1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

NSƯT Phạm Bằng: “Vợ là số một”

Ai thích ăn món bánh trôi Tàu và xem hài kịch đều biết đến Phạm Bằng. Ông nổi tiếng với biệt danh “ông Bằng hói” và quán Bánh trôi của ông cũng là một địa chỉ được rất nhiều người tìm đến khi có dịp đến Hà Nội vào mùa đông.

Có thời kì kéo xe thuê để kiếm sống

NSƯT Phạm Bằng hẹn tiếp phóng viên trong một chiều lạnh tại căn nhà trong khu 30 Hàng Giầy của ông. Tôi hơi bất ngờ khi mở của cho mình là một nghệ sĩ Phạm Bằng ở tuổi 84 mà vẫn còn tráng kiện, da dẻ hồng sáng và chất giọng của một diễn viên kịch lão luyện vẫn sang sảng, trầm ấm hấp dẫn người nghe. Ông bảo số tử vi của ông có chữ “Phong lưu mã thượng” suốt đời và ông cũng thấy đúng. Nhưng ông cũng nói rằng số trung và hậu vận của ông mới tốt chứ tiền vận rất vất vả. Đã có thời gia đình ông có giấy chứng nhận hộ nghèo của khu dân phố.

“Đấy là thời kì các con tôi còn nheo nhóc, vợ tôi không có việc làm. Lương của người nghệ sĩ thì ba cọc ba đồng”. Ông vẫn nhớ cảm giác bất lực, chua xót khi ông đi diễn xa, vợ ông viết thư lên và nhắn: “Anh ơi, nhà hết gạo ăn rồi”. Rồi cả những lúc hoa mắt vì triền miên không có cái ăn mà vẫn phải đi làm, đi diễn đến tận đêm. Cái thời khó khăn ấy, ông đã được tạo điều kiện làm thêm bằng cách được dùng xe bò chở dụng cụ của đoàn hát từ khu vực sau nhà hát Lớn bây giờ về cất tại rạp Đống Đa. Diễn xong đã là 1g30 sáng. 

Kéo xe bò xuống dưới rạp Đống Đa rồi lại đi bộ về nhà, nhìn đồng hồ đã là 5g30. Đưa cho vợ được 4 đồng mua gạo, ăn tạm bát cơm nguội rồi lại đi làm tiếp. Khó khăn, vất vả thế nhưng ông chưa bao giờ bi quan, chán nản. Túng, đói nhưng lúc nào ra ngoài đường ông vẫn bảnh bao, lịch sự. Truyền thống giáo dục của một gia đình nề nếp đã dạy cho ông phải biết vượt lên trên hoàn cảnh. Ông vẫn tin rồi cuộc sống sẽ khá hơn.

Dù khó khăn vất vả nhưng nụ cười vẫn luôn nở trên môi nghệ sĩ Phạm Bằng

Dù khó khăn vất vả nhưng nụ cười vẫn luôn nở trên môi nghệ sĩ Phạm Bằng

Đạo đức và truyền thống gia đình là điểm tựa tinh thần để không sa ngã

Trong cuộc trò truyện, ông nhấn mạnh rất nhiều lần về truyền thống giáo dục của gia đình. Thế hệ của ông được dạy dỗ về đạo đức rất nghiêm ngặt. Ở tuổi 32 khi đã có 2 mặt con, hai vợ chồng ông khi đi đâu vẫn phải đứng khoanh tay trước mặt mẹ để xin phép đi chơi. Lúc nào cụ bà vui vẻ thì được đi ngay, còn hôm nào cụ giận dỗi điều gì, cụ không nói thì cứ đứng khoanh tay ở cửa đến tối. Cũng vì truyền thống gia đình nên khi khi ông tham gia văn công, mẹ ông đã không đồng ý vì quan điểm của các cụ đi học đi hành để làm ông phán, ông đốc, ông thầy cãi chứ không phải không phải đi làm cái loại đào, kép xướng ca vô loài, nay làm chồng người, mai lại làm cha,cách không xa lại làm đầy tớ.

Ông cười lớn: Chính vì cái sự bất đắc dĩ phải đến với nghề và sự không quá gay gắt của mẹ mà sau này ông trúng to. Ông trúng to vì từ khi quen mặt với nhân dân trên chương trình “ Gặp nhau cuối tuần” ông được rất nhiều lời mời đóng phim hài, đóng quảng cáo và cái quán bánh trôi Tàu của vợ ông mở ra cũng đông khách lên rất nhiều. Vì rất đông người dân vừa muốn thưởng thức món bánh trôi bùi bùi, thơm mùi mùi gừng, mùi vừng đen vừa muốn được tận mắt chứng kiến và tiếp xúc với nghệ sĩ hài Phạm Bằng. Tất cả những đoàn khách từ nước ngoài về đều đến đây và khi ông sang biễu diễn ở nước ngoài đông đảo kiều bào nhận ra ông đều bảo “A, trôi Tàu đây rồi!” Ông rất vui vì ngoài cái tên Phạm Bằng, ông Bằng hói, ông còn được mọi người gọi tên ‘Ông trôi Tàu”.

"Cô ấy" và quán bánh trôi tàu

Quán Bánh trôi Tàu của vợ ông nhưng công lớn thuộc về ông. Ông kể rằng, ngày xưa có một gia đình người Tàu đến đề nghị ông mở chung quán bánh trôi . Ông có địa điểm, còn họ có bí quyết nấu bánh. Cái anh Tàu này cũng ghê gớm lắm. Làm ăn chung nhưng họ giấu nghề rất kín. Cứ đến giờ nhào bột, nặn bột, pha bột là họ lại bảo ông đi về ăn cơm. Vợ ông không sao học được cách nấu để bán riêng. Thế là ông bảo vợ cứ để ý quan sát xem họ mua những loại thực phẩm nào về kể ông nghe rồi ông tính. Phải mất 5 năm thử tự làm, nay thêm cái này, mai bớt cái kia trong nguyên liệu nấu bánh ông mới thành được nghề. Thương hiệu bánh trôi Tàu của ông đã đi được một qua trình rất dài, hơn 30 năm nay.

Nghệ sĩ Phạm Bằng

Nghệ sĩ Phạm Bằng

Nhắc đến người vợ đã mất của ông, ông không giấu nổi sự tự hào, trìu mến. Ông vẫn gọi vợ là “cô ấy” trong quá trình trở về với hồi ức của mình. Ông nói, cái may mắn lớn nhất trong cuộc đời tôi là tôi đã có được một người vợ tuyệt vời, hết lòng yêu thương chồng con, thậm chí hi sinh bản thân mình. Chỉ có vợ ông mới chiều được mẹ ông -một người mẹ chồng khó tính của thời đại phong kiến. Cái hồi vợ ông mới về làm dâu nhà ông, phải mất một năm trời cô ấy không dám ăn no. Rồi bà cụ bắt bẻ con dâu theo kiểu “trả nợ đời” những năm tháng đi làm dâu của của cụ mà cô ấy vẫn không một lời oán trách.

Ông khẳng định: Vợ luôn phải chiếm vị trí cao nhất trong gia đình khi kể chuyện có người bạn vong niên của ông, cũng tài năng, khí phách nhưng vợ mất sớm nên sự nghiệp của ông ấy bị ảnh hưởng. Là một người nghệ sĩ nghệ sĩ lại có vẻ ngoài hấp dẫn nhưng chưa bao giờ phải để vợ ông phiền lòng về chuyện này, chuyện kia ở ngoài xã hội. Ông không bao giờ lầm lẫn giữa hai con người, một con người ngoài xã hội và một con người có trách nhiệm với gia đình vợ con. Phải có người nội tướng trong gia đình thì đàn ông mới rảnh tay để lo sự nghiệp được .Nhưng dù đàn ông có thành đạt trong sự sự nghiệp thế nào chăng nữa thì gia đình vẫn phải đặt lên hàng đầu .

Ông bảo, cái luật mới ban: đàn ông mà đánh chửi vợ sẽ bị phạt là việc nên làm. 60 năm chung sống với vợ, ông chỉ có một lần to tiếng và nói những câu kém văn minh và duy nhất một lần tát nhẹ vào má vợ.

Ông bây giờ sống một mình. Con cái ở xa nhưng ông vẫn vui vẻ. Khi hỏi ông bí quyêt giữ sức khỏe, ông bảo rất đơn giản thôi, ông tập thể dục thường xuyên, không bỏ một ngày nào. Đó chính là bí quyết tạo nên một Phạm Bằng vui vẻ và luôn yêu đời – luôn muốn mang lại tiếng cười cống hiến đến người hâm mộ

Theo Triệu Vân
Báo Một Thế Giới