Nữ "kình ngư" kể về 2 lần được gặp Bác Hồ: "Tôi nhớ mãi lời dặn của Người"!
(Dân trí) - Đã 55 năm trôi qua nhưng ký ức về 2 lần vinh dự được gặp Bác Hồ vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của cựu VĐV bơi lội Vũ Thị Sen, bà luôn khắc ghi lời căn dặn "thắng không kiêu, bại không nản" của Người.
Ở tuổi 74, bà Sen vẫn ngày ngày tập thể dục tại nhà, hăng hái với công việc của Hội Phụ nữ ở phường và hỗ trợ con cái công việc nội trợ.
Nhắc đến kỷ niệm về Bác Hồ, bà Sen lại bồi hồi xúc động: "Vinh dự và hạnh phúc nhất cuộc đời tôi là 2 lần được gặp Bác trong 2 năm liên tiếp là 1965 và 1966. Lần nào gặp chúng tôi, Bác cũng ân cần hỏi han, Bác hiền hòa và rất giản dị".
2 năm liên tiếp được gặp Bác Hồ
Bà Vũ Thị Sen sinh ra và lớn lên ở vùng quê Nghĩa Phú, Nghĩa Hưng, Nam Định. Trong những năm tháng cả nước kháng chiến chống Mỹ, quê hương bà là nơi đi đầu trong phong trào thể dục thể thao. Những năm 1959, 1960, các địa phương khác trong cả nước thi nhau đến xã Nghĩa Phú tham quan, học hỏi.
Sự nghiệp bơi lội đến với bà khi được anh trai dạy cho kỹ năng bơi ếch, kể từ đó, nữ kình ngư tham gia thi đấu ở huyện, ở tỉnh và đều giành giải cao. Cuối năm 1964, bà được gọi lên Trường huấn luyện thể dục thể thao TW (nay là Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia) để trở thành vận động viên bơi chuyên nghiệp.
Gắn bó với bơi lội, từ ao làng ra đến "biển lớn", chưa lần nào nữ kình ngư thành Nam nghĩ rằng bản thân sẽ có cơ hội được gặp Bác Hồ, bởi: "Ngày ấy đất nước đang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bác bận trăm công nghìn việc".
Thế rồi, như một giấc mơ, vào tháng 11/1965, kình ngư Vũ Thị Sen là một trong 3 vận động viên (VĐV) bơi lội được tham gia cùng đoàn VĐV bơi lội và bóng bàn Trung Quốc đến chào Bác, nhân dịp đoàn sang Việt Nam thi đấu giao hữu.
"Chúng tôi được vào gặp Bác ở Phủ Chủ tịch, chúng tôi xếp thành hàng ngay ngắn, các bạn vận động viên Trung Quốc đi trước, chúng tôi đi sau.
Đầu tiên, Bác hỏi thăm sức khỏe của các bạn VĐV Trung Quốc, Bác hỏi các món ăn ở Việt Nam có hợp với khẩu vị không. Sau đó, Bác liền đi xuống dưới hỏi các VĐV Việt Nam và dặn dò: "Các cháu vận động viên Việt Nam cố gắng học tập các bạn để chúng ta phấn đấu đuổi kịp và vượt các bạn".
Vị Lãnh tụ của đất nước mình hiền hòa, giản dị quá đỗi. Bác mặc áo trấn thủ, đi dép cao su", bà Sen nhớ lại lần đầu gặp Bác.
Năm 1966, bà Sen cùng đoàn thể thao Việt Nam tham dự Đại hội thể thao GANEFO lần thứ Nhất được tổ chức ở Phnom Penh (Campuchia).
"Lúc đó kháng chiến chống Mỹ ở Việt Nam rất ác liệt, chúng tôi lên đường với tinh thần quyết tâm đạt thành tích cao nhất góp phần vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước", cựu VĐV bơi lội nhớ lại.
Buổi thi 200m bơi ếch đầu tiên, khi hiệu lệnh xuất phát vừa dứt, bà Sen dồn hết sức, sải cánh tay "quạt lấy quạt để", bà vượt qua đối thủ Trung Quốc và Triều Tiên giành Huy chương Vàng, nữ kình ngư còn giành Huy chương Bạc ở cự ly 100m bơi ếch.
Trong giải đấu đó, tất cả các VĐV của Việt Nam đều được giải, trong đó có 5 VĐV giành được Huy chương Vàng. Khi trở về nước, bà Sen lại cùng ban huấn luyện, các tuyển thủ xuất sắc được Bác tiếp tại Phủ Chủ tịch vào chiều ngày 19/12/1966.
Lời căn dặn "Thắng không kiêu, bại không nản"
Lần gặp thứ 2 này đặc biệt hơn, bởi bà Sen được đoàn giao nhiệm vụ báo công với Bác về thành tích của đoàn tại giải đấu.
Ký ức về buổi gặp Bác vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của cựu VĐV dù đã ngoài 70 tuổi, bà xúc động nói: "Khi vào Phủ Chủ tịch và nhìn thấy Bác bước vào, tất chúng tôi cùng reo lên "ôi Bác, Bác Hồ!", vui mừng và xúc động, một số người còn rơm rớm nước mắt".
Bác liền nói: "Gặp Bác sao lại khóc, phải vui lên chứ".
Chúng tôi vui sướng, bất ngờ vì đất nước vẫn đang chiến tranh, Bác dù bận trăm công nghìn việc vẫn dành thời gian gặp mặt, chúc mừng và căn dặn cả đoàn. Thật không diễn tả nổi cảm xúc lúc đó.
Tôi và 4 VĐV khác giành được huy chương Vàng nên may mắn được ngồi gần Bác, Bác nhìn thấy tôi và xạ thủ Trần Oanh mỗi người có 2 huy chương, Bác liền nói: "Cháu được 2 huy chương à, tốt đấy! Nhưng không được kiêu căng nhé.
Phải luôn ghi nhớ: Thắng không kiêu, bại không nản!"
5 VĐV giành được huy chương Vàng lần lượt giới thiệu về bản thân và thành tích của mình với Bác. Tôi nhớ nhất khi đến lượt VĐV điền kinh Trần Hữu Chỉ giới thiệu, Bác liền nói: "Chạy nhanh thế này làm giao liên tốt đấy", tất cả cùng cười ồ lên, rồi Bác hỏi thăm sức khỏe, động viên mọi người. Cả đoàn ai nấy đều xúc động và cảm nhận được sự gần gũi, hiền hòa của Bác.
Vì vui mừng nên bà Sen còn quên nhiệm vụ cao cả được đoàn giao cho là báo công với Bác. Được mọi người nhắc, nữ VĐV liền báo cáo Bác:
"Báo cáo Bác, cháu là Vũ Thị Sen, cháu ở Nghĩa Phú, Nghĩa Hưng, Nam Định. Nhờ ơn Đảng và Bác, chúng cháu đã cố gắng đạt thành tích tốt nhất để góp phần vào… vào…", vì xúc động nên nữ VĐV ấp úng, Bác liền tiếp lời "vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đúng không" mọi người lại reo lên và đồng thanh "Đúng ạ!".
Sau đó Bác nói, Bác cũng rất bận nên mọi người xuống dưới sảnh để chụp ảnh lưu niệm. Sau khi cả đoàn chụp với Bác xong, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói với Bác chụp riêng với 5 cháu có thành tích tốt nhất giải đấu.
Kể từ khi được gặp Bác, nghe những lời chỉ dạy của Người, dù còn rất trẻ nhưng nữ VĐV Vũ Thị Sen khi ấy đã thấm thía về lý tưởng, vai trò và trách nhiệm đối với một VĐV thể thao. Không chỉ nổi bật về thành tích, bà Sen còn là một mẫu hình chuẩn mực về ý thức công dân cùng thái độ làm việc chuyên nghiệp.
Lời căn dặn của Bác được bà phát huy triệt để, ở vị trí của một chuyên viên bộ môn, hay trên cương vị Chánh văn phòng Hiệp hội Thể thao Dưới nước Việt Nam, bà đều luôn tận tụy và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Về hưu sau nửa thế kỷ gắn bó với bơi lội, nữ kình ngư thành Nam vẫn duy trì thói quen rèn luyện thể thao hằng ngày tại nhà và theo sát từng bước đi của bơi lội Việt Nam.
Dù tuổi đã cao nhưng bà Sen vẫn tham gia các công tác của Hội Phụ nữ phường, bà cùng nhóm chị em phụ nữ phát động phong trào nuôi lợn đất để gây quỹ tổ chức các hoạt động thiện nguyện.
Đã hơn 50 năm trôi qua, nhưng từng lời căn dặn của Bác bà Sen vẫn áp dụng dù ở bất kỳ cương vị, cựu VĐV Việt Nam nhắn nhủ đến thế hệ trẻ: "Các em, các cháu phải luôn nhớ kỹ lời dạy của Bác, thắng không kiêu, bại không nản, luôn khiêm tốn và cần cù trong cuộc sống, góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp".