LHP Quốc tế Hà Nội 2012:
NSƯT Phi Tiến Sơn: “Tại sao khán giả không hiểu?”
(Dân trí)- Đạo diễn- NSƯT Phi Tiến Sơn bày tỏ ý kiến trước thông tin cho rằng bộ phim Đam mê của anh chưa xứng đáng đại diện cho điện ảnh Việt Nam dự thi tại LHP Quốc tế Hà Nội 2012.
Tôi cũng có một câu hỏi, tại sao xem một bộ phim như Đam mê, khán giả lại không hiểu?
Đam mê được xây dựng trên một kịch bản với những tình tiết chưa đắt giá. Phim không logic trong cách phát triển tâm lý nhân vật. Diễn xuất của nhiều diễn viên còn hời hợt… Câu chuyện của anh bắt điầu với nhân vật Kim Kim- một người mẫu từng nổi tiếng, bị đồng nghiệp hãm hại, Kim Kim bị thương tật ở chân và trốn vào rừng ở cùng con gái… Riêng tình tiết này đã phi lý. Thực tế ở Việt Nam, chưa từng có người mẫu nổi tiếng nào phải trốn vào rừng ở ấn sau khi bị đồng nghiệp hãm hại...
Cũng có thể, với khán giả Việt Nam, họ thích các đạo diễn Việt kể câu chuyện của người Việt hơn. Trong Đam mê, anh có nói đến một vấn đề của người Việt, là chuyện tận diệt thú rừng. Một gia đình đại gia với trang trại bạt ngàn nuôi hàng chục chú hổ dữ, gấu lấy mật... Tuy nhiên, câu chuyện còn nửa vời, ngay cả sự độc tài của ông bố, khát vọng của con gái, hay bi kịch của cựu người mẫu thọt chân vẫn chưa thể chạm tới trái tim khán giả?
Đó là ý kiến của cá nhân bạn. Mỗi khán giả khi xem một bộ phim sẽ có những ý nghĩ khác nhau, các cảm nhận khác nhau về một bộ phim. Khi xem Đam mê, sẽ có người thấy phim nói về hổ, về chuyện lấy mật gấu, có người thấy phim tuyên truyền bảo vệ môi trường, lại có người nghĩ phim làm về nghề người mẫu… Mỗi người có cách riêng để nhận định về bộ phim. Điều đó nằm ngoài tầm kiểm soát của đạo diễn.
Với Đam mê, tôi chỉ muốn nói đến khát vọng tự do. Mỗi nhân vật của phim, từ ông bố độc tài, sẵn sàng mang cả thương tật của một người mẫu sa cơ ra để “cảnh cáo” con gái, đến những nhân vật trong gia đình, mỗi người trong số họ đều ấp ủ những đam mê riêng. Họ có nhiều cách để thực hiện đam mê của mình, trong đó có cả sự dối trá. Họ dựng lên cả những bi kịch trên nền sự dối trá… Nhưng, trên tất cả những mâu thuẫn đối kháng giữa là các tuyến nhân vật, là khát vọng tự do.
Mục đích sau cùng của mỗi tác phẩm điện ảnh là tìm được sự đồng cảm từ khán giả, là mang đến cho họ những cảm xúc, những xúc động trước câu chuyện của đạo diễn. Ở Đam mê, người ta thấy sự dàn trải, mờ nhạt và ngay cả khát vọng tự do kia cũng có phần khiên cưỡng…
Mười năm trước, đạo diễn Phi Tiến Sơn đã từng có Lưới trời, đã từng có Vào Nam ra Bắc. Cá nhân người viết đã từng xem cả hai bộ phim này và đều rất thích. Ở những bộ phim này người ta nhìn thấy sự sắc sảo của anh. Chẳng lẽ, Đam mê lại là bộ phim “khó hiểu” hơn Lưới trời? Hay, chỉ có một sự thật mà anh chưa thừa nhận là, Đam mê là một bước lùi về nghệ thuật của anh so với Lưới trời?
(Cười)… Nhiều năm đã trôi qua, cũng đến lúc, tôi phải làm cái gì đó khác đi. Tôi cho rằng, Đam mê là một câu chuyện mới. Những cái mới bao giờ cũng khó được chấp nhận. Tôi không mong bộ phim của mình sẽ ồn ào, sẽ đông người xem… như những bộ phim đang chiếu rạp.
Khán giả của chúng ta đang mê mải với những thứ giải trí. Ngay cả với truyền thông. Đọc báo mỗi ngày, tôi đã thấy những tin bài được đọc nhiều nhất trên trang là tin cô người mẫu A váy ngắn, cô diễn viên B lấy chồng đại gia… Những câu chuyện ấy đang tràn lan trên báo, trên phim, và thống trị thị hiếu số đông.
Người ta bao giờ cũng nói như thế. Nhân vật chưa tới. Câu chuyện chưa tới. Bộ phim chưa tới. Nhưng, phải tới đến như thế nào, không phải ai cũng trả lời được.
Hiền Hương thực hiện