NSƯT Xuân Bắc tâm huyết với vở kịch đả kích thói rởm đời, phù phiếm

Lạc Thành

(Dân trí) - "Ả cave nhà hàng Maxim" của Nhà hát Kịch Việt Nam đã mang đến cho khán giả phút giây thư giãn nhưng cũng là cái nhìn chua xót về một xã hội có sự giả dối, rởm đời.

Mở đầu cho hoạt động nghệ thuật năm 2024, Nhà hát Kịch Việt Nam vừa giới thiệu vở hài kịch Ả cave nhà hàng Maxim- một kiệt tác của nhà viết kịch vĩ đại người Pháp thế kỷ XIX Georges Feydeau.

Vở diễn nói về những mặt trái của xã hội, của giới thượng lưu quý tộc ở Paris, Pháp thế kỷ XIX.

NSƯT Xuân Bắc tâm huyết với vở kịch đả kích thói rởm đời, phù phiếm - 1
Vở diễn châm biếm sâu sắc xã hội thượng lưu thối nát, kệch cỡm của nước Pháp thế kỷ XIX (Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam).

Kịch xoay quanh câu chuyện về một cô gái điếm ở tiệm rượu Maxim, trong một tình huống ngặt nghèo và hài hước, cô bỗng trở thành hình mẫu và thần tượng cho giới thượng lưu quý tộc.

Theo NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, ngày 17/1/1899, cách đây đúng 125 năm, tác phẩm Ả cave nhà hàng Maxim được ra mắt lần đầu tiên tại Paris. Hơn một trăm năm qua, tác phẩm vẫn liên tục xuất hiện ở các Nhà hát của Paris và các Nhà hát trên thế giới.

Nghệ sĩ Xuân Bắc chia sẻ thêm, bên cạnh những tiểu phẩm ngắn ở các nền tảng xã hội thì khán giả sẽ được xem 1 tác phẩm hài kịch đúng nghĩa, mang giá trị về cái đẹp, về nhận thức, tính tư tưởng của thời đại.

"Chúng tôi cũng lường trước được việc nhiều khán giả không kiên nhẫn để xem kịch dài, bởi họ quen xem những tình huống ngắn, nhưng chức năng của Nhà hát Kịch Việt Nam là phải có những vở kịch có chất lượng.

Ả cave nhà hàng Maxim được viết hơn 100 năm trước nhưng đến nay vẫn rất thời sự đó là tiếng cười về thói rởm đời, kệch cỡm, sự thiếu hiểu biết nhưng vẫn cho mình là thời thượng, đó là sự giả tạo… đến cuối mới nhận ra mình đang làm trò cười cho mọi người xung quanh", Xuân Bắc cho hay.

NSND Tuấn Hải cho biết, với tư cách là đạo diễn vở kịch, anh đã sử dụng những câu thoại thuần Việt, thơ Bút Tre và ca dao tục ngữ để câu chuyện có bối cảnh nước ngoài trở nên gần gũi với khán giả Việt.

"Dù rất trung thành với tác giả, rất Pháp ở cảnh trí sân khấu, phục trang, âm nhạc, vũ đạo… nhưng kịch được Việt hóa nhiều. Lời thoại được hiện đại hóa, không còn quá cổ điển, hàn lâm để phù hợp với khán giả Việt hiện nay. Tôi hầu như chuyển 100% lời để dễ hiểu với khán giả Việt Nam hiện nay", đạo diễn Tuấn Hải chia sẻ.

Nam nghệ sĩ cho biết thêm, vở diễn sẽ đưa khán giả đi từ tràng cười này sang tràng cười khác với những tình tiết hài hước được đan cài một cách logic và lối diễn xuất tự nhiên, duyên dáng của dàn nghệ sĩ. Đáng chú ý, vở kịch hầu như không có các diễn viên ngôi sao mà tập hợp chủ yếu là dàn diễn viên trẻ.

"Trước đây, họ mới chỉ được giao các vai nhỏ. Đến vở kịch này thì họ thực sự tỏa sáng. Tôi cảm thấy vui vì họ được tin tưởng, trao cho cơ hội và đã thể hiện tốt vai trò của mình, góp phần tạo ra hơi thở mới cho kịch Việt", NSND Tuấn Hải cho biết.

NSƯT Xuân Bắc tâm huyết với vở kịch đả kích thói rởm đời, phù phiếm - 2
Nghệ sĩ Hồng Phúc (trái) vai bác sĩ và Mai Duyên (phải) vai ả cave đã khiến nhiều người bất ngờ về tài năng diễn xuất, dù họ là "lính mới" (Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam).

Theo đó, ê-kíp sáng tạo cũng đã cài thêm một số câu nói đang "trend" thời gian gần đây và rất dụng công sử dụng văn vần trong lời thoại của nhân vật một cách khéo léo, hài hước, sát với ý đồ của tác giả trong nguyên tác, để lại ấn tượng với người xem.

Nữ chính trong bản dựng mới do nghệ sĩ Mai Duyên đảm nhận, nam chính vào vai bác sĩ do diễn viên Hồng Phúc hóa thân. Dù không có lợi thế về ngoại hình nhưng chính điều đó cộng với tài năng của Hồng Phúc đã khắc họa lên một nhân vật trong giới thượng lưu rất ấn tượng ngay từ dáng vẻ bề ngoài.

Các diễn viên Dũng Nam, Thu Hà, Thu Hương, Quang Đạo, Ngân Hoa, Hà Vy, Tuấn Vũ, Tiến Đạt, Thế Nguyên, Khánh Linh… đều diễn tròn vai và nhiều đột phá ở vở diễn này.

Ả cave nhà hàng Maxim trở lại với khán giả Hà Nội đêm 23, 24, 25/2 tại Nhà hát Kịch Việt Nam.