NSƯT Thanh Sang với những vai diễn để đời

(Dân trí) - NSƯT Thanh Sang qua đời ở tuổi 75 tại nhà riêng vào lúc 0 giờ 30 ngày 21/4 sau hơn 2 tuần chìm vào hôn mê sâu, để lại nhiều sự tiếc thương cho đồng nghiệp và khán giả mộ điệu cải lương.

NSƯT Thanh Sang được xem là một trong những thế hệ vàng của cải lương miền Nam. Hơn 50 năm theo nghiệp cầm ca, ông đã có những vai diễn sống mãi trong lòng khán giả mộ điệu như: Tạ Tốn trong Cô gái Đồ Long, Trần Minh của Bên cầu dệt lụa, Thi Sách ở Tiếng trống Mê Linh hay Lục Vân Tiên trong Kiều Nguyệt Nga, Lê Hoàn của Thái Hậu Dương Vân Nga...

Cố nghệ sĩ Thanh Sang và Thanh Nga thời kỳ nổi tiếng
Cố nghệ sĩ Thanh Sang và Thanh Nga thời kỳ nổi tiếng

Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn trong vở "Cô gái Đồ Long"

Ở tuổi 22, nghệ sĩ Thanh Sang đã thành danh và nhận giải thưởng Thanh Tâm với vai diễn Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn trong vở "Cô gái Đồ Long" của soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng.

Nghệ sĩ Thanh Sang thành danh với vai Tạ Tốn trong Cô gái Đồ Long
Nghệ sĩ Thanh Sang thành danh với vai Tạ Tốn trong Cô gái Đồ Long

Thành công và nổi danh là thế, nhưng con đường đến với hoạt động nghệ thuật của ông cũng phải trải qua nhiều khó khăn. Chỉ nghe cải lương và học hát lõm khi sống gần rạp cải lương Hải Lạc. Đi theo đoàn hát một thời gian với các vai diễn quân sĩ, nhưng cũng không thành công nên ông về nhà. Mẹ ông biết con trai mê nghề hát nên tìm đến nghệ sĩ Ngọc Đáng đang ở Bến Đình - Vũng Tàu để gửi gắm ông theo nghề.

Nhờ bền chí và hiếu học, cùng lòng đam mê nghệ thuật ông được nhận vào gánh Ngọc Kiều ca diễn thành chuyên nghiệp (1960). Và mỗi khi có kép nào bị đau ốm hoặc "trục trặc" là Thu được bầu cho thế vai. Được ông bầu Hoàng Kim chú ý đặt nghệ danh Thanh Sang.

Khi tên tuổi Thanh Sang được chú ý, ông được mời về gánh Dạ Lý Hương và dấu son đầu tiên trong cuộc đời nghệ thuật của ông là vai Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn trong vở "Cô gái Đồ Long".

Ban đầu, nghệ sĩ Thanh Sang đọc xong kịch bản và không nhận vai vì sợ mình không diễn đạt vai Tạ Tốn với những cá tính phức tạp. Điểm ấn tượng của vai diễn Tạ Tốn ở tâm lý nhân vật, từ trạng thái hung dữ, điên cuồng chuyển đến tâm lý nhân văn vì tính người; Tạ Tốn nghe tiếng trẻ khóc đã mềm lòng vì nhớ đến con mình mà xóa tan đi thù hận. Đôi mắt mù của Tạ Tốn bình thường đứng tròng, nhưng khi biểu đạt trạng thái căm hờn, nghi ngờ, dò đoán; khi lòng nhân xuất hiện ánh mắt mù kia trở nên bối rối, ngây ngô rất đáng thương... Đó là tài nghệ biểu đạt trong ca diễn cùng kết hợp đồng bộ xuất sắc của nghệ sĩ Thanh Sang trong vai Tạ Tốn. Vai diễn để đời trong lịch sử cải lương trước năm 1975 giúp NSƯT Thanh Sang nhận giải thưởng Thanh Tâm năm 1964.

Vai Trần Minh - Bên cầu dệt lụa

Vai Trần Minh trong vở Bên cầu dệt lụa của nghệ sĩ Thanh Sang được khán giả yêu mến nhất trong thời hoàng kim của Cải lương (từ năm 1975 đến 1990).

Nghệ sĩ Thanh Sang thời trẻ với Trần Minh trong Bên cầu dệt lụa
Nghệ sĩ Thanh Sang thời trẻ với Trần Minh trong Bên cầu dệt lụa
Và trên sân khấu trong những năm sau này cũng với vai diễn Trần Minh
Và trên sân khấu trong những năm sau này cũng với vai diễn Trần Minh

Vai diễn này không chỉ để lại dấu ấn sâu đậm không những trong đời sống Sân khấu Cải lương một thời, mà còn để lại một hình tượng nhân vật đầy tính nhân bản và có tính triết lý, đạo lý thủy chung sâu sắc.

Nghệ sĩ Thanh Sang và Thanh Nga trong trích đoạn Bên cầu dệt lụa.

Trần Minh thuộc tầng lớp hạ dân, nghèo hèn nhưng thiếu học và đầy ý chí. Trần Minh đi từ cơ hàn đến hùng mạnh, đầy nghĩa khí. Khi đỗ đạt được vua phong Tân trạng, dõng dạc đối đáp với công chúa và vua bằng khẩu khí cứng rắn và bình tĩnh. Đây cũng là cách diễn đạt tính cách nhân vật Trần Minh của nghệ sĩ Thanh Sang. Anh có lối diễn xuất trầm tĩnh và sâu lắng trong tâm trạng nhân vật và hoàn cảnh bi; hùng tráng, đỉnh đạc khi nhân vật trong trạng thái nghiêm trang.

Nhân vật Trần Minh, tác giả Thế Châu đã tạo dựng đầy đủ các yếu tố của một nhân vật trong văn học. Ông đã dùng ngôn từ của mình để triết lý nhân vật về tình mẫu tử, lòng thủy chung, nghĩa phu thê, bổn phận quân thần... Các yếu tố chỉ là hình tượng của văn học viết. Khi xây dựng thành hình tượng nhân vật sân khấu thì các tố chất đó được nghệ sĩ Thanh Sang tái hiện trong một Trần Minh mà tất cả khán giả chưa một lần biết và thấy Trần Minh ra sao. Nhưng họ tin Trần Minh có thật qua hình ảnh của nghệ sĩ Thanh Sang hóa thân vào vai diễn của mình. Đó là tài năng của nghệ sĩ biểu diễn - người được trực tiếp thay mặt cho tác giả kịch bản, đạo diễn dàn dựng để chinh phục khán giả bằng hình tượng nhân vật.

Nghệ sĩ Thanh Sang và NSND Bạch Tuyết trong Lục Vân Tiên
Nghệ sĩ Thanh Sang và NSND Bạch Tuyết trong Lục Vân Tiên

Sau hơn 50 năm sống với nghề, mang kiếp con tằm nhả tơ, NSƯT Thanh Sang đã sống trọn kiếp người và sống vẹn với nghề. Vẫn biết sinh lão bệnh tử là lẽ thường tình nhưng có lẽ người hâm mộ sẽ luôn ngậm ngùi khi tiếng hát trầm ấm, da diết của ông giờ đây đã tắt.

Tang lễ nghệ sĩ Thanh Sang tổ chức tại nhà riêng đường số 17, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM. Lễ viếng bắt đầu từ 10h sáng ngày 21/4/2017. Lễ truy điệu bắt đầu lúc 7h15 ngày 25/4/2017. Sau đó linh cữu của ông được đưa đi an táng tại nghĩa trang Bình Dương.

Băng Châu (Tổng hợp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm