Ồ ạt show “cháy vé” có nên vui?

Ai cũng kêu “kinh tế khó khăn” nhưng lạ một điều, các show ca nhạc từ tạp kỹ tới tinh túy vẫn sáng đèn từ Nam ra Bắc với giá vé trên trời mà vẫn “cháy”. Hóa ra trong thời buổi “thóc cao gạo kém” này, kinh doanh hàng xa xỉ lại là lựa chọn tốt nhất?

Nhìn vào sự nở rộ của các show biểu diễn nghệ thuật được dán mác “chất lượng cao” người ta vừa mừng vừa lo. Có người tin văn hóa chúng ta đang được leo dốc trở lại. Nhưng có người hoài nghi đó chỉ là mặt nổi của tảng băng. Chưa kể, có người thấy buồn khi thấy vé xem một chương trình ca nhạc có thể đủ nuôi sống một người trong một tháng và giật mình bởi khoảng cách giàu nghèo.

Nấm mọc sau mưa

Đầu năm, liên tiếp các dự báo xấu về sự phát triển kinh tế. Tuy thế, một show diễn được cho là có giá vé “trên trời” nhất đã ra lò và hết vé, đó là show múa đạt kỷ lục Guinness: “Sen” được công diễn vào cuối tháng 1/2013 có giá vé trung bình lên tới 5.000.000 đồng và vé Vip còn lên tới 10.000.000 đồng/chỗ. Ngay sau tết Nguyên đán, tại Sài Gòn từ nhà hát đến phòng trà nhiều show đang rậm rịch ra sân. Đặc biệt phải kể đến “Nghìn trùng xa cách”, diễn ra ngày 2/3 tại Nhà hát Hòa Bình cũng vẫn giữ giá vé từ 2.000.000 đồng đến 2.200.000 đồng/vé.

Tại Hà Nội, trong năm 2012 có tới gần chục đêm nhạc của Trịnh Công Sơn hoặc có phần nhạc Trịnh, nhưng ngay đầu năm 2013 nhà sản xuất Mediamax lại cho tổ chức tiếp một show mang tên “Ru tình” vào hai ngày 7 và 8/3. Vẫn giá vé cao ngất như nhiều liveshow ca nhạc trong năm cũ: thấp nhất 600.000 đồng/vé, cao nhất 2.000.000 đồng/vé, nhưng đến nay còn khoảng một tuần mới công diễn nhưng những vị trí đẹp đã được bao sân hết.

Nhạc sĩ Trần Tiến và Trần Thu Hà trong đêm nhạc Như chờ từng giấc mơ”

Nhạc sĩ Trần Tiến và Trần Thu Hà trong đêm nhạc "Như chờ từng giấc mơ”

Bên cạnh đó, hiện trên khắp các tuyến phố nở rộ áp phích, banner của các show ca nhạc chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ. Người thích hài hước có thể tìm đến với Xuân Hinh, Minh Vượng, người yêu thích sự đằm thắm có thể nghe Evils Phương, người trẻ trung có Uyên Linh, Văn Mai Hương và đặc biệt có hẳn một men show gồm các bản tình ca, tiền chiến dành tặng cho những người yêu thích dòng nhạc này. “Super Stars Night 2”, “Giai nhân” gồm toàn các ca sĩ nữ bên cạnh người nam ca sĩ duy nhất Đàm Vĩnh Hưng sẽ diễn ra hai ngày trước ngày kỷ niệm của chị em trên toàn thế giới. “In the Spotlight” cứ hai tháng tổ chức một lần và hiện đã trở thành show ca nhạc hạng sang thay thế “Không gian âm nhạc” trước đó cũng được nhà tổ chức cho biết vé ế, vé thừa rất ít.

Còn nhớ, năm 2012 cũng là năm nhiều khán giả “phát cuồng” với show diễn của Bằng Kiều, dù giá không hề rẻ (cao nhất 4.000.000 đồng/vé). Câu chuyện về việc “mua được vé Bằng Kiều rồi” vẫn còn râm ran dư luận nhiều ngày sau đó.

Văn hóa đang leo dốc trở lại?

Nhìn về khía cạnh nhiều khán giả dám bỏ tiền triệu cho các show diễn, chứng tỏ những chương trình nghệ thuật tử tế đang leo đốc trở lại. Hàng loạt liveshow, live concert có chất lượng cao, thu hút những người nghe có trình độ thẩm mỹ, góp phần đưa nền âm nhạc đi lên. Tại Hà Nội phải ghi nhận chuỗi chương trình “Không gian âm nhạc”, có thể nói đây là chương trình âm nhạc có đẳng cấp đầu tiên xuất hiện trở lại Hà Nội sau nhiều năm tung hoành của các đêm nhạc tạp kỹ. Đáng tiếc, vì nhiều lý do, “Không gian âm nhạc” tạm dừng.

Và ngay đó, chuỗi chương trình “In the Spotlight” đề cao giọng hát ca sĩ, dàn nhạc, phần phối khí, âm thanh, chiếm kinh phí đầu tư rất lớn nhưng cũng nhận được nhiều sự ái mộ của khán giả. Sau chương trình đầu tiên “Tuấn Ngọc - Riêng một góc trời” đêm đầu tiên bán vé có vẻ khó khăn thì ngay sau đêm diễn, qua báo chí và phản hồi của người xem chương trình, khách hàng tới tấp gọi điện đặt vé cho đêm diễn thứ hai.

Hầu hết các chương trình ca nhạc luôn cháy vé”

Hầu hết các chương trình ca nhạc luôn "cháy vé”

Tình trạng đó cũng lặp lại trong “In the Spotlight” số 2 với “Mỹ Linh - Và em sẽ hát”. Tuy nhiên, cũng chỉ sau một đêm, khi khán giả được thưởng thức một bữa tiệc âm nhạc thực sự với hình ảnh và âm nhạc của Mỹ Linh từ 20 năm trước đến thời điểm hiện tại, thì tình trạng khán giả đổ xô đi mua vé đã lặp lại. Thừa thắng, “Mỹ Linh - Và em sẽ hát” tiếp tục chinh phục khán giả TP HCM và Đà Nẵng. Sau đó “Trần Tiến - Như chờ từng giấc mơ” đã xảy ra hiện tượng khán giả xếp hàng mua vé ở cổng Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội. Việc “cháy vé” của chuỗi chương trình này không đơn thuần chỉ là hiệu quả kinh doanh, mà khẳng định cách làm nhạc chân chính, nghiêm túc và tâm huyết đã thuyết phục được khán giả. Nói theo nhạc sĩ Dương Thụ: “Nhiều người bảo văn hóa của chúng ta xuống cấp quá rồi. Làm sao mà xuống cấp được nữa. Thôi thì chúng ta phải leo dốc trở lại thôi”.

Bên cạnh “Không gian âm nhạc”, chuỗi chương trình “In the Spotlight” thì các đêm nhạc như “Cầm tay mùa hè” của nhạc sĩ Quốc Trung; “Âm nhạc trên tầng cao” của Huy Tuấn, “Anh Quân và ban nhạc Anh Em” và mới đây là dự án “Khởi nguồn” của Quốc Trung; liveshow “Tùng Dương hát tình ca” hay “Những câu chuyện kể của tôi” của nhạc sĩ Dương Thụ, hòa nhạc Luala concert cùng các chương trình hòa nhạc cổ điển do “Hoàng tử” violon Bùi Công Duy và MC Anh Tuấn thực hiện đã làm cho bức tranh đời sống âm nhạc nói riêng, nghệ thuật nói chung khởi sắc dần trở lại.

Nhà giàu cũng mê

Còn nhớ, cách đây 2 năm (2010), khi Tuấn Vũ về nước, giá vé mỗi đêm diễn dao động từ 600.000 đồng đến 1.700.000 đồng vẫn kéo khán giả đến kín Nhà hát Lớn suốt 6 đêm diễn. Năm 2011 giá vé show “Chế Linh, 30 năm tái ngộ” giá vé đã leo lên 3.000.000 đồng. Cá biệt, show diễn của Bằng Kiều có mức vé Vip lên tới 4.000.000 đồng. Nhìn mức vé tăng lên chóng mặt theo năm, tỷ lệ nghịch với tăng trưởng kinh tế khiến không ít người đặt câu hỏi tại sao. Điều đáng nói hơn, ở hải ngoại, tại các câu lạc bộ, casino hay những chương trình đại nhạc hội giá vé cũng chỉ dao động từ 30USD (tương đương 600.000 đồng) tới 150USD (3.000.000 đồng). Nếu làm phép so sánh, giá vé tại Việt Nam còn cao hơn cả giá vé xem show ở nước ngoài.

Trong khi đó, nhìn vào mức thu nhập trung bình của người Việt Nam năm 2012 khoảng 1.540USD/người/năm (hơn 30.000.000 triệu đồng/năm) sẽ thấy giá vé của mỗi đêm biểu diễn kể trên “trên trời” so với mức sống trung bình của người Việt. Như vậy có nghĩa giá một vé xem show diễn có thể nuôi sống một người khác trong một tháng. Tuy thế, điều đáng nói, các chương trình này ngày càng nhiều và không hề có tín hiệu xấu, mặc các dự báo về suy thoái kinh tế vẫn luôn treo lơ lửng trên mặt báo. Điều đó chứng minh rằng, khoảng cách giữa giàu - nghèo trong xã hội ngày một tăng cao và ngày càng cách xa. Vậy không biết nên mừng hay nên lo?

Theo Hằng Nga
Petrotimes