Ở nơi múa ba lê bị xem là... tội lỗi
(Dân trí) - Ở Iraq, múa ba lê bị coi là không đứng đắn, là tội lỗi và những người theo đuổi môn nghệ thuật này luôn phải “sống trong sợ hãi”.
Giống như nhiều cô gái trẻ khác, Leezan Salam (17 tuổi) cũng có ước mơ của mình. Cô khao khát trở thành một diễn viên múa ba lê và có thể biểu diễn trên sân khấu lớn vào một ngày nào đó.
Tuy vậy, để đạt được ước mơ không dễ dàng gì đối với Salam bởi cô đang sống tại thành phố Baghdad (Iraq) - một nơi mà mới 4 tháng đầu năm đã có hơn 2.000 người thiệt mạng vì những vụ đánh bom nơi công cộng.
Bên cạnh đó, những tín đồ Hồi giáo cực đoan cho rằng múa ba lê là một điều gì đó đầy tội lỗi khi phụ nữ khoe ra cơ thể và nhún nhảy cho người khác xem.
Bất chấp những mạo hiểm, Salam vẫn tiếp tục tham gia luyện tập tại trường nghệ thuật ở thành phố Baghdad - nơi duy nhất ở Iraq có dạy múa.
Leezan Salam (17 tuổi) đang mạo hiểm theo đuổi ước mơ trở thành một diễn viên múa ba lê chuyên nghiệp.
Salam chia sẻ: “Thường khi bạn bắt đầu học tập tại một ngôi trường nào đó, bạn nghĩ rằng mình đang đến một nơi chứa đầy hy vọng về tương lai, một nơi yên bình như người ta thường nói - ngồi trên ghế nhà trường…” nhưng Salam không được hưởng những điều cơ bản đó. Kể từ khi xin học ở trường múa 10 năm trước, cô đã luôn phải đấu tranh tư tưởng.
“Cuộc sống ở đây hoàn toàn khác. Ở ngoài kia, người ta thường thấy những vụ đánh bom xe hơi, những vụ xả súng bất ngờ xảy ra. Hy vọng về tương lai và sự yên bình trong hiện tại là những thứ xa vời”, Salam cho biết.
Tuy vậy, Salam vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ trở thành nghệ sĩ múa bất kể sự bất ổn đang ngày ngày diễn ra ở nơi cô sống, bất kể những tín đồ Hồi giáo cực đoan rất kỳ thị môn nghệ thuật múa vì cho rằng đây là một hành động chống lại tín ngưỡng. Bất cứ lúc nào cô cũng có thể trở thành mục tiêu của “sự trừng phạt”.
Vì lo sợ cho an toàn của giáo viên và học sinh, nhà trường đã phải thuê 4 bảo vệ có vũ trang vì sợ trường có thể bị tấn công bất cứ lúc nào. Tuy vậy, điều này chỉ có thể giúp bảo vệ thầy trò nhà trường khi họ giảng dạy và học tập tại đây, khi ra đường, không ai có thể nói trước điều gì.
Một trong hai giáo viên dạy múa của nhà trường - cũng đồng thời là những giáo viên dạy múa cuối cùng ở Iraq - cô Wassan Jassim cho biết: “Ba lê bị cấm và bị coi là báng bổ tại đây”.
Giống như mọi người dân khác ở Baghdad, Salam phải đối mặt với những hành vi bạo lực đẫm máu xảy ra hàng ngày khiến khoảng 200 người thiệt mạng mỗi tuần.
Vì không được hỗ trợ và bảo vệ nên các thầy trò nhà trường tránh việc biểu diễn nơi công cộng. Đó là một thực tế đau lòng đối với họ. Trong cộng đồng, họ cũng không thể công khai nói rằng tôi là giáo viên hay học viên múa ba lê.
Nỗi lo sợ thường trực bấy lâu của các học viên trường nghệ thuật Baghdad cuối cùng đã trở thành sự thực khi một học viên của nhà trường, một nam sinh theo học chuyên ngành âm nhạc đã bị thiệt mạng trong một vụ đánh bom.
Bạn của Salam - Ali Nouri - đã qua đời trong một vụ đánh bom xe buýt.
Bất chấp mọi nguy hiểm, Salam vẫn quyết không từ bỏ việc học. Cô dự định nếu không thể trở thành nghệ sĩ múa thực thụ, cô sẽ trở thành giáo viên múa ba lê.
Thầy trò nhà trường đều rất lo sợ về một tương lai u ám có thể xảy đến với họ cũng như ngôi trường bất cứ lúc nào.
Chỉ còn 10 tháng nữa, Salam sẽ tốt nghiệp và phải đưa ra những quyết định khó khăn. 40% nghệ sĩ Iraq đã rời bỏ đất nước để ra nước ngoài sinh sống, cô sẽ làm theo họ hay sẽ ở lại Baghdad và tiếp tục mạo hiểm?
“Tôi luôn hy vọng sẽ trở nên nổi tiếng trong thế giới Ả Rập nhưng nếu ở lại Baghdad tôi sẽ không có thêm được kinh nghiệm nào mới mẻ, không học thêm được gì nữa, tôi sẽ chỉ có thể trưởng thành trong nghề đến thế này thôi”, Salam chia sẻ.
Bất kể những khó khăn, Salam vẫn hy vọng một ngày nào đó cô có thể biểu diễn trên sân khấu lớn tại quốc gia mình.
Bích Ngọc
Theo DM