NSƯT Kim Tiến: “Tôi rất bất ngờ khi được đề cử làm Đại biểu Quốc hội”
(Dân trí) - NSƯT Kim Tiến vừa hoàn tất các thủ tục hồ sơ ứng cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa 14 sau khi được Hội thánh Tin lành Hà Nội đề cử. Thông tin này khiến khá nhiều người bất ngờ bởi ngoài chuyện tuổi cao thì trước nay “giọng đọc huyền thoại” này cũng không phải là người quan tâm nhiều đến chính sự. Bản thân bà cũng thừa nhận, bà cảm thấy “choáng váng” khi hay tin bà được đề cử làm ĐBQH.
Cảm giác của bà thế nào khi được Hội thánh Tin lành Hà Nội đề cử ĐBQH khóa 14?
Tôi rất bất ngờ. Có thể nói là “choáng váng” vì đây là một việc cả đời tôi không bao giờ nghĩ tới. Tôi không nghĩ ở tuổi này rồi còn đứng ra gánh vác một việc nặng nề và lớn lao như thế. Tôi mới biết việc mình được Hội Thánh Tin lành Hà Nội đề cử làm ĐBQH mới 2 tuần nay thôi. Tất nhiên, trước khi Hội Thánh quyết định đề cử tôi lên cơ quan cao hơn, họ có hỏi ý kiến tôi xem tôi có đồng ý không. Tôi cũng phải suy nghĩ mất mấy ngày mới đưa ra câu trả lời cuối cùng.
Ở tuổi 69, cái tuổi mà nhiều người thường dành để vui thú đoàn viên, thư giãn tuổi già thì bà lại đồng ý gánh vác trọng trách lớn của một nghị viên nghị trường. Lý do gì bà chấp nhận điều ấy?
Thật lòng, nếu tôi không phải là con của Chúa, không phải là hội viên của Hội Thánh Tin lành Hà Nội thì chắc chắn tôi đã từ chối từ lâu rồi. Rất nhiều cuộc người ta mời tôi dẫn chương trình tôi còn từ chối nữa là làm ĐBQH. Nhưng vì ở đây tôi là đại diện của cộng đồng thục linh, không phải là cộng đồng của những sống trong xã hội ngoài đời cho nên tôi không thể nghĩ theo những người ngoài đời được. Đấy là lý do tôi nhận lời Hội thánh để Hội Thánh đề cử.
Có một điều mà tôi đã nói và tôi sẽ nói mãi điều này đó là để đáp ứng mong mỏi của một cộng đồng cùng đức tin với nhau thì dù khó mấy cũng không được thoái lui. Còn tuổi tác thì không thành vấn đề.
Vậy bà đã chuẩn bị gì cho vai trò mới, vai trò của một ĐBQH nếu bà được lựa chọn?
Tôi chỉ nói đơn giản thế này. Tôi bình an khi tôi đến với Chúa. Và bây giờ tôi cũng bình an khi có Chúa và những người cùng cộng đồng đức tin với mình đang đứng đằng sau mình. Đấy là sự khác biệt. Khác với ngày xưa, khi tôi lên một chương trình, tôi rất là run và sợ. Còn bây giờ, với cá nhân tôi, tôi không cảm thấy điều ấy nữa vì tôi biết có một đấng đang ở bên mình và mình không cảm thấy lo sợ nữa. Chả có gì phải sợ nữa cả bởi mình đã có lòng tin rất vững chắc vào đức tin của mình rồi.
Thật ra, lúc tôi còn phân vân và lưỡng lự khi được Hội thánh hỏi ý kiến, nhiều người trọng cộng đồng thục linh đã đứng ra cầu nguyện cho tôi. Bản thân tôi cũng cầu nguyện. Và tôi thấy rằng, mình không bao giờ được phép thoái thác nếu như đấy là ý Chúa.
Bà hình dung như thế nào về những công việc mà một người ĐBQH sẽ phải đảm trách, gánh vác?
Tôi nghĩ đó là một việc cực kỳ nặng nề và khó khăn. Tôi hiểu vì sao Đảng, Nhà nước mình cần người ở tất cả các lĩnh vực tham gia vào Quốc hội và ĐBQH là những người am hiểu chuyên sâu trong lĩnh vực của mình. Bởi hơn ai hết, những người đó sẽ đóng góp được nhiều ý kiến chuẩn xác về lĩnh vực của mình. Còn nếu đứng ở lĩnh vực này nói về lĩnh vực kia, tôi nghĩ rằng, chỉ làm rối việc thêm thôi.
Rõ ràng phải ở trong nghề mới biết việc nọ, việc kia như thế nào. Anh không phải là người nông dân, không phải là người làm khoa học công nghệ mà anh tham gia vào những việc của cây trồng vật nuôi, nhân giống, chăm bón... thì chỉ làm mọi việc rắc rối thêm.
Tôi nghĩ, Quốc hội cần những chuyên gia thật sự chứ không phải chỉ cần những người có mặt ở đấy cho kín chỗ nghị trường. Nghề của tôi thuộc lĩnh vực truyền thông nên nếu được chọn làm ĐBQH tôi sẽ có những ý kiến đóng góp nằm trong phạm vi lĩnh vực của mình. Tôi sẽ dùng tất cả những gì mình được dạy dỗ và cùng cộng đồng đức tin của mình đóng góp trong khả năng có thể cho Quốc hội, cho đất nước.
Cụ thể, ở lĩnh vực truyền thông của bà, bà sẽ đóng góp những gì cho Quốc hội?
Tôi ví dụ, nếu đến năm 2020, nước ta trở thành một nước công nghiệp thì ngành công nghiệp và tất cả những ngành liên quan đến công nghiệp phải đứng ra giải quyết vấn đề ấy. Tôi không thuộc lĩnh vực ấy nên tôi không thể cùng với ngành công nghiệp đề xuất phương án này, phương án kia. Chỉ ở khâu kết luận cuối cùng tôi mới tham gia. Tất nhiên, phần kết luận cuối cùng ấy do một ban bao gồm nhiều lĩnh vực của quốc hội cùng tham gia và đưa ra quyết định dựa trên rất nhiều ý kiến.
Đấy là phương pháp làm tôi cho là khoa học nhất mặc dù tôi chưa bao giờ tham gia quốc hội nhưng có thể đúc kết ra từ những gì tôi đã trải qua trong cuộc đời của mình để ra điều ấy. Nếu không có cách làm khoa học thì sẽ không bao giờ đi đến một kết luận đúng đắn được.
Tôi không thể nói cụ thể vì tôi không phải do giới truyền thông đề cử lên. Nhưng cái đó là cái mà mỗi người phải tự biết về giới hạn của mình. Tôi chỉ có thể đưa ra những ý kiến riêng của mình trong sự hiểu biết của bản thân. Có thể sự hiểu biết đó có giới hạn nhưng vì lương tâm và tình yêu với đất nước mà đóng góp hết khả năng chứ không phải ngồi im.
Cái gì tôi cảm thấy đóng góp là chuẩn xác thì sẽ có tiếng nói, chứ không phải vào hùa nhau để có tiếng nói thì mọi việc sẽ loạn. Tôi nghĩ, mỗi người khi được đề cử làm ĐBQH đều phải xác định như thế. Và Nhà nước, Quốc hội cũng phải xác định như thế. Quản trị hay sử dụng ai phụ thuộc vào cách nhìn người của Quốc hội.
Cảm ơn bà đã chia sẻ thông tin.
NSƯT Kim Tiến sinh năm 1948, tại phố Hàng Bông, Hà Nội trong một gia đình có 5 anh em. Xuất thân từ một nghệ sĩ múa nhưng bà có niềm đam mê mãnh liệt với phát thanh, truyền hình.
Sau hai lần thi vào Đài Tiếng nói Việt Nam (1970) và Đài Truyền hình Việt Nam (1971) bị trượt, năm 1975 bà về công tác tại đội múa của Đài Truyền hình Trung ương và dần bén duyên với công tác phát thanh viên.
Thuộc thế hệ phát thanh viên đầu tiên của Ban thời sự Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), bà cũng là một trong những người dẫn chương trình truyền hình đầu tiên của VTV. Khán giả đặc biệt quen thuộc với giọng thuyết minh đầy truyền cảm của bà qua nhiều bộ phim truyền hình, trong đó phải kể tới phim truyền hình Tây Du Kýphiên bản 1986.
Từ sau khi nghỉ hưu (2002) sau gần 30 năm gắn bó với nghề truyền hình nghệ sĩ Kim Tiến vẫn không ngừng hăng say làm việc, tự mở lớp dạy phát thanh, dẫn chương trình cho các học viên trẻ với niềm hi vọng sẽ đào tạo được một đội ngũ kế thừa chuyên nghiệp.
Sau lần trắc trở ở cuộc hôn nhân đầu và 20 năm sống lẻ bóng, NSƯT Kim Tiến đã tìm lại được hạnh phúc với người chồng thứ hai là tiến sĩ hóa học Đào Văn Tám. Hiện các con của bà đều trưởng thành và phần lớn tham gia hoạt động nghệ thuật, truyền hình theo bố mẹ. Con gái đầu của bà hiện công tác tại Truyền hình Cáp Việt Nam (VTV Cap), con gái thứ 2 đã sang Đức định cư, con trai út đã tốt nghiệp chuyên ngành đạo diễn bên Mỹ.
Hà Tùng Long
Ảnh: KTV