TPHCM:
Nước mắt rơi trong ngày hạnh ngộ của Annette và vợ các phi công kiên trung
(Dân trí) - 22 năm, nỗi đau còn đó. Khoảnh khắc của ký ức kinh hoàng vụ máy bay Yak 40 rơi vẫn hiện hữu. Nước mắt, nỗi đau, hạnh phúc hòa quyện vào nhau trong ngày nữ hành khách duy nhất sống sót được hạnh ngộ với người thân của những phi công kiên trung.
(Thực hiện Video: Thy Ngân)
Nhìn vào điều tốt đẹp
Sáng 12/8, tại TPHCM đã diễn ra buổi giao lưu với độc giả Việt Nam của cô gái Hà Lan Annette Herfkens, người duy nhất sống sót trong vụ tai nạn máy bay năm 1992 tại núi Ô Kha, xã Sơn Trung, Khánh Sơn, Khánh Hòa. Cô cũng là tác giả cuốn hồi ký: “192 hours - Giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh”.
Trong trang phục lịch sự, trang trọng nhưng với vẻ mặt điềm tỉnh, vướng chút ưu tư, Annette đã chia sẻ những điều thú vị về cuộc đời mình và khoảnh khắc cam go, vượt đau đớn, thủ thách để duy trì sự sống trong vụ rơi máy bay.
Ngày 14/11/1992, Annette và chồng sắp cưới Willem Van Der Pas cùng 31 hành khách rời TPHCM để tới Nha Trang trên chuyến bay mang số hiệu VN 474. Chuyến bay mang ý nghĩa quan trọng với Annette bởi rất lâu rồi cô và “người ấy” chưa gặp nhau. Nhưng, điều xui rủi bất thình lình xảy đến - chiếc máy bay đâm vào đỉnh núi và rơi xuống núi Ô Kha cách đích đến Nha Trang 19 dặm, cách ngôi làng gần nhất 10 dặm.
Không một ai sống sót ngoại trừ Annette. Cô trải qua 8 ngày đêm với 192 giờ chiến đấu với những cảnh tượng hãi hùng xung quanh, đau đớn. May mắn, cô đã được cứu sống và hồi sinh một cách thần kỳ.
Qua bao thăng trầm cuộc sống, ký ức kinh hoàng dưới chân núi Ô Kha ngày nào vẫn không dễ phôi pha. Năm 2006, sau lần trở lại thăm nơi mình may mắn sống sót, vượt qua cảm xúc dâng trào, cô đã viết cuốn tự truyện về những phút giây định mệnh của cuộc đời mình. Cuốn sách là thông điệp, vượt lên nỗi sợ hãi, tin vào điều tốt đẹp, tin vào sức mạnh của trái tim mà Annette muốn gửi đến tất cả mọi người.
Ngồi bên cạnh Annette chính là Joosje, cô con gái vừa bước qua tuổi 17 của Annette. Ở cái tuổi ấy, nhưng cô bé trông lanh lợi, chững chạc, tự tin trước những con người xa lạ đang hướng về phía mà mẹ con cô là trung tâm. Annette tự hào về con gái mình và không quên nhắc rằng, Joosje là đồng tác giả của “192 hours”.
Annette cho biết, cô muốn đưa con gái mình trở lại Việt Nam, nơi mà cô đã trải qua nhiều biến cố, gặp lại những người đã cứu sống cô 22 năm trước. Annette muốn Joosje thấy “một Việt Nam mà tôi đã mất rất nhiều nhưng đạt được cũng không ít”.
Có ý kiến cho rằng, Annette trở lại Việt Nam từ năm 2006, nhưng đến bây giờ mới cho ra mắt cuốn sách. Phải chăng, khi những vụ tai nạn máy bay thời gian qua diễn ra nhiều trên thế giới, thì Annette mới ra sách để gây sự chú ý của dư luận. Annette đã xóa tan ngay những suy nghĩ đó với câu khẳng định: “Cuốn sách được nhiều người đón nhận, doanh thu ổn nhưng tôi không quan tâm lắm. Điều tôi hạnh phúc là chia sẻ được câu chuyện của mình với nhiều người, nhất là những gia đình có thân nhân trong các vụ thảm họa hàng không. Tôi từng trải qua giây phút kinh hoàng đó, tôi cũng mất mát người thân nên tôi hiểu nỗi đau. Mong cuốn sách này là một phần rất nhỏ cho mọi người đủ nghị lực, niềm tin trong lúc này”.
Nước mắt chưa thôi rơi
(Thực hiện Video: Thy Ngân)
Buổi giao lưu với độc giả nhanh chóng chuyển thành buổi hạnh ngộ của những người từng trải qua biến cố thảm khốc nhất cuộc đời. Annette, may mắn sống sót nhưng đã mất đi người chồng tương lai. Cùng nỗi đau ấy với Annette chính là vợ của những phi công, các bác sĩ trong đoàn tham gia cứu hộ cũng bị nạn.
Chị Nguyễn Thị Lan, vợ cơ trưởng Nguyễn Quang Vinh, người điều khiển chiếc trực thăng Mi-8 đưa các bác sĩ tham gia tìm kiếm, cứu nạn chiếc Yak số hiệu VN-474 cũng bất ngờ rơi xuống núi Ô Kha làm 7 người tử nạn khi cách máy bay gặp nạn Yak VN474 là 5km.
Chị Lan và Annette đã ôm chầm lấy nhau. Họ gặp nhau trong tình huống bất ngờ, chưa kịp trao nhau câu chào xã giao thì nước mắt đã tuôn rơi.
Nỗi đau vẫn còn hiện hữu nhưng khi nhắc về chồng, đôi mắt chị Lan long lanh niềm hạnh phúc. Chị tự hào trong nỗi buồn tràn ngập.
“Anh hy sinh, cả một tháng sau mới tìm thấy. Năm đó, tôi 26 tuổi, đang mang bầu đứa con đầu lòng 5 tháng. Tôi giống chị Annette là mất đi người yêu thương nhất của mình. Nỗi đau quá lớn, tôi nghĩ không còn gì sợ hãi bằng nỗi đau này”, ánh mắt đỏ hoe, chị Lan kể lại.
Và chị ở vậy nuôi con đến bây giờ.
“Nay con tôi 21 tuổi, học đại học năm thứ 3. Tôi hãnh diện vì tôi đã nuôi dạy con tôi khôn lớn, khoẻ mạnh, ngoan, học giỏi. Mẹ con tôi có cuộc sống bình thường, không gặp trắc trở. Tôi đã làm tròn trách nhiệm với anh”, chị Lan nói.
Ngay sau đó, chị Lan bất ngờ dành câu hỏi cho Annette: “Tôi hỏi Annette một câu. Lúc chị được mọi người tìm thấy và đưa đi cấp cứu. Nghe tin tổ bay cứu nạn gặp nạn thì cảm giác của chị như thế nào?”.
Trong một thoáng bối rối, Annette chia sẻ rằng, hồi đó cô không biết gì cả. Chỉ đến năm 2006, khi quay trở lại vùng núi Ô Kha, mới nghe kể lại. “Tôi thành thật xin lỗi. Nghe tin 7 người chết vì đi cứu mình, tôi biết nói gì ngoài đồng cảm nỗi đau. Tôi hy vọng có một buổi lễ tưởng niệm cho những người hy sinh. Tôi hiểu phi công đã làm tất cả những gì có thể nhưng khi máy bay bay vào vùng nhiễu động. Chuyện không ai muốn cũng đã đến”, Annette nói.
Khán phòng bỗng yên lặng để những cảm xúc trở về.
Không chỉ có chị Lan, Annette còn được gặp gỡ, lắng nghe những tiếng lòng từ vợ của các thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay Yak 40 và Mi-8 đã tử nạn. Chị Hồ Thu Thủy, vợ cơ trưởng Lưu Công Lương của chuyến bay Yak 40 chia sẻ: “Mỗi lần có chuyến máy bay rơi là lòng tôi như quặn thắt. Cảnh thân nhân đi tìm người thân trong vô vọng trong các vụ rơi máy bay vừa qua giống như tâm trạng mơ hồ thông tin của tôi khi đi tìm chồng 22 năm về trước. Nhiều lúc cố quên đi nhưng không thể…”.
22 năm, vượt qua ký ức kinh hoàng để đón một cuộc sống thanh thản, bình yên. Nhưng, trong sâu thẳm những trái tim của Annette, chị Lan và bao người khác cũng không thể nào yên bình…
Công Quang