Nửa thế kỷ... cười dê
82 mùa Xuân trôi qua, nghệ sĩ hài Văn Chung vẫn đứng trên sàn diễn. Nhìn lại sự nghiệp của mình, ông bảo nhờ giọng cười dê đặc trưng mà ngót 50 năm nay, khán giả vẫn nhớ đến Văn Chung.
Sang Mỹ định cư từ năm 1992, Văn Chung là một trong rất ít nghệ sĩ chỉ sống bằng nghề diễn. Đều đặn mỗi tuần, ông đến sân khấu cổ nhạc Phương Nam tại California để trò chuyện với khán giả về đờn ca tài tử, diễn trích đoạn cải lương cùng một số nghệ sĩ hải ngoại và cuối cùng, việc không thể thiếu là mang tiếng cười cho kiều bào. “Bằng sự lạc quan, yêu đời, anh Bảy Văn Chung đã mang niềm vui đến cho cộng đồng người Việt tại Mỹ” - nghệ sĩ Phượng Liên cảm kích.
Nghệ sĩ Văn Chung tên thật là Quách Văn Chung, sinh năm 1933 tại Sài Gòn. Năm 1948, ông theo nhạc sĩ Bảy Quới học cổ nhạc, sau được thầy giới thiệu tham gia Ban Việt Nam Cổ nhạc đoàn của danh ca Tám Thưa, hát vọng cổ tại Đài Phát thanh Pháp Á. Ít ai biết thoạt đầu đến với sân khấu, Văn Chung có chất giọng mạnh mẽ, làn hơi rộng nên ca vọng cổ rất mùi.
“Sầu nữ” Út Bạch Lan nhớ lại: “Lúc đó dù còn nhỏ xíu nhưng tôi đã là thính giả say mê giọng ca của anh Bảy và nữ nghệ sĩ Thanh Hương. Tình yêu chớm nở, năm 1952, anh thành hôn cùng nghệ sĩ Thanh Hương. Vợ chồng anh được các hãng dĩa mời thu thanh nhiều vở tuồng và bài vọng cổ. Đó là một trong những tài sản quý giá của làng cổ nhạc miền Nam những năm 1950-1960”.
Nghệ sĩ Văn Chung cùng 2 danh hài Bảo Quốc, Bảo Chung từng noi theo kiểu hề dê như ông. Ảnh: Thanh hiệp
Tay trắng vào nghề, Văn Chung được cha vợ là NSND Nguyễn Thành Châu nhận về đoàn Việt kịch Năm Châu. “Thương chàng rể hiền lành, hiếu học lại chăm chỉ nên cha vợ đã dành cho tôi nhiều cơ hội. Từ tuồng Tây đến tuồng Tàu, vai nghèo hay vai sang, tôi đều được ông chỉ dạy tận tình để tìm phong cách riêng nhằm vươn lên làm kép chánh. Tuy nhiên, đến năm 1955, tôi đã xin cha vợ cho qua gánh hát khát, vừa để tạo thêm sự khởi sắc cho nghề vừa giúp ông khỏi khó xử vì mang tiếng lăng-xê con rể” - nghệ sĩ Văn Chung hồi tưởng.
Thế là đôi nghệ sĩ Văn Chung - Thanh Hương khăn gói qua đoàn Thanh Minh. “Giai đoạn này chúng tôi được rất nhiều người ngợi khen. Năm 1957, vợ chồng tôi được mời về hát chính trên sân khấu Kim Chưởng - Thanh Hương. Với vai Kiều Mộng Liên trong vở tuồng Nhặt cánh mai vàng của soạn giả Thu An, Thanh Hương trở thành con gà đẻ trứng vàng cho bà bầu Kim Chưởng. Tôi cũng tạo được dấu ấn mới trong sự nghiệp với vai tình nhân của Kiều Mộng Liên” - nghệ sĩ Văn Chung cho biết.
Nhà báo Thanh Hiệp thăm NS Văn Chung tháng 6-2014 tại California - Mỹ
Năm 1960, vợ chồng ông rời Đoàn Kim Chưởng - Thanh Hương, tách ra lập gánh hát Thanh Hương - Văn Chung. Bắt đầu bước ngoặt mới trong sự nghiệp - làm bầu - không lâu, ông chia tay nghệ sĩ Thanh Hương rồi lập gia đình với một phụ nữ “ngoại đạo” và 2 người đến nay vẫn chia ngọt sẻ bùi.
Theo nghệ sĩ Văn Chung, việc chuyển sang diễn hài đã giúp cuộc đời ông lạc quan hơn, xóa dần nỗi đau riêng mang. “Chia tay Thanh Hương, tôi rất buồn nản, suýt nữa là bỏ nghề. Tôi từng trải qua một cái Tết toàn nước mắt. Khi thấy hơi ca của mình bắt đầu yếu, tôi chuyển ngay sang hài để khỏi bị ngã ngựa. Nhờ lối rẽ này với giọng cười dê mà tôi dần dần thấy yêu đời”.
Nghệ sĩ Văn Chung khẳng định hề dê chính là “đặc sản” của ông sáng tạo với hơn 10 kiểu cười độc đáo, sau này nhiều danh hài cũng noi theo. “Trước đây, khi sáng tác tuồng, tác giả đều viết những cảnh hài để bớt đi không khí bi kịch, căng thẳng của câu chuyện. Từ anh kép ca chuyển sang hề, tôi phải có cái gì đó riêng biệt. Và tôi nghĩ đến việc sáng tạo cách cười mới lạ với những vai háo sắc, cho nhân vật thêm chút máu dê để vai diễn của mình khác các danh hài gạo cội thời đó. Qua hàng trăm vai hài, riết rồi khán giả quen, cứ gọi tôi là “hề dê”. Vai của tôi thường là nhân vật có tính cách tiêu cực, phản diện, tôi muốn mang tiếng cười cho khán giả nhưng cũng cảnh tỉnh chị em hãy lánh xa những kẻ như vậy” - ông sôi nổi.
Các nghệ sĩ hải ngoại tổ chức mừng thọ NS Văn Chung tại Mỹ.
Nghệ sĩ Văn Chung còn thành công ở lĩnh vực phim ảnh với những vai hài trong Lệnh bà xã, Triệu phú bất đắc dĩ, Chàng ngốc gặp hên, Con ma nhà họ Hứa... “Trong lĩnh vực nào ông cũng làm hài lòng khán giả. Ông là tấm gương sáng cho các nghệ sĩ sau này với nguyên tắc làm nghề: Biết được mình ở vị trí nào, thời điểm nào để thay đổi cho phù hợp với yêu cầu của công chúng” - NSND Ngọc Giàu nhận xét.
Dù đã về Việt Nam 18 lần nhưng nghệ sĩ Văn Chung vẫn chưa thực hiện được ước mơ cả đời ông là tổ chức một chương trình tri ân khán giả. Ông tự sự: “Đời nghệ sĩ hơn nửa thế kỷ nhờ giọng cười dê mà gầy dựng lại sự nghiệp suýt đổ vỡ bởi chữ tình, tôi nghĩ mình hạnh phúc quá rồi. Xin hẹn khán giả quê nhà một mùa Xuân không xa, khi tôi trở về quê hương với những vai diễn cười dê”.
Theo Thanh Hiệp
Người lao động