Nữ họa sĩ thiên tài chuyên khắc họa… nỗi căm hờn oán giận
(Dân trí) - Nữ họa sĩ người Ý Artemisia Gentileschi (1593-1656) lúc sinh thời hay bị nhắc nhớ đến bởi những bi kịch xảy ra trong cuộc đời, nhiều hơn là những siêu phẩm hội họa mà bà sáng tạo nên.
Triển lãm tranh xung quanh những tác phẩm của nữ họa sĩ nổi tiếng hàng đầu trong thời kỳ Phục hưng - Artemisia Gentileschi - đang diễn ra tại Bảo tàng Quốc gia Anh (nằm ở thủ đô London). Sự kiện sẽ kéo dài từ ngày 3/10 đến ngày 24/1/2021.
Nữ họa sĩ người Ý Artemisia Gentileschi (1593-1656) lúc sinh thời hay bị nhắc nhớ đến bởi những bi kịch xảy ra trong cuộc đời, nhiều hơn là những siêu phẩm hội họa mà bà sáng tạo nên.
Cho tới sau này, hậu thế mới có góc nhìn xứng tầm đối với những tác phẩm hội họa của Artemisia Gentileschi. Những tác phẩm này luôn có nét ẩn ức, phản ánh chính những nỗi đau khổ và bi kịch từng xảy ra trong cuộc đời nữ họa sĩ.
Khi Artemisia 17 tuổi, bà bị một họa sĩ tán tỉnh rồi cưỡng hiếp. Người đàn ông này hứa sẽ cưới bà làm vợ nếu bà chịu giữ im lặng nhưng rồi ông ta đã nuốt lời. Câu chuyện về việc bà bị hãm hại đã lan ra, người đương thời đồn đại, đàm tiếu về vụ việc rất nhiều.
Khi biết việc con gái bị hãm hại và kẻ chủ mưu cũng nuốt lời hứa cứu vãn danh dự cho Artemisia, họ đã đưa vụ việc ra tòa, vụ kiện kéo dài 7 tháng và là sự việc gây chấn động dư luận lúc bấy giờ - hồi năm 1612 ở Rome (Ý). Thực tế, vượt lên trên bi kịch đời tư, Artemisia vẫn trở thành một nữ họa sĩ hàng đầu của thời kỳ Phục hưng và góp phần mở ra con đường cho những nữ họa sĩ tương lai.
Đương thời, bà còn được nhiều nhà quý tộc tin tưởng vào tài năng, mời tới thực hiện những bức chân dung cho họ.
Sinh năm 1593, Artemisia là con gái của họa sĩ Orazio Gentileschi. Người đã hãm hại Artemisia là một họa sĩ tai tiếng hơn bà nhiều tuổi - Agostino Tassi, người này sinh thời cũng có một đời tư nhiều điều tiếng và không tạo nên được những tác phẩm lớn.
Mặc dù Artemisia là người con gái duy nhất và rất được cha cưng chiều, nhưng ông quyết định đưa vụ việc ra tòa và muốn dư luận cũng như giới thượng lưu thực sự hiểu rõ bộ mặt của kẻ đã hại con gái ông.
Vào những dịp qua lại nhà họa sĩ Orazio Gentileschi, Agostino Tassi đã để mắt tới con gái của bạn và trong một lần có cơ hội được một mình ở bên cô gái trẻ, hắn đã làm hại cô gái.
Đương thời, Artemisia đã rất khổ sở bởi biến cố này, đặc biệt là khi bà phải ra tòa để lấy lời khai, từng chi tiết buộc phải kể rõ để được ghi chép lại làm bằng chứng xét xử vụ việc. Cho tới giờ, những lời khai của Artemisia ngày ấy vẫn còn được lưu trữ lại trong những bộ hồ sơ cũ kỹ của tòa án khi xưa ở Rome.
Trong cuộc triển lãm sắp diễn ra ở London (Anh), những giấy tờ ghi chép lại lời khai của Artemisia từ hơn 400 năm trước cũng sẽ được đem ra trưng bày. Artemisia đã phải chịu rất nhiều bẽ bàng từ việc lấy lời khai và kiểm tra thân thể mà phía tòa án thời ấy buộc phải tiến hành để lấy bằng chứng xử lý vụ việc theo quy định.
Trong suốt quá trình xét xử kéo dài nhiều tháng, ngoài việc phải trải qua các thủ tục của tòa, những đàm tiếu của dư luận, Artemisia còn phải chịu đựng đủ tiếng xấu và những lời dối trá mà kẻ gây hại cho bà đã dựng lên trước tòa để đổ vấy mọi tội lỗi lên đầu bà.
Có rất nhiều bất công đã xảy ra trong cuộc đời Artemisia. Điều quý giá còn lại sau cùng trong cuộc đời bà chính là khả năng hội họa, bà chút mọi oán hờn lên cây cọ và vải vẽ, không ngừng nâng cao năng lực hội họa của bản thân.
Bà trở thành người phụ nữ đầu tiên được làm thành viên trong Học viện Florence, một tổ chức uy tín của những học giả, những người có học thức và tài năng trong xã hội Ý lúc bấy giờ.
Sự dữ dội trong những bức tranh của Artemisia khiến bà trở thành một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất Châu Âu lúc sinh thời. Một trong những bức họa nổi tiếng nhất của Artemisia là bức “Judith chặt đầu Holofernes”, bức họa được thực hiện ngay trong năm mà phiên tòa diễn ra. Đó là một bức họa thực sự dữ dội và bạo liệt.
Artemisia sau này có lấy chồng và sinh được 5 người con, nhưng chỉ có một người con gái sống sót, những người con khác đều sớm qua đời vì bệnh tật. Artemisia đã kết hôn với một họa sĩ không danh tiếng, người đàn ông này có tên Pierantonio Stiattesi. Cuộc hôn nhân diễn ra ngay sau khi phiên tòa khép lại.
Dù vậy, có thể hiểu đây là một cuộc hôn nhân do dàn xếp và không có tình yêu. Sau này, Artemisia đã đem lòng yêu một quý tộc giàu có ở Florence có tên Francesco Maria Maringhi, những thư từ trong mối quan hệ này đã được bà lưu giữ lại và cho tới giờ vẫn còn tồn tại, một số bức sẽ được đem trưng bày tại triển lãm.
Trong cuộc đời mình, Artemisia từng sống ở Rome, Florence, Venice, và Naples, bà qua đời tại Naples hồi năm 1656. Artemisia là một người ham hiểu biết và đã tự mình học hỏi được nhiều kiến thức, sinh thời, bà thích kết bạn với những người học rộng.
Dù không phải bức tranh nào của Artemisia cũng thể hiện những xúc cảm dữ dội, nhưng chính những bức tranh dữ dội nhất mới khiến hậu thế nhớ về bà, đó là những bức tranh để bà giải phóng nỗi đau, cơn tức giận của mình thông qua hội họa, đó là tiếng thét bị ngăn lại và được Artemisia bộc lộ qua những mảng màu.
Trong một lá thư của mình viết cho một người bạn, Artemisia từng viết: “Tôi sẽ cho bạn thấy một người phụ nữ có thể làm được những gì và chịu đựng những gì…”. Điều này quả thực đã được thể hiện rất ấn tượng qua những tác phẩm hội họa của bà.