NSƯT Tố Uyên: “Cuộc đời tôi vinh quang và cay đắng song hành”
(Dân trí) - “Nói chung cuộc đời tôi lắm điều trái ngang lắm. Vừa đáng tiếc, vừa đau khổ. Vinh quang và cay đắng song hành với nhau”, NSƯT Tố Uyên chia sẻ.
NSƯT Tố Uyên nổi tiếng với Nga trong “Chim vành khuyên”. Bà cũng tham gia một số phim khác: Nổi gió, Biển gọi, Vợ chồng anh Lự, Dòng sông âm vang, Cô giáo vùng cao...
Nữ nghệ sĩ cũng tham gia nhiều vở múa cổ điển của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch như: Cô Sao, Núi rừng lên tiếng, Chị Sứ... Có một thời, Tố Uyên xuất hiện ở đâu cũng nhận được sự hoan nghênh của khán giả cả nước.
Chỉ tiếc rằng, vào thời ấy, các giải điện ảnh thường chỉ dành cho phim chứ chưa có giải cá nhân thế nên phim bà tham gia đoạt giải rất nhiều nhưng cá nhân Tố Uyên lại không có giải. Chính vì vậy, Tố Uyên thừa thãi sự nổi tiếng nhưng đến giờ trong tay bà chẳng có lấy một tấm bằng khen nào cho các vai diễn.
Nữ nghệ sĩ còn được biết đến với tư cách là người vợ đầu tiên của nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và là mẹ ruột của BTV Lưu Minh Vũ.
Bà có thể chia sẻ một chút về cuộc sống hiện của bà?
Hiện tại tôi đang sống một mình trong một ngôi nhà nhỏ ở phố Tô Hiến Thành - Hà Nội. Vợ chồng con trai Lưu Minh Vũ và các cháu sống riêng. Quả thật là nhiều khi cũng cảm thấy cô đơn nhưng tính tôi lại không thích làm phiền con cái.
Tôi già rồi nên nếp sinh hoạt cũng không được như ngày xưa mà các con lại lắm việc, đôi khi không giúp được gì cho các con mà để các con phải bận tâm thêm tôi cũng không đành lòng. Với lại tôi sống một mình cũng quen rồi. Thôi thì cứ sống như vậy cho thoải mái, khi nào thích thì đến chơi với con cháu, lúc nào bận thì con cháu lại đến chơi với mình.
Người ta bảo: “Trẻ cậy cha, già cây con”. Ở tuổi này mà vẫn sống một mình đôi khi lại khiến người ngoài hiểu lầm?
Không sao hết vì “ơn giời” tôi vẫn đi lại được và vẫn minh mẫn. Với lại, tôi vẫn “cậy con” đấy chứ. Thỉnh thoảng các con cháu vẫn về giúp đỡ mẹ, bà. Các con cũng có mời mẹ về ở cùng nhưng điều kiện bây giờ vẫn chưa phải lúc. Tôi thấy nhà cửa của các con vẫn chưa đâu vào đâu nên tôi muốn để cho các con có không gian rộng rãi thêm một tí.
Bà có nói đến chuyện đôi khi cũng cảm thấy cô đơn. Ngoài nỗi cô đơn tuổi già, bà còn có nỗi cô đơn nào khác?
Ngoài cô đơn tuổi già tôi còn cô đơn trong nghề nghiệp. Tức là trong những năm tháng làm nghề, tôi từng phải đối diện với nhiều sự ganh ghét, đố kỵ… Vì sự đố kỵ đó mà đáng ra tôi có nhiều cơ hội để tỏa sáng hơn thì lại bị hạn chế lại.
Nói thật là thời đó tôi còn quá trẻ nên không hiểu hết được lòng người. Tôi với anh Lưu Quang Vũ chia tay cũng vì sự đố kỵ đấy...
Nói chung cuộc đời tôi lắm điều trái ngang lắm. Vừa đáng tiếc, vừa đau khổ. Vinh quang và cay đắng song hành với nhau. Chết vì nghiệp.
Nhưng thời điểm đó bà phải tự “gặm nhấm” nỗi đau đó của riêng mình?
Đúng thế, tôi phải tự gặm nhấm nỗi đau của riêng mình, không kêu ca được với ai. Nhiều khi tôi nói vui với bạn bè là người ta đã trao cho tôi một cái huân chương. Bạn bè tôi hỏi “huân chương gì?”, tôi bảo “huân chương của sự chịu đựng”.
Tức là phải chịu đựng mọi thứ mà không thể nói ra được với ai vì lúc đó mình còn quá trẻ, sống vô tư, hiền lành, còn chưa bao giờ biết nói to tiếng với ai… nên không làm được gì với những người ghê gớm. Ở đời vẫn có những câu chuyện như thế đấy.
Trong lần nói chuyện nào bà vẫn ăm ắp sự trìu mến và yêu thương đối với chồng cũ là nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Có vẻ như ngần đấy năm đã trôi qua nhưng tình yêu của bà dành cho ông vẫn chưa bao giờ phai nhạt?
Đúng thế, vì chúng tôi yêu nhau từ những ngày còn học phổ thông cơ mà. Một tình yêu rất đẹp mà đến bây giờ bạn bè vẫn ngưỡng mộ. Tình yêu của chúng tôi thời đó có cả một lớp người như: Đỗ Chu, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật… biết rõ. Ngay tập thơ đầu tiên in với Bằng Việt cũng đã có nhiều bài thơ nói lên tình yêu ấy. Bằng Việt là em tôi, thời đó đang làm lãnh đạo TP. Hà Nội. Tập thơ ấy sau này rất nổi tiếng. Từ sự nổi tiếng đó mà sự nghiệp của anh Vũ cũng dần đi lên.
Vậy trong góc nhà riêng của bà còn lưu giữ những kỷ vật của ngày xưa gắn với tình yêu và hôn nhân của hai người?
Có chữ, tôi vẫn giữ lại toàn bộ những kỷ vật của chúng tôi. Đến ngày giỗ của anh Vũ tôi vẫn qua nhà con trai để làm đám giỗ cho anh. Trong lòng tôi chưa bao giờ nghĩ đã chia tay anh Vũ. Trước khi anh Vũ mất, chúng tôi còn định trở lại với nhau cơ mà.
Giờ đây, khi nghĩ lại chuyện đã qua, chỉ cảm thấy buồn bởi ngày đó mình đã không vượt qua được những sự đố kỵ trong cuộc đời. Nói chung đời tôi nhiều nỗi đau khổ lắm và cả sự bạc bẽo nữa. Tất cả những thứ đó cứ đi xuyên trong cuộc đời của mình.
Từ lâu lắm rồi bà không tái xuất với phim ảnh. Phải chăng cảm hứng đối với môn nghệ thuật này đã vơi cạn theo tuổi tác?
Đâu, tôi vẫn thường xuyên xem các phim truyền hình và cập nhật thông tin về sự phát triển của ngành điện ảnh Việt Nam. Lúc nào, tôi cũng mong, điện ảnh Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm đầu tư hơn nữa của các cấp lãnh đạo.
Bởi điện ảnh là một môn nghệ thuật thứ 7 nhưng nó lại luôn gắn liền với đời sống xã hội và dân sinh. Sự phát triển của xã hội cũng có sự góp phần không nhỏ của điện ảnh. Nên đầu tư cho điện ảnh cũng chính là đầu tư cho văn hoá, cho con người Việt Nam thời đại mới.
Bên cạnh đó, mới đây tôi cũng vừa tham gia một bộ phim “Hoa cỏ may” phần 3 của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Thực ra, thỉnh thoảng tôi vẫn được mời tham gia một số phim, tất nhiên không phải là vai chính như trước nhưng vì tuổi tác đã lớn, sức khỏe không cho phép nên cũng không dám nhận.
Ngày xưa còn tự đi xe máy đến phim trường chứ bây giờ không đi được xe máy một mình nữa. Không làm phim nữa nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn viết báo cho các tờ báo chuyên ngành.
Theo bà, vì sao ngày nay nhiều diễn viên tham gia phim ảnh nhưng cứ hết phim là vai diễn cũng trôi tuột theo?
Phim mà gần gũi với đời thường, với thực tế sẽ dễ đi vào lòng người xem và đứng lại mãi. Ngày xưa, điện ảnh cách mạng Việt Nam có được nhiều tác phẩm đỉnh cao cũng là vì biết khai thác nhiều góc cạnh của cuộc sống và đưa đến gần với người xem.
Lớp diễn viên trẻ ngày nay nhiều bạn rất tài năng, nhạy bén và cầu tiến… nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều bạn không thực sự nghiêm túc với nghề. Nhiều đến với phim ảnh theo kiểu ngẫu hứng chứ không phải thực sự từ đam mê.
Thậm chí, có nhiều bạn vì “miếng cơm manh áo” mà nhận phim tràn lan, không có khoảng lùi để mà bồi đắp kiến thức, trau dồi vốn sống, trau chuốt chuyên môn… Bởi thế mà có những phim kịch bản rất hay, đạo diễn rất có nghề nhưng diễn viên đóng cứ trôi tuột đi đâu ấy. Xem phim mà vai chính lẫn vai phụ không đọng lại bất kỳ một điều gì. Hết phim là vai diễn cũng hết luôn.
Cảm xúc của bà như thế nào khi được mời tham dự các sự kiện điện ảnh như LHP Quốc tế Hà Nội?
Tôi cảm thấy rất phấn khởi vì được mời tham dự LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ V. Đến đây, tôi đã được gặp lại bạn bè, đồng nghiệp và người yêu mến điện ảnh. Thế hệ của chúng tôi đều đã lớn tuổi, thời của chúng tôi cũng đã qua nhưng đến đây gặp được nhiều người trẻ chúng tôi cũng trẻ lây.
Tôi cảm thấy rất hứng thú khi được xem các tác phẩm điện ảnh mà những người trẻ đóng và những người trẻ tham gia sản xuất. Tôi tin rằng, tương lai của điện ảnh Việt Nam sẽ rạng rỡ hơn nhờ sự nỗ lực của nhiều thế hệ diễn viên, đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất trẻ.
Bà thấy các bộ phim được chọn tham gia LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ V đợt này như thế nào?
Tôi thấy những phim được chọn tham gia LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ V và được trình chiếu cho khán giả xem là một cơ hội rất tốt để những người làm điện ảnh có cơ hội được tiếp cận với nhiều nền điện ảnh trên thế giới. Qua đó, chúng ta cũng sẽ học hỏi được nhiều thứ trong công nghệ làm phim của các nước để tiến tới hội nhập sâu rộng.
Cảm ơn bà đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long