NSƯT Thanh Loan ra sao sau gần 4 thập niên tạo dấu ấn với vai “Ni cô Huyền Trang”?

(Dân trí) - Sau gần 4 thập niên ghi dấu ấn với vai Ni cô Huyền Trang, NSƯT Thanh Loan vẫn giữ được nét đẹp dịu dàng vượt thời gian và là người nghệ sĩ hết lòng với điện ảnh nước nhà.

Bộ phim “Biệt động Sài Gòn” về lực lượng biệt động Sài Gòn của đạo diễn Long Vân phát hành năm 1986 đã lập nhiều kỷ lục về số lượng người xem và trở thành bộ phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam. 

NSƯT Thanh Loan ra sao sau gần 4 thập niên tạo dấu ấn với vai “Ni cô Huyền Trang”? - 1

Tạo hình vai Ni cô Huyền Trang trong phim "Biệt động Sài Gòn".

Những tên tuổi lừng danh thời ấy như: Thương Tín, Hà Xuyên, Thúy An, Quang Thái, Thanh Loan... đã tạo nên một tác phẩm điện ảnh mà nhiều năm sau này giá trị nghệ thuật của nó vẫn vẹn nguyên, tạo nên xúc cảm mạnh mẽ cho người xem.

Dù đã gần 40 năm trôi qua nhưng mỗi khi nhắc đến vai Ni cô Huyền Trang, NSƯT Thanh Loan vẫn còn những xúc cảm khó tả. Chia sẻ về điều này, NSƯT Thanh Loan cho biết, mỗi năm cứ đến dịp tháng 4 lịch sử, bà cùng đồng nghiệp lại có dịp được xem lại bộ phim “Biệt động Sài Gòn”. Bà cảm thấy vô cùng tự hào và hãnh diện vì đã được góp một chút công sức nhỏ bé để tạo nên thành công của bộ phim.

“Đây là bộ phim màu nhiều tập đầu tiên của điện ảnh Việt Nam. Với những người trong nghề chúng tôi thì việc được tham gia bộ phim này là một vinh dự lớn lao của đời nghệ sĩ. Bởi bộ phim đã thực sự sống mãi trong lòng khán giả và tạo nên một dấu ấn đặc biệt trong dòng chảy lịch sử điện ảnh nước nhà. Mỗi lần xem lại tôi cảm thấy rất xúc động, nhớ lại một thời kỳ làm phim rất gian khổ.

Thời đó, các phương tiện kỹ thuật để làm phim còn thiếu thốn và lạc hậu lắm. Cả nước mới chỉ có một cơ sở in tráng màu và phải thực hiện bằng máy quay Oóc-vô của Đức. Mỗi một lần quay bối cảnh xong, chúng tôi lại phải chuyển phim từ TP.HCM ra Hà Nội để in tráng. Chính vì thế mà quay 4 tập phim nhưng phải đến 4 năm trời mới xong”, nữ nghệ sĩ chia sẻ.

NSƯT Thanh Loan ra sao sau gần 4 thập niên tạo dấu ấn với vai “Ni cô Huyền Trang”? - 2

Cho đến bây giờ, mỗi khi xem lại bộ phim do mình thể hiện, NSƯT Thanh Loan vẫn lâng lâng xúc động.

NSƯT Thanh Loan cũng cho rằng, bà xem vai Ni cô Huyền Trang như là vai diễn cuối cùng trong sự nghiệp diễn xuất của mình bởi có đóng thêm cũng không có vai nào có thể vượt qua được vai diễn kinh điển này. Bởi lẽ, ngày xưa, các nghệ sĩ khi đã nhận vai là rất đầu tư và tâm huyết với vai diễn. Và một khi đã “sống chết” với vai diễn là quên đi mọi thứ xung quanh. Bây giờ, để làm được điều khó… nghe chừng khó khăn rất nhiều.

“Ngày xưa chúng tôi đóng phim cầu kỳ lắm.

Chẳng hạn, khi được mời đóng vai Ni cô Huyền Trang, tôi phải có thời gian đọc kỹ kịch bản, thậm chí còn phải có quá trình phân tích lý lịch và mối quan hệ đa chiều của nhân vật. Ngoài ra, các nghệ sĩ còn phải trực tiếp đến gặp các nguyên mẫu là những chiến sĩ biệt động Thành năm xưa để lắng nghe, quan sát và nắm bắt tâm tư - tình cảm của họ khi hoạt động cách mạng.

Qua những lần trò chuyện đó, các nghệ sĩ sẽ có thêm nhiều vốn thực tế cũng như tư liệu lẫn cảm xúc để lấp đầy cho vai diễn. Với người nghệ sĩ khi được hoá thân vào một vai diễn có nhiều đất diễn cho mình thể hiện thì đó là một may mắn”, NSƯT Thanh Loan tâm sự thêm.

NSƯT Thanh Loan kể, để hiểu được cuộc sống của một Ni cô, bà phải vào chùa sống độ khoảng 10 ngày để học cách tụng kinh, cách gõ chuông và cách đi khất thực của nhà sư. Và khi nhân vật đã “ngấm” vào suy nghĩ thì mọi thứ cứ như “đeo bám” giúp mình luôn giữ được cảm xúc của nhân vật kể cả khi phim quay gián đoạn.

NSƯT Thanh Loan ra sao sau gần 4 thập niên tạo dấu ấn với vai “Ni cô Huyền Trang”? - 3

Nghệ sĩ Thanh Loan ở thời điểm hiện tại.

“Thời gian quay “Biệt động Sài Gòn” kéo dài 4 năm nhưng chúng tôi vẫn sống được với nhân vật của mình vì khi đã yêu nhân vật rồi thì mọi thứ như “đeo bám” trong tâm tưởng. Làm gì, nghĩ gì… thì hình ảnh nhân vật cũng hiển hiện ra trước mắt mình. Nhờ thế mà dù quay gián đoạn nhưng cảm xúc không bị đứt đoạn”.

Nữ nghệ sĩ chia sẻ, khi học xong nghề đạo diễn, bà từng ấp ủ muốn làm những bộ phim về những người cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong…

“Năm ngoái, tôi tình cờ đủ cơ duyên được gặp Ni sư Diệu Thông. Bà chính là nguyên mẫu của Ni cô Huyền Trang trong phim “Biệt động Sài Gòn”. Bà đang trụ trì một ngôi chùa ở An Giang và khi ra Hà Nội thì chúng tôi đã gặp nhau.

Buổi gặp ấy thực sự rất xúc động bởi sau nhiều năm Ni cô Huyền Trang thật và Ni cô Huyền Trang trên phim mới có dịp gặp lại nhau giữa đất Thủ đô. Những câu chuyện kể của bà cứ ám ảnh mãi trong ký ức của tôi. Nếu có điều kiện để làm những bộ phim về những người anh hùng thầm lặng đã hy sinh rất nhiều cho cuộc chiến vệ quốc của dân tộc mình thật là đáng quý.

Ở tuổi ngoài 60, NSƯT Thanh Loan vẫn giữ nguyên nét đẹp cổ điển trên gương mặt và sự tươi trẻ trong tinh thần. Sau "Biệt động Sài Gòn", bà chọn cách vắng bóng dần trên màn ảnh với lý do "vì sợ không có vai nào vượt qua được Ni cô Huyền Trang nữa".

Điều này với khán giả là một niềm tiếc nuối lớn nhưng với nữ nghệ sĩ là một sự "biết đủ". Chia tay màn ảnh, NSƯT Thanh Loan chuyển sang học đạo diễn và được đề bạt làm Phó Giám đốc Hội Điện ảnh của Bộ Công an.

NSƯT Thanh Loan ra sao sau gần 4 thập niên tạo dấu ấn với vai “Ni cô Huyền Trang”? - 4

Nghệ sĩ Thanh Loan cùng những người bạn vẫn thường làm công tác thiện nguyện mỗi khi có điều kiện.

Sau khi nghỉ hưu, bà vẫn tích cực tham gia các hội, đoàn nghề nghiệp. Hiện bà vẫn đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội. Bà vẫn đều đặn tự đi xe máy đến nơi làm việc. Những lúc rảnh rỗi, bà lại cùng bạn bè và đồng nghiệp rong ruổi đó đâu với những thú tiêu dao bình dị của tuổi già.

Cuộc đời của nữ nghệ sĩ là những năm tháng bình yên, hạnh phúc bên người chồng là một GS. TS Toán học. Chồng bà hiện vẫn đều đặn tham gia công tác giảng dạy cao học chuyên ngành Toán - Tin. Các con một trai, một gái đã trưởng thành, lập gia đình, sống quây quần bên bố mẹ tại một khu chung cư cao cấp ở Hồ Tây - Hà Nội.

NSƯT Thanh Loan tự nhận là một người có cuộc sống may mắn nên khi về hưu bà dành nhiều thời gian làm thiện nguyện để chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn. 

Hà Tùng Long