NTK Minh Hạnh - Người phụ nữ của chất liệu truyền thống

T.H

(Dân trí) - "Tôi sẽ chẳng còn chút tự hào nào nếu giới thiệu những BST của mình trên chất liệu ngoại nhập", NTK Minh Hạnh chia sẻ.

NTK Minh Hạnh - Người phụ nữ của chất liệu truyền thống - 1

NTK Minh Hạnh - Người phụ nữ của chất liệu truyền thống

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với NTK Minh Hạnh về sự kiện "Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam" tại Hà Nội.

Được biết chuỗi hoạt động "Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam" là một chiến dịch do TW Hội LHPNVN và chị phối hợp. Trong năm 2020, với những khó khăn về dịch bệnh Covid-19 tưởng như không thể vượt qua, vậy mà các sự kiện áo dài vẫn được diễn ra rất thành công tại Ký ức Hội An, Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội, Vịnh Bái Tử Long - Quảng Ninh. Vậy năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang là mối đe dọa lớn nhất trên toàn thế giới, sự kiện áo dài sẽ được chuẩn bị như thế nào?

Với riêng tôi, áo dài đã giúp tôi vượt qua nỗi sợ hãi này thậm chí cho tôi "lì lợm" hơn, không có một lý do gì mà chúng ta không thể tiếp tục sứ mệnh này vì cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Điều quan trọng là phải sống theo quan điểm về trạng thái bình thường mới.

Chuẩn bị thật chu đáo và phản ứng thật nhanh. Năm nay, vẫn trong hành trình của chiến dịch "Áo dài - Di sản Văn hóa", chúng tôi sẽ tổ chức 3 sự kiện về áo dài tại Hà nội, Cần Thơ và Quảng Ninh.

Có điểm gì khác biệt trong những sự kiện Áo dài này?

Sự khác biệt là điều bắt buộc. Với tôi, khi áo dài xuất hiện thì dứt khoát phải mới và phải có thông điệp rõ nét, cụ thể và hữu ích cho cuộc sống. Tôi mong muốn áo dài trở thành một nguồn năng lượng tốt và mạnh mẽ cho cuộc sống.

Muốn như thế chúng ta cần khai thác tất cả giá trị tiềm năng của mình như chất liệu và các nghề truyền thống cần thích nghi với những thay đổi nhanh đến chóng mặt của thời đại.

Cụ thể trong năm nay chất liệu lụa tơ tằm và đặc biệt là chất liệu vải gai của Việt Nam sẽ được đưa vào áo dài qua lăng kính sáng tạo của các nhà thiết kế Việt Nam.

Năm 1991, cách đây 30 năm, chị là người đầu tiên đưa thổ cẩm vào thời trang. Sau đó là lụa tơ tằm và bây giờ là vải gai. Chị luôn tiên phong trong những khám phá về chất liệu truyền thống. Vậy có thể gọi NTK Minh Hạnh là người phụ nữ của chất liệu truyền thống không?

Với tôi, chất liệu là sự sống còn để phát triển ngành thời trang. Tôi sẽ chẳng còn chút tự hào nào nếu giới thiệu những BST của mình trên chất liệu ngoại nhập. Vừa rồi, tôi may mắn tìm ra được một nhà máy sợi gai duy nhất tại Thanh Hóa.

Tôi đã đến khảo sát bằng sự hoài nghi của mình, tôi đã thật sự bất ngờ và vui mừng lắm khi nhìn thấy những mét vải gai trong một quy trình sản xuất công nghiệp hoàn hảo. Vậy là đã có tin vui, một tín hiệu mang nhiều hy vọng cho sự phát triển bền vững của thời trang áo dài Việt.

Áo dài sẽ được hóa thân bằng chính những chất liệu truyền thống này, với lụa tơ tằm Việt Nam, vải gai Việt Nam, thổ cẩm Việt Nam... Xu thế trên thế giới hiện nay là về với thiên nhiên, những giá trị tự nhiên sẽ bảo vệ được cuộc sống của con người.

Sự kiện "Áo dài của chúng ta" sẽ được tổ chức nhân ngày Quốc tế Phụ Nữ 8/3 với chủ đề "Thế giới trong áo dài Việt". Có 15 NTK tham dự gồm: Cao Minh Tiến, Chu La, Công Huân, Hà Duy, Ngọc Hân, Cao Duy, Huệ Thi, Phương Thanh, Trung Beret, Lan Hương, Trịnh Bích Thủy, Trần Thanh Mẫn, Trần Thiện Khánh, Thanh Thúy, Minh Hạnh. Mỗi NTK sẽ giới thiệu về một đất nước mà mình yêu thích trên nền vải gai và lụa tơ tằm của Việt Nam.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm