kịch tại các nhà hát ở London, trong khi đó, chỉ có chưa tới 14 triệu lượt người đến xem 380 trận bóng của giải Ngoại hạng.
Trong năm 2011-2012, thống kê cho thấy có 21 triệu lượt khách đến xem kịch tại các nhà hát ở London, đem lại số tiền thu từ phòng vé vào khoảng 609 triệu bảng (gần 22 nghìn tỉ đồng). Con số này tăng lên vào khoảng 22 triệu lượt khách vào năm 2012-2013, đem về số tiền bán vé vào khoảng 619 triệu bảng, tăng 5,2%.
Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với kịch nghệ Anh giữa bối cảnh kinh tế khó khăn và người dân nói chung, đặc biệt là thế hệ trẻ, đang ngày càng bị những thiết bị công nghệ và đời sống trên mạng xã hội lôi cuốn.
Tuy vậy, cũng cần thấy rằng giải bóng Ngoại hạng Anh chỉ kéo dài từ tháng 8 năm nay tới tháng 5 năm sau, trong khi đó, những vở kịch được yêu thích sẽ được các nhà hát ở Anh diễn hai lần một ngày và cả 7 ngày trong tuần.
Anh là một trong những quốc gia có nền kịch nghệ phát triển nhất thế giới, chỉ tính riêng thành phố London đã có tới 241 nhà hát chuyên nghiệp với hơn 110.000 ghế ngồi cho khán giả.
Ở nhiều quốc gia, trong khi kịch nghệ đang “lay lắt” chống chọi để vượt qua vô vàn khó khăn, thì ở Anh, kịch nghệ “sống tốt” và “sống khỏe”. Ở đây, người dân thích đi xem kịch hơn đi xem bóng đá, thích hơn cả đi xem phim ngoài rạp.
London từ trước đến nay vẫn được mệnh danh là thành phố kịch nghệ của thế giới.
Những nhà hát ở London được yêu thích hơn cả giải Ngoại hạng Anh dù ở giải này có quy tụ những câu lạc bộ hàng đầu thế giới như Arsenal và Manchester United.
Các nhà hát ở London thuê mướn khoảng hơn 3.000 diễn viên chuyên nghiệp và hơn 6.500 nhân viên phục vụ, đó là chưa kể hàng ngàn diễn viên thời vụ không chuyên.
Bích Ngọc
Theo Daily Mail