NSƯT Thanh Lam: “Giữa tôi và thầy Tùng có một sự hoà hợp trong tâm hồn”

(Dân trí) - Vì lẽ đó mà theo diva Thanh Lam, âm nhạc của cố nhạc sĩ Thanh Tùng đến với chị và chị hát nhạc của cố nhạc sĩ rất tự nhiên, không có gì gượng ép...

Có mặt trong buổi tiễn đưa nhạc sĩ “Giọt nắng bên thềm” về nơi an nghỉ cuối cùng có rất nhiều người thân, đồng nghiệp, bạn bè, người hâm mộ... Đặc biệt, rất nhiều người bạn nghệ sĩ đã đến và ở lại với ông đến phút cuối cùng trước khi di quan. Trong những hoài niệm về người vừa nằm xuống, NSƯT Thanh Lam - người hát nhiều và thành công nhất những tác phẩm của ông; nhạc sĩ Trọng Đài - người có thời gian làm việc chung với nhạc sĩ và NSND Thanh Quý - người hâm mộ và biết đến nhạc sĩ từ khi còn là một cô bé đã chia sẻ nhiều câu chuyện xúc động về cuộc đời, con người và âm nhạc của nhạc sĩ Thanh Tùng.

Diva Thanh Lam nhìn mặt người thầy chị vô cùng yêu mến và kính trọng lẫn cuối. Ảnh: Mạnh Thắng.
Diva Thanh Lam nhìn mặt người thầy chị vô cùng yêu mến và kính trọng lẫn cuối. Ảnh: Mạnh Thắng.

NSƯT Thanh Lam: “Thầy Thanh Tùng là một người rất mãnh liệt!”

Thực ra, thầy bị ốm từ rất lâu rồi. Tôi nhìn thấy ông yếu đi từng ngày rất rõ vì thỉnh thoảng tôi vẫn đến thăm ông. Một một năm tôi thấy khác đi rất nhiều. Vì thế việc thầy ra đi tôi không quá bất ngờ. Tôi chỉ tiếc là thầy đi ở lứa tuổi còn rất sớm, nếu còn sống và khỏe mạnh chắc chắn nhạc nhẹ Việt Nam còn có nhiều tác phẩm âm nhạc tuyệt vời nữa.

Tôi biết ông từ năm 19 tuổi. Và ông không dạy mình cái gì cụ thể như dạy anh Quốc Trung hay anh Ngọc Lễ nhưng âm nhạc của thầy cũng ảnh hưởng khá lớn đến âm nhạc của tôi. Tôi gọi ông là thầy như một cách để thể hiện sự trân quý tài năng của ông cũng như những gì ông đã để lại cho nền âm nhạc Việt Nam.


NSƯT Thanh Lam chia buồn với anh Thanh Bách, con trai cả của cố nhạc sĩ Thanh Tùng. Ảnh: Quý Đoàn.

NSƯT Thanh Lam chia buồn với anh Thanh Bách, con trai cả của cố nhạc sĩ Thanh Tùng. Ảnh: Quý Đoàn.

Cá nhân tôi thấy thầy Thanh Tùng là một người rất mãnh liệt. Ca từ trong ca khúc của thầy rất đời. Nó là những hiện thực của cuộc sống. Sở dĩ tôi hát được nhiều tác phẩm của thầy và được nhiều người xem là hát thành công nhất tác phẩm của thầy vì giữa tôi và thầy có một sự hòa hợp trong tâm hồn. Tôi nghĩ là vậy. Thành ra âm nhạc của thầy đến với tôi và tôi hát nhạc của thầy đều rất tự nhiên, không có gì là gượng ép cả.

Thời gian thầy đang khoẻ, những show diễn của tôi, thầy luôn luôn có mặt. Những buổi đi chơi của thầy, thầy rất hay rủ tôi đi để hát giao lưu cùng bạn bè của thầy. Những lần ấy tôi cảm thấy rất vui. Có một kỷ niệm là khi tôi có hai đêm liveshow ở Sài Gòn, ở đêm đầu tiên thì không sao nhưng đêm thứ hai tôi bị đau họng. Tôi tưởng phải bỏ buổi diễn đấy. Lúc đó, chính thầy đã động viên tôi rằng: “Thanh Lam phải cố gắng lên, bây giờ người ta không nghe mình hát bằng giọng hát nữa mà nghe bằng tiếng trái tim của mình”. Thầy động viên thế và tôi đã có thêm động lực để tiếp tục hát, không bỏ show. Và đúng như thế, cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác lại mở ra. Tôi đã có một đêm diễn rất thành công nhờ sự khuyến khích và động viên của thầy.

Tôi và anh Quốc Trung đang ấp ủ làm một đêm nhạc của thầy. Tôi muốn đêm nhạc này có cái gì đó lạ hơn những điều mà mọi người đã nghe về âm nhạc của thầy Tùng. Tôi muốn làm cái gì đó giản dị, thanh tao... Cái đó rất cần sự hỗ trợ và kinh nghiệm của những người nghệ sĩ tài năng.

Nhạc sĩ Trọng Đài: “Anh ấy là người có vốn sống khổng lồ”

Tôi thấy anh Tùng là một người sống khá thanh cao. Anh ấy cũng là người có vốn sống khổng lồ. Tôi còn nhớ như in anh ấy có nói trong một câu chuyện rằng là, anh ấy sinh ra ở miền Trung, sinh sống lâu thì ở phía Nam nhưng mà lại tư duy theo kiểu người Bắc. Chúng tôi có đùa lại anh ấy nhưng anh ấy lý luận lại khiến chúng tôi không thể cãi được điều gì hết. Tóm lại, anh ấy có sự phóng khoáng của người miền Nam, sự triết luận của người miền Bắc và sự bền bỉ của người miền Trung.

Về sự nghiệp âm nhạc của anh Tùng thì anh ấy có một ảnh hưởng rất lớn. Tôi chắc rằng còn ảnh hưởng sâu rộng nữa đấy. Bởi, anh ấy không chỉ là người khai phá nhạc nhẹ nói chung đâu mà quan trọng là anh ấy đã tạo dựng được một thế giới âm nhạc Thanh Tùng. Đó là điều rất quý giá mà mọi người đều phải ghi nhận. Ca từ trong âm nhạc rất giàu hình ảnh. Cho đến bây giờ, cá nhân tôi vẫn rất yêu quý.


Nhạc sĩ Trọng Đài mặt buồn rười rượi trước linh cữu của cố nhạc sĩ Thanh Tùng. Ảnh: Thế Dương.

Nhạc sĩ Trọng Đài mặt buồn rười rượi trước linh cữu của cố nhạc sĩ Thanh Tùng. Ảnh: Thế Dương.

Phải nói thêm rằng, âm nhạc của anh Tùng rất mới. Trong giai đoạn khởi nguyên, chúng ta cứ cảm giác, thời này thời kia, chúng ta bị ảnh hưởng âm nhạc thời Pháp, Châu Âu... Kể cả bây giờ cũng thế, mỗi giai đoạn lại có sự giống cái này, giống cái kia. Nhưng âm nhạc Thanh Tùng thì có ngôn ngữ rất riêng biệt. Âm nhạc đặc sệt yếu tố nhạc nhẹ nhưng không phải lắp ghép mà đến với công chúng một cách rất tự nhiên. Và tôi cho đó là một vận may của dân tộc. Ông là một trong những người đầu tiên khơi mào dòng nhạc ấy mà công chúng tiếp nhận hết sức nồng nhiệt. Cũng có thể, Thanh Tùng sinh đúng thời điểm nhưng cái quan trọng là tài năng của anh đã cho thấy một sự vượt trội khó ai cùng thời có thể có.

Tôi có một kỷ niệm đó là trong liveshow năm 2005 ở Trung tâm Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội), tôi được chính anh Tùng mời vào chỉ huy dàn nhạc giao hưởng dù anh Tùng là một người chỉ huy cũng rất tài ba. Điều đó chứng tỏ anh Tùng rất tinh tường và luôn tạo cơ hội cho mọi người cống hiến. Làm việc với anh Tùng tôi rất thích ở chỗ, anh ấy rất kiệm lời, nhất là trong chuyên môn. Điều này thể hiện sự tin cậy tuyệt đối của anh ấy với đồng nghiệp, kể cả là đàn em.

NSND Thanh Quý: “Người ơi, anh đã đi xa rồi!”

Tôi đến viếng anh Thanh Tùng với tư cách một người em, một người bạn. Tôi quen anh Tùng thông qua một vài người bạn đã được hơn chục năm rồi. Nếu nói đến chuyện biết đến nhạc sĩ Thanh Tùng thì thực ra là tôi biết đến anh sớm hơn, khi tôi còn bé. Hồi đó, nhà tôi ở đường Bưởi (Hà Nội), ở gần Thụy Khuê là nhà của vợ anh Thanh Tùng. Tôi còn nhớ hồi đó, cứ mỗi lần đi qua nhà chị Minh ở phố Thụy Khuê là tôi lại dừng xe lại một lúc để ngó vào vì biết nhà này có con rể là nhạc sĩ Thanh Tùng. Tôi xem đó là một sự tự hào cho nên đi đâu tôi cũng giới thiệu nhà tôi ở gần nhà bố mẹ vợ nhạc sĩ Thanh Tùng (cười nhẹ). Mà ngày xưa chị Minh xinh đẹp lắm, nổi tiếng cả khu Thụy Khuê.

NSND Thanh Quý vẫn không thể tin là cố nhạc sĩ Thanh Tùng đã ra đi. Ảnh: Quý Đoàn.
NSND Thanh Quý vẫn không thể tin là cố nhạc sĩ Thanh Tùng đã ra đi. Ảnh: Quý Đoàn.

Thực ra, sau này, khi lớn lên, hoạt động nghệ thuật rồi tôi mới được nhìn thấy tận mắt tướng mạo, dung nhan của anh Thanh Tùng. Còn trước đó, tôi chỉ biết đến anh qua các tác phẩm âm nhạc do anh sáng tác như: Con kênh xanh xanh, Giọt nắng bên thềm, Một mình, Chuyện tình của biển, Hoa tím ngoài sân... Những tác phẩm âm nhạc này đã truyền cảm hứng rất lớn cho tôi. Vì âm nhạc của anh đã đi vào xúc cảm của tôi. Chẳng hạn, bài Một mình mỗi lần tôi nghe là xúc cảm lại đong đầy.

Qua những bài báo phỏng vấn anh Thanh Tùng tôi lại càng yêu mến và cảm phục người vợ của anh hơn. Tôi nghĩ rằng, người vợ của anh phải như thế nào mới tạo cảm hứng cho anh sáng tác được những ca khúc hay như thế. Cho nên khi nghe tin anh Thanh Tùng mất, tôi có viết trên trang cá nhân của mình rằng: “Người ơi, anh đã đi xa rồi nhưng anh sẽ gặp lại người vợ thân yêu của anh ở nơi ấy. Anh hãy thanh thản” (rưng rưng). Và tôi nghĩ rằng, tình cảm của anh ấy làm cho tôi và rất nhiều người xúc động, rất nhiều người thương yêu anh ấy, rất nhiều người qua âm nhạc của anh ấy mà quý người vợ của anh ấy hơn.

Hà Tùng Long