NSƯT Nhuệ Giang xúc động khi "Tâm hồn mẹ" bán được vé
(Dân trí)- Lần đầu tiên “Tâm hồn mẹ” được chiếu dưới hình thức bán vé thu lợi nhuận (19/10) tại trung tâm văn hóa Pháp (L’espace). Cũng là số ít những suất chiếu ở đây vé chính bán hết từ nhiều ngày trước.
Chiếu phim vào tối thứ sáu là hoạt động văn hóa diễn ra thường xuyên ở L’espace với mức giá phải chăng. Tuy nhiên tên phim Việt Nam thường xuất hiện khá ít, một tháng một lần và không mấy khi được khán giả ghé xem. Có thể coi “Tâm hồn mẹ” là một trong số ít những phim được khán giả đón nhận nồng nhiệt như vậy. Gần 30 phút nữa mới đến giờ chiếu đã đông khán giả đứng xếp hàng mua vé bổ sung, khán phòng gần như không còn chỗ trống, phim bắt đầu chục phút vẫn có người đến rạp. Khán giả càng hào hứng hơn khi ông Phillips Boudoux (Phụ trách Nghe, Nhìn – L’espace) thông báo: “Cuối buổi mong quý vị bớt chút thời gian ở lại giao lưu với đạo diễn”.
Cảnh có những khán giả mua vé từ trước ngày chiếu hàng tuần và khán phòng đông đúc hẳn sẽ làm nhiều người từng biết về số phận của “Tâm hồn mẹ” bất ngờ. Là sản phẩm đạo diễn ấp ủ hơn 20 năm, bộ phim hoàn thành vào giữa năm 2011 và được giới chuyên môn đánh giá cao. Khi tham dự liên hoan phim ở Dubai hay công chiếu cho khán giả Mỹ xem, “Tâm hồn mẹ” đều được đông đảo khán giả và các nhà làm phim quốc tế ngợi ca. Song khi về Việt Nam, bộ phim gần như bị quên lãng không được đơn vị phát hành nào mua lại ngoài 10 bản phim bán cho hệ thống chiếu bóng quân đội. Ngoài những buổi chiếu phi lợi nhuận mang tính chất giới thiệu và học tập, tối 19/10 là lần đầu tiên phim được đến với đông đảo khán giả với đúng hình thức bán vé thu lời, dù giá vé ở L’espace chưa bằng một nửa các rạp khác. Đạo diễn Nhuệ Giang không khỏi tự hào: “Tôi bất ngờ và thực sự cảm động khi khán giả đến đông như vậy”.
Phim “Tâm hồn mẹ” có dung lượng khá dài, buổi chiếu bắt đầu vào 20h vì vậy phần giao lưu với đạo diễn bắt đầu khá khuya. Song rất đông khán giả cùng ngồi lại chia sẻ cảm xúc và đặt câu hỏi trực tiếp cho đạo diễn, khác với cảnh xem phim ở Việt Nam những dòng chữ cuối cùng chưa hết người xem đã ra về quá nửa. “Bộ phim quá chân thực và cảm động. Tôi rất muốn đưa con mình đi xem phim này để cháu hiểu cuộc sống còn nhiều người nghèo khó, mình quá may mắn và hạnh phúc” là chia sẻ của một khán giả. Hay “Tôi chưa xem phim Việt Nam nào mà cảnh sống ở cầu Long Biên thực đến vậy” một khán giả Pháp tâm đắc. Bên cạnh đó không ít những thắc mắc như “Tại sao để Hồng Ánh nói giọng Nam?”, “Có những cảnh sex đưa vào có phải để hợp gu với nhà làm phim Pháp, những người tài trợ cho phim không?”… đều được đạo diễn Nhuệ Giang trả lời thấu đáo và thuyết phục.
Tuy nhiên trong không ít câu trả lời đó khán giả thấy được thực trạng khó khăn của đạo diễn làm phim nghệ thuật. Một khán giả nữ đặt câu hỏi: “Từ Thung lũng hoang vắng đến Tâm hồn mẹ, nhân vật chính đều là Hồng Ánh, là sự ưu ái hay vì cô ngại tìm kiếm gương mặt mới”? Nữ đạo diễn không ngần ngại trả lời: “Ở Việt Nam không có nhiều sự lựa chọn, tài năng quá hiếm. Tôi cũng muốn tìm kiến những gương mặt mới nhưng diễn viên giỏi ít lắm”. Hay khi được hỏi: “Cô hy vọng gì ở dự án phim mới?”, bà ngậm ngùi: “Làm phim nghệ thuật ở nước ta khó lắm, kinh phí không có, phim hoàn thành không chiếu được ở đâu. Tôi theo đuổi nên chấp nhận. Tôi không hy vọng sản phẩm mới của mình cũng theo dòng phim nghệ thuật được đông đảo khán giả đón nhận. Đó là điều không tưởng”.
Trong phần đánh giá về “Tâm hồn mẹ”, ông Phillips Boudoux nói: “Hàng năm, quỹ hỗ trợ điện ảnh Pháp nhận được hàng trăm hồ sơ chỉ có 8% được chọn. “Tâm hồn mẹ” suất sắc nằm trong số đó. Những nhà làm phim Pháp sau khi xem đều khẳng định số tiền tài trợ không phí hoài”. Ông không ngần ngại khẳng định: “Bộ phim thực sự hấp dẫn với khách nước ngoài. Đây là thể loại phim mỗi quốc gia cần phải có để giới thiệu về con người, đất nước mình. Tôi hi vọng trong thời gian sớm nhất phim sẽ được ra rạp để đông đảo khán giả Việt Nam được thưởng thức”.